HỢP TÁC VỀ LẬP PHÁP GIỮA VIỆT NAM VÀ LÀO SẼ ĐƯỢC NÂNG CAO THÔNG QUA CÔNG TÁC GIÁM SÁT
Trong thời gian qua, hoạt động hợp tác trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng lập pháp giữa Việt Nam và Lào luôn là trọng tâm ưu tiên và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp hai nước sẽ tiếp tục được nâng cao thông qua phối hợp chặt chẽ trong công tác giám sát.
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tham mưu, phục vụ hoạt động Quốc hội
Năm 2022 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và Lào, khi hàng loạt hoạt động trọng thể đã, đang và sẽ được tổ chức nhằm kỷ niệm 60 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ký kết Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác. Có thể khẳng định, cùng với các hoạt động hợp tác trao đổi song phương giữa hai Đảng, hai Nhà nước, trong thời gian qua, hoạt động hợp tác trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng lập pháp giữa Việt Nam và Lào luôn là trọng tâm ưu tiên và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Hợp tác hai Quốc hội Việt Nam - Lào đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào thành quả chung của quan hệ hai nước trong suốt chiều dài 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào.
Toàn cảnh cuộc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Hội đón tiếp Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sounthone Xayachak.
Trước hết, điều đó được thể thiện qua việc hai Quốc hội thường xuyên duy trì trao đổi đoàn Lãnh đạo Quốc hội hai nước. Qua mỗi nhiệm kỳ, hàng năm, hai bên đều tổ chức các Đoàn Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức. Những chuyến thăm cấp cao này nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm công tác của Quốc hội, đồng thời tăng cường tin cậy chính trị, củng cố niềm tin, sức mạnh của sự đoàn kết hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai Quốc hội và nhân dân hai nước trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước ở mỗi nước. Hai bên duy trì thường xuyên các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cấp ủy ban, nhóm nghị sĩ hữu nghị; hình thành cơ chế hợp tác Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội; cơ chế họp, giao lưu thường niên giữa Văn phòng Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội hai nước đã góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào chiều sâu.
Hai Quốc hội còn tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề về những nội dung cùng quan tâm. Gần đây, Quốc hội Khóa XIV tổ chức được 8 hội thảo chuyên đề, trong đó có 4 hội thảo do Chủ tịch Quốc hội hai nước đồng chủ trì. Trong nhiệm kỳ Quốc hội Việt Nam Khóa XV và Khóa IX của Lào (đến tháng 7/2022), hai bên tổ chức 2 hội thảo cấp Chủ tịch Quốc hội chủ trì, 1 hội thảo cấp Phó chủ tịch Quốc hội chủ trì, 1 hội thảo cấp ủy ban và nhiều cuộc làm việc, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm công tác cấp ủy ban, cấp vụ.
Nội dung các hội thảo, hội nghị đã chia sẻ thẳng thắn nhiều kinh nghiệm quý trên các lĩnh vực hoạt động rất thực chất như: chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, kinh nghiệm trong việc xem xét, quyết định các dự án quan trọng quốc gia có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; kinh nghiệm về cơ chế, chính sách để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, giám sát các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách, tiền tệ và đầu tư; kinh nghiệm về hoạt động giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về quản lý dự án đầu tư công, ngân sách - tài chính, tiền tệ… Thông qua đó, góp phần xây dựng Quốc hội ngày càng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn phát triển của mỗi nước trong giai đoạn tới. Ngoài ra, hai bên tiếp tục tiến hành các hoạt động giám sát chung việc triển khai thực hiện các thỏa thuận giữa hai nước, cũng như tổ chức các khóa cung cấp thông tin, bồi dưỡng đại biểu dân cử cho phía Lào…
Tại cuộc tiếp Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Lào Sounthone Xayachak và Đoàn đại biểu Quốc hội Lào sang thăm làm việc tại Việt Nam mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Quốc hội Việt Nam sẽ làm hết sức mình trong khả năng để hỗ trợ Lào và Quốc hội hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, đưa quan hệ hai Quốc hội tương xứng với quan hệ hữu nghị đặc biệt hai nước, trở thành hình mẫu trong quan hệ giữa các nghị viện trên thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng bày tỏ thống nhất với Phó Chủ tịch Quốc hội Lào cho rằng trong thời gian tới, hai bên cần tăng cường trao đổi Đoàn các cấp, tăng cường trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa hai Quốc hội, hợp tác giữa cơ quan dân cử địa phương và giữa các địa phương kết nghĩa, tăng cường hoạt động của các nhóm hữu nghị; tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm ở mỗi nước về những chủ đề hai bên cùng quan tâm. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Lào trong đào tạo, bồi dưỡng đại biểu dân cử, tăng cường năng lực cán bộ, chuyên viên Văn phòng Quốc hội Lào; sẵn sàng đón các Đoàn công tác của Lào sang học tập kinh nghiệm.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, để cụ thể hóa Thảo thuận hợp tác hai Quốc hội, hai bên cần xây dựng kế hoạch triển khai từng năm để theo dõi, đôn đốc thực hiện của các cơ quan, của Chính phủ hai nước. Trước mắt, tập trung hợp tác giải quyết các vướng mắc tại các dự án hợp tác kinh tế trọng điểm giữa hai nước, hai bên cùng tổ chức giám sát chung một số dự án lớn, dần cải thiện, nâng cao hiệu quả quan hệ thương mại đầu tư đóng góp thiết thực vào quan hệ hai nước. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội Việt Nam trong khả năng của mình sẽ làm hết sức mình để hoạt động Quốc hội mỗi nước ngày càng đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động.
