Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản hướng tới bền vững và ứng dụng công nghệ số

Ngày 20/8, tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trần Thanh Nam đã có cuộc gặp song phương với Nghị sĩ Thượng viện, Thứ trưởng chuyên trách Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, ông Maitachi Shoji. Tham dự cuộc gặp còn có Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tại cuộc gặp, hai bên đã trao đổi một số nội dung về việc tăng cường hợp tác trong các dự án nông nghiệp, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm, mở cửa thị trường… Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã chia sẻ về mục tiêu của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam và Nghị sĩ Thượng viện, Thứ trưởng chuyên trách Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, ông Maitachi Shojin hội đàm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam và Nghị sĩ Thượng viện, Thứ trưởng chuyên trách Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, ông Maitachi Shojin hội đàm.

Theo Thứ trưởng, để triển khai hiệu quả đề án, rất cần huy động các nguồn lực để hỗ trợ nâng cao năng lực cho hợp tác xã và hộ nông dân. Do đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất Nhật Bản phối hợp triển khai các chương trình nâng cao năng lực cho các hợp tác xã tham gia xây dựng đề án. Cụ thể, xây dựng hệ thống số hóa trong quản lý chuỗi, xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá giảm phát thải.

Thứ trưởng Maitachi Shouji hoan nghênh sáng kiến chuyển đổi bền vững ngành hàng lúa gạo của Việt Nam và cho biết thêm rằng hệ thống khuyến nông Nhật Bản được tổ chức từ trung ương đến địa phương. Đến nay, đội ngũ có 10.000 người và mỗi tỉnh đều có một trung tâm đào tạo nông dân.

Bên cạnh đó, hệ thống khuyến nông điện tử của Nhật Bản được xem là mạng lưới giúp cho việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan khuyến nông, cán bộ khuyến nông và nông dân một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Ông Maitachi Shouji hiểu rằng đối với Việt Nam, cũng như Nhật Bản, hệ thống khuyến nông là nền tảng cơ bản giúp chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo, tập huấn đội ngũ nông dân, hợp tác xã chuyển đổi mô hình sản xuất, tiếp cận khoa học công nghệ và thị trường.

Thứ trưởng Nhật Bản thể hiện quan tâm đến việc hỗ trợ Việt Nam cải tiến nâng cấp chương trình đào tạo thực hành nghề nông nghiệp theo hướng đa chức năng. Cùng với đó, ông Maitachi Shouji cũng ghi nhận đề xuất hỗ trợ nâng cao năng lực làm công tác khuyến nông, trước mắt để triển khai đề án và tiếp đó là tại các vùng nguyên liệu đạt chuẩn do Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo xây dựng.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam kỳ vọng Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản ủng hộ và tạo điều kiện để các cơ quan chức năng như Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, các tổ chức phi chính phủ Nhật Bản hỗ trợ các cơ sở đào tạo của Bộ NN-PTNT.

Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về việc thúc đẩy, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam hợp tác liên doanh, liên kết đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ số trong nông nghiệp, logistics, thương mại nông lâm thủy sản.

Với tiềm năng hợp tác hai bên về nông nghiệp hữu cơ, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị Nhật Bản xem xét hợp tác xây dựng Chương trình khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng kinh tế số trong nông nghiệp.

Nhằm thúc đẩy thương mại nông sản, Nhật Bản đề xuất hai nước tăng cường hợp tác nông nghiệp chất lượng cao thông qua thu hút đầu tư, công nghệ và chuyển giao tri thức dựa trên các thỏa thuận giữa hai bên.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị phía bạn đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục hồ sơ quả bưởi của Việt Nam để công bố được phép nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản và tiếp tục xem xét đánh giá rủi ro, dịch hại đối với quả chanh leo, bơ từ sữa bò của Việt Nam.

Bộ NN-PTNT cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của bộ sớm hoàn tất thủ tục công bố quả nho của Nhật Bản được phép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam; tiếp tục xem xét quả đào và cá nóc của Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu vào Việt Nam.

Các cơ quan chuyên môn của hai Bộ Nông nghiệp đang rà soát các tài liệu liên quan và kỳ vọng quý I/2025, hai Bộ trưởng sẽ ký kết “Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản” giai đoạn 2025 - 2029.

Tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản đã trải qua 2 giai đoạn 2015 - 2019 và 2020 - 2024. Trên cơ sở đó, hợp tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Cụ thể, về thương mại, hai nước tích cực mở cửa thị trường cho các nông sản của nhau, tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do mà hai bên cùng tham gia. Kim ngạch thương mại song phương về nông, lâm, thủy sản luôn tăng trưởng ổn định, cân bằng.

Nhật Bản hiện là một trong những thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quan trọng của Việt Nam, chiếm khoảng 7,5% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hằng năm. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 10 năm qua đạt trung bình 6,35%/năm.

Trên cơ sở thỏa thuận cấp cao giữa bộ nông nghiệp hai nước về tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp giai đoạn 2015-2019 và giai đoạn 2020-2024, hai bên đã ký kết nhiều bản ghi nhớ và đang triển khai thực hiện một cách hiệu quả.

Bài, ảnh: Nguyễn Tuyến (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/hop-tac-nong-nghiep-viet-nam-nhat-ban-huong-toi-ben-vung-va-ung-dung-cong-nghe-so-20240820163400905.htm
Zalo