'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 2: Làm giàu từ nông sản Việt
Phát triển từ cơ sở sản xuất nông sản sạch của chị Nguyễn Thị Oanh (SN 1991, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), đến nay, HTX Nông sản sạch Đô 37 là điểm tựa cho phụ nữ trên địa bàn có công ăn việc làm ổn định. Nhiều chị em trở thành thành viên của HTX để cùng giúp nhau làm giàu từ nông sản Việt.
Bỏ việc văn phòng để khởi nghiệp
Hơn 7 năm trước, khi còn là nhân viên văn phòng, chị Nguyễn Thị Oanh (Giám đốc HTX Nông sản sạch Đô 37) kinh doanh tinh bột nghệ để kiếm thêm thu nhập. Thời điểm đó, sản phẩm này rất “hot”, giá thành cao và được khách hàng ưa chuộng. Thấy được tiềm năng, chị quyết định nghỉ việc để mở cơ sở chế biến tinh bột nghệ. Với lượng khách hàng sẵn có khi bán hàng online, chị tiếp cận được thị trường, đầu tư máy móc, nghiên cứu quy trình để mở rộng sản xuất. Một thời gian sau, khi nhiều cơ sở sản xuất tinh bột nghệ mọc lên, thị trường bão hòa, chị Oanh chủ động nghiên cứu để phát triển dòng sản phẩm chủ lực khác cho cơ sở, định hướng vào nông sản sạch, an toàn cho người sử dụng.
Nghĩ là làm, chị nghiên cứu, đọc thêm rất nhiều tài liệu về dinh dưỡng và nhận thấy giá trị của các loại hạt đậu, ngũ cốc nảy mầm. Sau đó, chị thu mua các loại đậu từ vùng trồng ở Quảng Nam, Đà Nẵng để xử lý cho lên mầm, sấy, rang và xay mịn để tạo ra bột ngũ cốc mầm. Sản phẩm được bán ra thị trường và nhận được lượng đặt hàng lớn qua các kênh online, trở thành sản phẩm chủ lực của cơ sở.
Thời gian này, cơ sở của chị Oanh cũng được Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại TP Đà Nẵng hỗ trợ để đầu tư các loại máy móc phục vụ sản xuất như máy xay, máy sấy, máy ép dầu… Từ đó, chất lượng sản phẩm và sản lượng sản xuất ngày càng nâng cao. Cơ sở sản xuất của chị cũng tạo được việc làm cho lao động nữ ở địa phương. Nhận thấy lợi thế và xu hướng bán hàng online sẽ phát triển mạnh mẽ, ngay từ những buổi đầu tập tành khởi nghiệp, chị Oanh đã tập trung vào kênh bán hàng này và xây dựng hệ thống cộng tác viên bán hàng rộng khắp trên cả nước. “Họ đều là nhân viên văn phòng, mẹ bỉm sữa từng mua và sử dụng sản phẩm. Thấy sản phẩm tốt nên họ tham gia phân phối qua kênh online, nhiều chị em trở thành đại lý phân phối lớn ở các tỉnh, thành”, chị Oanh kể.
Năm 2022, sản phẩm ngũ cốc mầm cao cấp của cơ sở được UBND TP Đà Nẵng công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp thành phố. Từ đó, chị ấp ủ ý tưởng thành lập HTX Nông sản sạch Đô 37 để có thể đẩy mạnh hơn nữa các dòng sản phẩm từ nông sản. “Tôi cũng phân vân là nên mở công ty hay thành lập HTX, nhưng khi nghĩ đến các chị em đồng hành với mình từ những buổi đầu, tôi đã chọn mô hình HTX nhằm phát huy tinh thần tập thể, chủ thể kinh tế phụ nữ làm chủ như con đường từ trước đến nay chúng tôi vẫn kiên trì theo đuổi”, chị Oanh nói. Ý tưởng thành lập HTX Nông sản sạch Đô 37 được Hội LHPN TP Đà Nẵng trao giải nhất trong Hội thi Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp năm 2023.
Nâng tầm giá trị nông sản
Cũng trong năm 2023, HTX Nông sản sạch Đô 37 chính thức được thành lập với 7 thành viên là nữ, và đều là những nhân viên gắn bó với Đô 37 từ những ngày đầu. Cũng bỏ việc văn phòng và về với Đô 37 từ 2 năm trước, chị Trần Thị Thùy (SN 1991, Phó giám đốc HTX) chưa bao giờ hối hận về công việc của mình.
