Doanh nghiệp Bộ Xây dựng đạt doanh thu hơn 30 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2025
Sáu tháng đầu năm 2025 khép lại với nhiều tín hiệu tích cực từ khối doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng. Trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục nỗ lực phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn khó khăn hậu dịch bệnh và tái cơ cấu hệ thống tổ chức sau sáp nhập, các doanh nghiệp ngành xây dựng đã và đang thể hiện vai trò tiên phong trong việc góp phần ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển trong 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025, do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh chủ trì ngày 15/7, những con số tích cực được công bố đã phần nào khẳng định sự nỗ lực và linh hoạt của các doanh nghiệp thuộc Bộ. Với tổng giá trị sản xuất ước đạt gần 29.515 tỷ đồng tương đương 47,05% kế hoạch năm, doanh thu hơn 30.065 tỷ đồng đạt 46,67% kế hoạch và lợi nhuận lên đến 2.358 tỷ đồng, vượt 537 tỷ so với kế hoạch đặt ra, toàn bộ khối doanh nghiệp đã cho thấy một bức tranh hồi phục rõ nét.

Ngành Xây dựng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, trọng điểm, rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế quốc gia của ngành...
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh, trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực khơi thông các nguồn lực, huy động mọi tiềm năng cho phát triển kinh tế - xã hội, ngành xây dựng không thể đứng ngoài cuộc. Từ sau khi sáp nhập hoàn tất, Bộ Xây dựng đã nhanh chóng giao kế hoạch cho các doanh nghiệp, với mục tiêu tăng trưởng sản xuất kinh doanh đạt trên 8%, một chỉ tiêu mang tính “kim chỉ nam” cho cả năm 2025.
Theo báo cáo của Vụ Quản lý doanh nghiệp, một trong những điểm sáng là việc các doanh nghiệp đã triển khai nghiêm túc Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, trọng tâm là xử lý các khoản đầu tư tài chính không hiệu quả, thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp yếu kém và tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực cốt lõi. Đặc biệt, công tác tái cơ cấu đã được thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, với lộ trình và kế hoạch cụ thể tại Quyết định 1479/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Nhiều tổng công ty cũng đã triển khai phương án tinh gọn bộ máy, tăng cường hiệu quả quản trị, hướng tới mục tiêu quản lý doanh nghiệp theo chuẩn mực hiện đại và linh hoạt hơn. Đây được xem là bước đi cần thiết trong bối cảnh doanh nghiệp Nhà nước đang từng bước thích nghi với cơ chế thị trường, đòi hỏi tính chủ động và minh bạch cao hơn.
Dù ghi nhận những kết quả tích cực, lãnh đạo Bộ Xây dựng và các đơn vị chức năng cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc vẫn đang hiện hữu. Việc xử lý các tồn tại kéo dài tại một số đơn vị như SBIC, nhà máy đóng tàu Dung Quất, hay các công ty như VFC, VFL, đóng tàu Sông Cấm, Hạ Long… đòi hỏi nỗ lực quyết liệt từ các bên liên quan. Ngoài ra, công tác quyết toán vốn nhà nước trước khi chính thức chuyển đổi doanh nghiệp sang mô hình công ty cổ phần theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 5/6/2025 cũng là một nhiệm vụ cấp thiết.
Để giải quyết hiệu quả các tồn tại trên, Vụ Quản lý doanh nghiệp đề xuất các đơn vị cần khẩn trương cập nhật điều lệ tổ chức, ban hành quy chế quản lý mới phù hợp với Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15), có hiệu lực từ 1/8/2025. Đây là cơ sở pháp lý then chốt nhằm đảm bảo quản trị minh bạch, hiệu quả, nâng cao hiệu lực giám sát tài chính và đầu tư công.
Trong phần phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp cần xác định rõ trách nhiệm trong việc mở rộng thị trường, tìm kiếm thêm đơn hàng mới để duy trì đà tăng trưởng. Bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là từ các nhà thầu tư nhân và quốc tế, đòi hỏi các đơn vị phải liên tục đổi mới cách tiếp cận khách hàng, nâng cao năng lực đấu thầu và thi công.
Đồng thời, chuyển đổi số được xem là một nhiệm vụ mang tính sống còn. Từ quản lý dự án, quản trị doanh nghiệp đến giám sát công trình, mọi lĩnh vực đều cần được số hóa nhằm tăng cường minh bạch, rút ngắn thời gian xử lý và giảm chi phí. Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu các doanh nghiệp cần đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới, xây dựng nền tảng quản lý dữ liệu thống nhất, đồng thời tăng cường hỗ trợ lẫn nhau trên cơ sở chia sẻ thế mạnh từng đơn vị.
Dù còn đối mặt với nhiều thách thức, nhưng với nền tảng kết quả tích cực từ 6 tháng đầu năm, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu các doanh nghiệp trực thuộc có thể hoàn thành và vượt mức kế hoạch cả năm. Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh, đây không chỉ là mục tiêu kinh tế đơn thuần mà còn là một phần trong nỗ lực thực hiện cam kết tăng trưởng chung của cả nước, phấn đấu đạt mức tăng GDP trên 8% trong năm đầu tiên sau sáp nhập.
Các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ phát huy cao độ nội lực, linh hoạt điều hành sản xuất kinh doanh, đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để tháo gỡ kịp thời các rào cản về pháp lý, tài chính, đầu tư công. Việc kịp thời nắm bắt cơ hội từ các dự án đầu tư công, phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhà ở xã hội, những lĩnh vực đang được Chính phủ ưu tiên đẩy mạnh sẽ là cơ sở để doanh nghiệp tăng tốc trong 6 tháng cuối năm.