Cũng tại cuộc Hội đàm với Viện sĩ, Giáo sư, Tiến sĩ Boviengkham Vongdara, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bộ Trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông, Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Quan hệ giữa hai Quốc hội cũng đang phát triển tốt đẹp; tích cực phối hợp triển khai các nội dung của Thỏa thuận hợp tác mới ký tháng 5/2022 nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ngay sau chuyến thăm, các vướng mắc trong hợp tác kinh tế giữa hai nước đã được hai Quốc hội phối hợp với hai Chính phủ hai nước triển khai xử lý, phấn đấu hoàn thành trong năm 2022.
Hai nước đang tập trung tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm trong công tác lập pháp, giám sát, góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn vui mừng thông báo, tại kỳ họp thứ 3 vừa kết thúc vào ngày 16/6/2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua 5 dự án luật và một số dự án công trình quan trọng quốc gia. Việt Nam sẵn sàng trao đổi, chia sẻ với các đồng chí về kinh nghiệm trong xây dựng thể chế và huy động, phân bổ nguồn lực cho phục hồi, phát triển sau đại dịch.
Công tác giám sát sẽ góp phần nâng cao hoạt động lập pháp giữa Việt Nam và Lào
Đề cập về các hoạt động phối hợp giữa cơ quan lập pháp của Việt Nam và Lào, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ- Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Lào nhận định: Quan hệ hai nước Việt Nam và Lào đang phát triển tốt đẹp, toàn diện trên các kênh Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân. Ngay sau chuyến thăm chính thức Lào vào tháng 5/2022 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các vướng mắc trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước được hai Quốc hội phối hợp với hai Chính phủ triển khai xử lý tích cực để phấn đấu hoàn thành trong năm 2022. Hai Quốc hội chính thức triển khai thực hiện các nội dung của Thỏa thuận hợp tác mới ký tháng 5/2022. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, hai bên xác định một số phương hướng hợp tác chính như: Tiếp tục duy trì, đẩy mạnh trao đổi các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao, bao gồm giữa Lãnh đạo Quốc hội và giữa các Ủy ban của Quốc hội hai nước, Nhóm Nghị sĩ hữu nghị, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ, giữa các đoàn Đại biểu Quốc hội địa phương và Hội đồng Nhân dân của Việt Nam với các Đoàn đại biểu Quốc hội khu vực bầu cử của Lào.
Hai Quốc hội tiếp tục phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm một cách thực chất trong các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội; chức năng quản lý, giám sát ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài…; đẩy mạnh công tác đối ngoại Quốc hội để thu hút nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ khẳng định: Hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp hai nước Việt Nam - Lào sẽ tiếp tục được nâng cao thông qua phối hợp chặt chẽ trong công tác giám sát, thúc đẩy thực hiện hiệu quả về thực hiện Thỏa thuận, Kế hoạch hợp tác cấp cao, thỏa thuận hợp tác giữa hai Chính phủ. Trong năm 2022, hai Ủy ban Đối ngoại chủ trì phối hợp với các cơ quan của hai Quốc hội đề xuất nội dung giám sát việc triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước.
Trong tổng thể các hoạt động trong “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào 2022” kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, Quốc hội hai nước phối hợp triển khai các hoạt động, trong đó có Lễ kỷ niệm chính tại Thủ đô hai nước, góp phần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước về truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Ngoài ra, Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn liên Nghị viện khu vực và quốc tế như Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Đại hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF)…
Để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước đối với vấn đề nghiên cứu, xây dựng pháp luật, Phó giáo sư, tiến sĩ (PGS.TS) Hoàng Văn Nghĩa – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, hoạt động xây dựng lập pháp của hai nước cần bám sát, quán triệt những định hướng lớn, chiến lược hợp tác toàn diện, hữu nghị đặc biệt của hai Đảng, cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội của hai nước Việt Nam và Lào trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, Việt Nam và Lào cần chú trọng, ưu tiên việc tăng cường trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về thực tiễn xây dựng lập pháp của mỗi nước thông qua các hoạt động nghiên cứu tham mưu chiến lược, năng lực và kỹ năng lập pháp cho các đại biểu Quốc hội.
Ngoài ra, theo PGS.TS Hoàng Văn Nghĩa, việc tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quan tham mưu của hai Quốc hội góp phần không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và quyết định, thích ứng linh hoạt để thực hiện hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống hiệu quả Covid-19” vừa “phát triển nhanh, bền vững kinh tế-xã hội” hay những vấn đề hệ trọng khác của mỗi nước trong bối cảnh khu vực và quốc tế diễn biến hết sức nhanh chóng, nhạy cảm và phức tạp hiện nay.
Phát huy những thành quả hợp tác giữa Quốc hội hai nước trong thời gian qua, có thể nói, việc hai cơ quan lập pháp của Việt Nam và Lào tăng cường chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và phối hợp chặt chẽ trong công tác giám sát sẽ góp phần nâng cao hoạt động nghiên cứu, xây dựng pháp luật giữa hai nước trong thời gian tới./.