Ấp ủ đưa nông sản Việt ra thế giới
Cuối năm 2023, bánh dinh dưỡng vị dừa của HTX Nông sản sạch Đô 37 được UBND TP Đà Nẵng công nhận là Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đối với sản xuất xoài sấy dẻo, HTX cũng đang chuẩn bị hồ sơ để xin chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp thành phố. “Giữa tháng 4 vừa qua, HTX vinh dự là một trong 5 đơn vị, doanh nghiệp của Đà Nẵng kí kết xúc tiến với TP Goyang (Hàn Quốc). Chúng tôi đã giới thiệu 2 sản phẩm bánh dinh dưỡng và xoài sấy dẻo đến đoàn công tác và mong chờ sự kết nối từ chính quyền thành phố Goyang để đưa các sản phẩm chất lượng từ nông sản Việt ra quốc tế”, chị Oanh nói.
Trước khi về làm việc ở HTX Đô 37, chị Phạm Thị Hằng (SN 1991, tổ 22, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) là mẹ bỉm sữa toàn thời gian. Trước khi nghỉ sinh, chị làm kế toán. Tuy nhiên, sau khi sinh em bé thứ 2, việc chăm sóc con cái và gia đình khiến chị khó lòng quay trở lại công việc trước đây. Từng làm CTV bán hàng cho Đô 37, sau này, chị Hằng xin vào làm việc toàn thời gian và giữ vị trí quản lý sản xuất. Chỗ làm gần nhà giúp chị thoải mái hơn trong việc đưa đón con đi học. Mức thu nhập khoảng 8 - 10 triệu/tháng từ lương cứng và doanh thu bán hàng giúp kinh tế gia đình chị ổn định hơn so với trước đây. “Bản thân tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ khi làm việc ở đây, bởi vậy, khi thành lập HTX, tôi mạnh dạn góp vốn, một phần thể hiện trách nhiệm của mình, một phần mong muốn góp phần để phát triển hơn nữa thương hiệu Đô 37, tạo thêm nhiều việc làm cho chị em phụ nữ khó khăn trên địa bàn”, chị Hằng cho hay.
Hiện, HTX tập trung sản xuất và kinh doanh hơn 30 dòng thực phẩm chế biến từ nông sản Việt như trà ngũ cốc thảo mộc, granola, xoài sấy dẻo, bánh dinh dưỡng làm từ các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt… Mỗi tháng doanh thu của HTX là khoảng 400 triệu đồng. HTX cũng tạo việc làm ổn định cho 10 chị em phụ nữ địa phương, thời cao điểm vụ sản xuất Tết, HTX phải thuê thêm 10 lao động thời vụ. Giữ vững mục tiêu ngay từ buổi đầu khởi nghiệp đó là nâng tầm nông sản Việt, HTX Nông sản sạch Đô 37 liên kết với các vùng trồng đặc trưng của các tỉnh, thành để tạo vùng nguyên liệu ổn định. Thông qua các Hội nghị kết nối giao thương do Sở Công Thương TP tổ chức, tham gia các Hội chợ xúc tiến thương mại, chị Oanh kết nối được sản phẩm từ các địa phương như hạt mắc ca từ Đắk Lắk, hạt điều từ Bình Phước, xoài ở Cam Lâm (Khánh Hòa), mít ở các tỉnh miền Tây…
Sau dịch bệnh, du lịch bắt đầu phục hồi trở lại, HTX Nông sản sạch Đô 37 tập trung vào thị phần khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế khi kết nối để đưa sản phẩm vào các chuỗi cửa hàng đặc sản, siêu thị, sân bay… Tháng 4/2024, HTX cũng mạnh dạn đầu tư để mở thêm một xưởng sản xuất, chuyên dòng sản phẩm xoài sấy dẻo. “Trước đó, chúng tôi cũng đã kinh doanh sản phẩm xoài sấy dẻo nhưng là nhập về bán. Khi khách quốc tế phục hồi, đặc biệt là khách Hàn Quốc trở lại, nhận thấy tiềm năng từ sản phẩm này nên HTX đã đầu tư xưởng, tìm kiếm nguồn nguyên liệu để chủ động về chất lượng, số lượng và giá thành của sản phẩm”, chị Thùy chia sẻ.
(Còn nữa)