Hợp tác quốc tế để tăng cường năng lực chống kháng thuốc tại Việt Nam

Cục trưởng Thú y Nguyễn Văn Long nhấn mạnh, việc chống kháng thuốc ở Việt Nam sẽ phải có sự phối hợp đa ngành, liên ngành, giữa trung ương với địa phương, giữa doanh nghiệp với hiệp hội, nhà sản xuất, đặc biệt Việt Nam sẽ cần sự phối hợp, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Kháng kháng sinh (AMR) là tình trạng vi sinh vật gây nhiễm trùng ở người, thực vật hoặc động vật phát triển khả năng không bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc nhằm tiêu diệt chúng. Mỗi năm, trên thế giới trung bình có khoảng 1,27 triệu ca tử vong do kháng thuốc.

Nguyên nhân gây ra kháng thuốc kháng sinh trên thế giới có thể bao gồm việc sử dụng thuốc kháng sinh quá mức và sử dụng sai mục đích ở người, vật nuôi; khả năng tiếp cận nước sạch kém...

Chia sẻ tại Hội nghị chuyên đề về phối hợp đa ngành trong phòng, chống kháng thuốc: Chia sẻ dữ liệu – Dẫn lỗi tương lai diễn ra ngày 14 - 15/1, ông Nguyễn Văn Long – Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho rằng, mặc dù có sự chỉ đạo từ phía Chính phủ, quan tâm của quốc tế nhưng công tác phòng chống kháng thuốc ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu, Việt Nam sẽ phải phối hợp chặt chẽ với các bên hơn để thực hiện chống kháng thuốc.

Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh, việc chống kháng thuốc ở Việt Nam sẽ phải có sự phối hợp đa ngành, liên ngành, giữa trung ương với địa phương, giữa doanh nghiệp với hiệp hội, nhà sản xuất, đặc biệt Việt Nam sẽ cần sự phối hợp, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, các nước để Việt Nam triển khai thành công các chiến lược đã đề ra.

“Nếu chúng ta không đi ngay từ bây giờ, không chống kháng thuốc quyết liệt thì hậu quả sẽ vô cùng to lớn, lúc đó chúng ta sẽ phải chạy theo việc chữa bệnh liên quan đến kháng thuốc,” Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long nhận định.

Cục trưởng cũng lưu ý về vai trò quan trọng của con người, từ trung ương đến địa phương, trong đó vai trò thực hiện của địa phương là vô cùng cần thiết. Do đó, ngành sẽ phải xây dựng năng lực của hệ thống từ trang thiết bị đến con người, hệ thống giám sát, cảnh báo. Vấn đề này không chỉ dừng lại ở sử dụng thuốc và phòng chống kháng thuốc mà còn liên quan đến chuỗi sản xuất nông nghiệp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…

Trong kế hoạch thực hiện, năm 2025, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng đề án nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc, sử dụng thuốc kháng sinh trong ngành đảm bảo đáp ứng yêu cầu đã được đặt ra tại Chiến lược quốc gia về Phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Chia sẻ về những nỗ lực chống kháng thuốc thời gian qua của Việt Nam cũng như ngành nông nghiệp, Cục trưởng Nguyễn Văn Long cho biết, Việt Nam đã có nhiều hành động trong việc phòng chống kháng kháng sinh, nổi bật là Chiến lược quốc gia về Phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chiến lược nêu rõ mục tiêu là làm chậm sự tiến triển kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm soát sự tiến triển kháng thuốc, ngăn chặn, kiểm soát lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm; bảo đảm sự sẵn có các thuốc kháng vi sinh vật và sử dụng thuốc kháng sinh vật hợp lý để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật.

Đối với ngành nông nghiệp, theo Bộ NN&PTNT, các quy định về pháp luật được quy định kháng sinh trong chăn nuôi thú y đã được Bộ triển khai từ rất sớm. Trong đó, không cho phép dùng kháng sinh với mục đích kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi kể từ ngày 1/1/2018 và đang trong lộ trình giảm sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi và cấm hoàn toàn việc sử dụng điều trị với mục đích phòng bệnh trong chăn nuôi.

Từ năm 2026 trở đi, kháng sinh sẽ chỉ được dùng để điều trị dự phòng, điều trị khi vật nuôi được chẩn đoán mắc bệnh và phải theo đơn thuốc của người được phép kê đơn thuốc thú y.

Cục Thú y cũng đã xây dựng VAHIS (Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam) và đưa vào hoạt động từ năm 2018. VAHIS là hệ thống quản lý thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến cho phép cập nhật dữ liệu, báo cáo nhanh hơn và chính xác hơn đến các cơ quan có thẩm quyền, thay thế hệ thống báo cáo bằng văn bản, email.

Trong thời gian tới, VAHIS sẽ được mở rộng để quản lý kết quả chẩn đoán và xét nghiệm bệnh động vật trên cạn; giám sát dịch bệnh trên động vật hoang dã, đặc biệt là giám sát kháng thuốc.

Trong hai ngày 14 – 15/1, Cục Thú Y (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị chuyên đề phối hợp đa ngành trong phòng, chống kháng thuốc với chủ đề: Chia sẻ dữ liệu - Dẫn lối tương lai. Hội nghị có sự chia sẻ từ các chuyên gia, cơ quan, trường đại học trong nước, đồng thời có sự góp mặt của tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới như FAO, FHI 360, Nhật Bản...

Hội nghị nhằm giúp cải thiện chính sách, thúc đẩy trong cách tiếp cận Một sức khỏe, chia sẻ dữ liệu trong phòng chống kháng thuốc, tăng cường ứng dụng công nghệ, phát triển các giải pháp sáng tạo trong hệ thống quản lý kháng sinh và phòng chống kháng thuốc.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/hop-tac-quoc-te-de-tang-cuong-nang-luc-chong-khang-thuoc-tai-viet-nam-37523.html
Zalo