Hợp tác xã chuyển đổi xanh để bứt phá

Để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua 'xanh', các hợp tác xã Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải thay đổi tư duy, chuyển đổi mô hình sản xuất và nắm bắt cơ hội từ kinh tế xanh.

Quang cảnh Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2025 với chủ đề "Chuyển đổi sản xuất xanh cho phát triển bền vững"

Quang cảnh Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2025 với chủ đề "Chuyển đổi sản xuất xanh cho phát triển bền vững"

Trong khuôn khổ Tháng hành động Hợp tác xã năm 2025, ngày 11/4, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2025 với chủ đề "Chuyển đổi sản xuất xanh cho phát triển bền vững".

Chuyển đổi xanh là vấn đề sống còn

Phát biểu tại diễn đàn, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (KTTT) thuộc Bộ Tài chính, đã chỉ ra những chuyển biến tích cực của khu vực KTTT Việt Nam trong thời gian qua. Theo ông, nhận thức về vai trò của KTTT đã được nâng cao trong hệ thống chính trị và người dân. Các hợp tác xã (HTX) đã cơ bản hoàn thành chuyển đổi sang mô hình mới theo quy định pháp luật, ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể về số lượng, đa dạng hóa ngành nghề, quy mô và trình độ, qua đó hỗ trợ tốt hơn cho thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại và hạn chế của khu vực KTTT và HTX. Ông nhấn mạnh sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng đóng góp vào GDP còn thấp, thậm chí có xu hướng giảm. Phần lớn HTX và tổ hợp tác vẫn có quy mô nhỏ, thiếu vốn, doanh thu thấp và hoạt động trong phạm vi hẹp, gây khó khăn cho việc mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, chuyển đổi xanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, hiệu quả sản xuất kinh doanh và thu nhập của người lao động còn hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ tụt hậu. Tình trạng ưu tiên tăng trưởng trước, xử lý môi trường sau vẫn tồn tại do lợi nhuận thấp, cùng với đó là sự liên doanh, liên kết yếu và trình độ năng lực của HTX còn nhiều hạn chế. Khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ và huy động nguồn lực còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu và thiếu các gói tín dụng ưu đãi riêng.

Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho biết bối cảnh Việt Nam đang chịu áp lực lớn từ biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và yêu cầu hội nhập xanh, đòi hỏi các HTX phải chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ, truy xuất nguồn gốc và tham gia thị trường tín chỉ carbon. Đặc biệt, Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long đặt ra yêu cầu cấp thiết cho hơn 20.000 HTX nông nghiệp trong khu vực này.

Bà Vân cũng chỉ ra nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước đối với các sản phẩm chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đồng thời đặt ra yêu cầu về phát triển xanh và giảm phát thải đối với các HTX. Theo bà Vân, yếu tố tiên quyết để HTX phát triển bền vững là phải nâng cao cả chất lượng và số lượng.

Đồng quan điểm, ông Bùi Anh Tuấn cho rằng quá trình chuyển đổi xanh đối với khu vực KTTT và HTX không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững, gia tăng giá trị sản phẩm và cải thiện đời sống của các thành viên và người lao động.

Gỡ "nút thắt" cho hợp tác xã

Theo bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, kinh tế xanh không chỉ là giải pháp cho các vấn đề môi trường cấp bách mà còn là đòn bẩy thúc đẩy công bằng xã hội. HTX là công cụ then chốt để đảm bảo một quá trình chuyển đổi xanh công bằng, tạo ra việc làm xanh cho người nông dân địa phương, đồng thời không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bà Christensen khẳng định: “ILO tại Việt Nam hoàn toàn ủng hộ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam và cam kết hỗ trợ người lao động trong quá trình chuyển đổi sang các phương thức sản xuất xanh. Diễn đàn HTX Quốc gia 2025 chính là minh chứng cho quyết tâm mạnh mẽ của khu vực HTX trong việc hướng tới sản xuất xanh”.

Đồng quan điểm, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, để HTX phát triển xanh một cách hiệu quả, yếu tố tiên quyết là bản thân các HTX phải chủ động chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng xanh, tuần hoàn và bền vững. Ông Thịnh nhấn mạnh vai trò trung tâm của HTX nông nghiệp trong việc tổ chức sản xuất thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và đạt các chứng nhận chất lượng là điều kiện tiên quyết để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

"HTX phải nắm bắt và tuân thủ các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, bao gồm các quy định về mã số vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở đóng gói, cũng như các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Organic, Rainforest Alliance và các quy định mới như CBAM, EUDR, tiêu chuẩn carbon, kiểm soát mất rừng, truy xuất nguồn gốc blockchain. Để đạt được điều này, việc đào tạo và cập nhật kiến thức liên tục cho các HTX là vô cùng cần thiết", ông Thịnh cho biết.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), chỉ ra rằng thay đổi tư duy và nhận thức là điểm khởi đầu mang tính quyết định cho quá trình chuyển đổi xanh. Theo ông, nếu không có sự thay đổi trong nhận thức, việc triển khai các chính sách về kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững sẽ khó có thể đi vào thực tế. Ông khẳng định, chuyển đổi xanh không chỉ là chi phí mà còn là cơ hội để đầu tư, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm, phát triển thương mại bền vững và bảo vệ môi trường.

Để khu vực HTX phát triển và gia tăng đóng góp vào nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực đề xuất cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh với quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương và bản thân các HTX. TS Cấn Văn Lực gợi ý có thể đặt mục tiêu kinh tế tập thể - HTX đóng góp 4-5% GDP vào năm 2030. Bên cạnh đó, việc sớm ban hành Danh mục “phân loại xanh” với các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên và giao cho tổ chức độc lập xác nhận xanh là rất quan trọng.

Ngoài ra, cần có cơ chế, tiêu chí và phương thức đánh giá tác động môi trường rõ ràng cho các dự án, công trình, nhà máy và doanh nghiệp xanh. Các chính sách thay đổi hành vi tiêu dùng và đầu tư cũng cần được ban hành, cùng với các hỗ trợ tài chính như thuế, phí, lãi suất ưu đãi, thành lập Quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh và phát triển mô hình “tín dụng hợp tác”.

"Cần nâng cao nhận thức về chuyển đổi xanh, coi đây là một khoản đầu tư chiến lược thay vì chỉ là chi phí, đặc biệt là đầu tư vào con người, công nghệ và thương hiệu. Việc thực hiện tốt Luật HTX 2023 và Luật Đất đai 2024, sớm triển khai mô hình HTX kiểu mới, nâng cao chất lượng cán bộ, tăng cường khả năng thu hút vốn đầu tư và cải thiện liên kết giữa HTX với các thành phần kinh tế khác là những nhiệm vụ cấp thiết", TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.

Hải Yến - Phương Thanh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/hop-tac-xa-chuyen-doi-xanh-de-but-pha-162636.html
Zalo