HoSE 'bêu tên' loạt doanh nghiệp tiếp sau danh sách cắt margin

Trong danh sách 18 công ty chậm nộp BCTC kiểm toán bán niên năm 2023 mà Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa công bố mới đây, có sự góp mặt của một số 'cái tên' quen thuộc. Trong đó bao gồm các doanh nghiệp không chỉ chậm nộp BCTC mà còn 'lùm xùm' nhiều vấn đề kém tích cực.

Những cái tên được nhắc đến trong danh sách này gây sự chú ý như: CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã: AGM); CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á (DAG); CTCP Đầu tư Hải Phát (HPX); CTCP Đầu tư Apax Holdings (IBC); CTCP Đầu tư LDG (LDG); CTCP Thép Pomina (POM); CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã: SJS); CTCP Transimex (TMS) …

HoSE công bố danh sách 18 công ty chậm nộp BCTC kiểm toán bán niên năm 2023. (Ảnh: Int)

HoSE công bố danh sách 18 công ty chậm nộp BCTC kiểm toán bán niên năm 2023. (Ảnh: Int)

Điển hình, tại Đầu tư LDG, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Quyết định xử phạt 520,26 triệu đồng và đình chỉnh hoạt động giao dịch chứng khoán trong 4 tháng đối với ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT do có hành vi bán ra 2.601.300 cổ phiếu LDG ngày 15/8 nhưng không báo cáo dự kiến giao dịch.

Trước đó, ngày 16/8/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) sẽ thực hiện loại bỏ đối với giao dịch bán 2.601.300 cổ phiếu LDG ngày 15/8/2023 của ông Nguyễn Khánh Hưng. Được biết, ngày 15/8, ông Nguyễn Khánh Hưng cho biết đã bán 2.601.300 cổ phiếu LDG để giảm sở hữu từ 3,92%, xuống còn 2,91% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện thông qua khớp lệnh trên sàn.

Tại Sudico, mặc dù là doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong nhiều năm qua, nhưng lại luôn “nhập nhèm” trong việc trả cổ tức. Cuối tháng 6 vừa qua, doanh nghiệp tiếp tục thay đổi thời gian thanh toán cổ tức năm 2016 và 2017 bằng tiền mặt sang tận cuối năm 2024.

Đây là lần thứ 9 Sudico trì hoãn việc thanh toán cổ tức 2016 và là lần thứ 5 trì hoãn chi trả cổ tức 2017 cho cổ đông. Thậm chí, vào giữa năm 2019 và đầu tháng 12/2021, HoSE đã phải có công văn nhắc nhở Sudico nhanh chóng thực hiện nghĩa vụ chi trả cổ tức cho cổ đông theo đúng quy định hiện hành và đề nghị doanh nghiệp giải trình về nguồn tiền để trả cổ tức cho cổ đông.

Còn tại Thép Pomina, trong quý II/2023 (báo cáo tự lập), doanh nghiệp ngành thép này ghi nhận doanh thu đạt 799,36 tỷ đồng, giảm 78,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 350,19 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 62,25 tỷ đồng, tức tăng lỗ thêm 287,94 tỷ đồng. Trong đó, đáng lưu ý, doanh nghiệp kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp ghi nhận âm 35,22 tỷ đồng trong quý II.

Lũy kế trong nửa đầu năm 2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 2.444,48 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 537,02 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 8,11 tỷ đồng, tức giảm 545,13 tỷ đồng.

Với việc tiếp tục ghi nhận lỗ trong nửa đầu năm 2023, tính tới 30/6/2023, tổng lỗ lũy kế lên tới 789,26 tỷ đồng, bằng 28,2% vốn điều lệ.

Trong khi đó, Apax Holdings là “cái tên” quen thuộc trong danh sách của HoSE khi liên tục chậm trễ nộp BCTC kiểm toán.

Apax Holdings do ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) là Chủ tịch HĐQT, là công ty con của CTCP Tập đoàn Giáo dục Egroup. Tính đến cuối năm 2022, Shark Thủy sở hữu 6.17% vốn Apax Holdings. Giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023, cả Egroup lẫn ông Thủy đã bị các công ty chứng khoán bán giải chấp hàng chục triệu cổ phiếu IBC.

Thời gian qua, trung tâm dạy tiếng Anh Apax Leaders - Apax English của Apax Holdings dính nhiều lùm xùm về nợ lương giáo viên, chậm thanh toán lãi và gốc cho nhà đầu tư, chậm bồi thường học phí cho phụ huynh khi đóng cửa chi nhánh...

Tình hình kinh doanh của Apax Holdings cũng khá bi đát khi năm 2022 tổng doanh thu mang về 1.336 tỷ đồng, tăng 35% so với kết quả 2021. Tuy nhiên chi phí tăng mạnh khiến công ty của Shark Thủy lỗ 81 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2022, nợ phải trả của Apax Holdings là 3.076 tỷ đồng, tăng so với đầu năm, trong đó tổng vay và nợ thuê tài chính là 1.915 tỷ đồng. Lượng tiền mặt của Apax Holdings vẫn khá dồi dào với 737 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 697 tỷ đồng thời điểm đầu năm.

Liên quan đến văn bản thông báo, mới đây, HoSE đã bổ sung chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ gồm ADG (CTCP Clever Group), DRH (DRH Holdings), DXS (Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh), HAS (Hasisco), SBV (Siam Brothers Việt Nam), TDC (Kinh doanh và Phát triển Bình Dương) và TTE (Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh).

Hầu hết các cổ phiếu trên đều bị cắt margin do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2023 là số âm, trừ ADG bị cắt margin do BCTC bán niên có ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán.

Tính tới 30/8/2023, có 94 cổ phiếu bị HoSE cắt margin, hầu hết do lỗ ròng, thuộc nhóm bị cảnh báo, kiểm soát hoặc thời gian niêm yết dưới 6 tháng.

Châu Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//24h/hose-beu-ten-loat-doanh-nghiep-tiep-sau-danh-sach-cat-margin-1095085.html
Zalo