Hợp tác phân phối thịt dê, cừu của Mông Cổ tại Việt Nam

Các doanh nghiệp của hai bên đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phân phối thịt dê cừu Mông Cổ tại Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên thúc đẩy trao đổi nông sản giữa hai nước.

Ngày 20-11, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam – Mông Cổ đã tổ chức diễn đàn xúc tiến nông sản Việt Nam – Mông Cổ. Đây là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm nông nghiệp quốc tế AgroViet 2024, đồng thời kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

 Quang cảnh diễn đàn ngày 20-11. Ảnh: BÙI YẾN

Quang cảnh diễn đàn ngày 20-11. Ảnh: BÙI YẾN

Mông Cổ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1954. Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, kim ngạch thương mại song phương của Việt Nam và Mông Cổ đã tăng từ 41,5 triệu USD năm 2017 lên 132 triệu USD năm 2023, với mục tiêu đạt 200 triệu USD trong tương lai gần.

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia hàng đầu trong xuất khẩu gạo, cà phê và trái cây nhiệt đới, trong khi Mông Cổ nổi tiếng với các sản phẩm thịt bò, thịt cừu và các sản phẩm từ sữa có chất lượng cao. Đây là hai lĩnh vực mà hai quốc gia có thể bổ sung và hỗ trợ nhau, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường toàn cầu.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi về tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thủ tục nhập khẩu thịt dê, cừu vào thị trường Việt Nam, cơ hội hợp tác trong chăn nuôi và giết mổ dê cừu, cũng như việc xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Mông Cổ. Đặc biệt, mảng hợp tác về chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ gia súc, trong đó có thịt và xương gia súc, đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp hai nước.

Ông Doãn Khánh Tâm, Phó Vụ trưởng Ủy ban Biên giới quốc gia, chia sẻ, Mông Cổ, với khí hậu khắc nghiệt và thảo nguyên rộng lớn, đã phát triển mạnh mẽ ngành chăn nuôi gia súc. Gia súc ở Mông Cổ được chăn thả tự nhiên, ăn khoảng 3.000 loại thảo dược, tạo ra những sản phẩm thịt có hương vị đặc biệt. Mông Cổ đã gia nhập Tổ chức Thú y thế giới từ năm 1989 và đang tìm kiếm cơ hội hợp tác để phát triển ngành chế biến thịt, đặc biệt là giết mổ và chế biến thịt gia súc.

 Chăn nuôi cừu trên thảo nguyên ở Mông Cổ. Ảnh minh họa

Chăn nuôi cừu trên thảo nguyên ở Mông Cổ. Ảnh minh họa

Trong khuôn khổ diễn đàn, các doanh nghiệp và cơ quan chức năng của hai bên đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phân phối thịt dê, cừu Mông Cổ tại Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới cho việc thúc đẩy trao đổi nông sản giữa hai nước.

Việc ký kết trong chương trình hợp tác này là một bước quan trọng sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Mông Cổ vào cuối tháng 9 vừa qua. Đây là dấu mốc quan trọng nâng tầm quan hệ hai nước lên Đối tác toàn diện, mở ra cơ hội hợp tác kinh tế và thương mại mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Diễn đàn Xúc tiến nông sản Việt Nam – Mông Cổ tổ chức ngày 20-11 không chỉ là cầu nối giúp các doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác, mà còn phản ánh mối quan hệ ngoại giao lâu dài và chiến lược giữa hai quốc gia. Cùng với việc ký kết các hợp đồng hợp tác và đầu tư, việc đẩy mạnh giao thương nông sản sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của cả hai nền kinh tế.

PHÚC HẬU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hop-tac-phan-phoi-thit-de-cuu-cua-mong-co-tai-viet-nam-post769228.html
Zalo