Hợp tác xã và doanh nghiệp liên kết phát triển nông nghiệp

Các hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp Lâm Đồng đang mở ra hướng đi mới, linh hoạt và hiệu quả hơn cho phát triển nông nghiệp.

Trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng hiện đại, chất lượng và bền vững thì mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp ngày càng chứng minh vai trò chiến lược trong việc tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp. Việc liên kết này xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và trở thành động lực phát triển.

Ông Lê Anh Sơn (bên phải) Giám đốc HTX Bình Minh, xã Đắk Wil thăm vườn hồ tiêu sinh thái của thành viên.

Ông Lê Anh Sơn (bên phải) Giám đốc HTX Bình Minh, xã Đắk Wil thăm vườn hồ tiêu sinh thái của thành viên.

Ông Lê Anh Sơn, Giám đốc HTX Bình Minh, xã Đắk Wil cho biết, trước đây, HTX sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Từ năm 2019, nhờ đẩy mạnh liên kết với 8 doanh nghiệp, HTX đã bứt phá phát triển mạnh mẽ. HTX hình thành 27 nhóm nông hộ, liên kết với trên 1.000 hộ nông dân sản xuất lên đến 1.420 ha hồ tiêu, sản lượng đạt 3.032 tấn. “Liên kết với doanh nghiệp đã giúp chúng tôi sản xuất hồ tiêu bài bản, bền vững. Chúng tôi triển khai hai chương trình chứng nhận quốc tế về sản xuất nông nghiệp bền vững, gồm Rainforest Alliance và FSA. HTX không ngừng mở rộng vùng nguyên liệu và doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm ổn định”, ông Sơn chia sẻ.

HTX Thịnh Phát ở xã Quảng Sơn liên kết với hơn 200 nông dân hiện trồng khoảng 1.000 ha cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái và rau củ. Toàn bộ sản phẩm được HTX liên kết với doanh nghiệp chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Đặc biệt, sản phẩm cải thảo VietGAP đã xuất khẩu nhờ liên kết này. Bà Nguyễn Thị Toản, Giám đốc HTX Thịnh Phát chia sẻ: “Từ tháng 6 năm 2022, HTX Thịnh Phát liên kết với Công ty CJ Foods Việt Nam ký kết với 36 thành viên xây dựng mô hình trồng 18 ha cải thảo. Từ đó đến nay, cải thảo của HTX được chế biến thành kim chi và xuất khẩu sang Hàn Quốc”.

Nông dân trồng ớt công nghệ cao phục vụ xuất khẩu tại Lâm Đồng.

Nông dân trồng ớt công nghệ cao phục vụ xuất khẩu tại Lâm Đồng.

Chị Bế Thị Điệp, thành viên HTX Thịnh Phát cho biết: “Việc HTX liên kết với doanh nghiệp đã giúp nông dân nắm bắt kỹ thuật trồng cải thảo VietGAP, bao tiêu sản phẩm. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm người trồng cải thảo lãi khoảng 200 triệu đồng”.

HTX Nông nghiệp Buôn Choáh, xã Nam Đà liên kết sản xuất hơn 440 ha lúa gạo đặc sản gồm ST24, ST25. Bà Trần Thị Thanh Vân, Trưởng ban VietGAP của HTX chia sẻ: “Chúng tôi đã liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị lúa gạo. Thông qua liên kết, lúa gạo của HTX đã khẳng định uy tín trên thị trường trong nước và thế giới” .

Tính đến giữa năm 2025, Lâm Đồng có khoảng 1.130 HTX, trong đó đa số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX của Lâm Đồng đang tập trung khai thác thế mạnh trong sản xuất các loại cây trồng có giá trị như rau, hoa, chè, cà phê, hồ tiêu, trái cây, lúa gạo...

Tập huấn sản xuất hồ tiêu hữu cơ tại HTX Đoàn Kết, xã Thuận Hạnh (Lâm Đồng).

Tập huấn sản xuất hồ tiêu hữu cơ tại HTX Đoàn Kết, xã Thuận Hạnh (Lâm Đồng).

Bài toán “được mùa mất giá”, khó tiếp cận thị trường cao cấp và thiếu vốn đầu tư đã khiến nhiều nông hộ và HTX rơi vào thế bị động. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu lại khát nguồn nguyên liệu ổn định, đạt chuẩn chất lượng.

Sự hình thành chuỗi liên kết giữa HTX và doanh nghiệp chính là lời giải cho cả hai bên. HTX tổ chức vùng nguyên liệu, triển khai kỹ thuật sản xuất theo yêu cầu; doanh nghiệp cung cấp đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu đầu ra.

Nông dân tham quan vùng trồng sầu riêng xuất khẩu tại xã Nam Dong.

Nông dân tham quan vùng trồng sầu riêng xuất khẩu tại xã Nam Dong.

Quan hệ hợp tác này giúp nông dân yên tâm sản xuất, doanh nghiệp đảm bảo chất lượng nguyên liệu, tạo nên chuỗi giá trị khép kín và nâng cao giá trị nông sản.

Một điểm đặc biệt trong liên kết mới tại Lâm Đồng là sự chủ động của cả hai phía. Nếu trước đây, HTX thường chỉ đóng vai trò hỗ trợ sản xuất thì nay đã trở thành mắt xích quan trọng trong quản trị chuỗi giá trị. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp không ngại “xuống ruộng”, “lên rẫy”, đầu tư từ khâu giống, kỹ thuật đến bao tiêu đầu ra.

Phan Thanh Nga

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/hop-tac-xa-va-doanh-nghiep-lien-ket-phat-trien-nong-nghiep-382454.html
Zalo