Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc: Kỳ vọng lớn từ chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Việt Nam diễn ra trong bối cảnh đầy ý nghĩa – kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao và giai đoạn tái định hình chiến lược phát triển khu vực. Những con số ấn tượng về thương mại, đầu tư và hợp tác hạ tầng là minh chứng cho hiệu quả hợp tác thực chất, toàn diện và bền vững giữa hai nước.

Trưa 14/4, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã tới Hà Nội, bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong hai ngày 14-15/4, theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh năm 2025 là năm đặc biệt, kỷ niệm 75 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm này góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, đưa quan hệ hai nước phát triển lên một tầm cao mới.

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình mang ý nghĩa và tính biểu tượng quan trọng đối với quan hệ hai nước. (Ảnh: TTXVN)

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình mang ý nghĩa và tính biểu tượng quan trọng đối với quan hệ hai nước. (Ảnh: TTXVN)

Sau khi tới Sân bay quốc tế Nội Bài, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có thông điệp. Trong đó, ông cho biết, chuyến thăm lần này sẽ có các cuộc trao đổi sâu rộng với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Việt Nam về những vấn đề tổng thể và mang tính chiến lược liên quan đến phương hướng phát triển quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, từ đó cùng nhau hoạch định lộ trình phát triển mới cho Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung - Việt.

Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa chuyến thăm, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, thời gian qua, hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, kết nối cơ sở hạ tầng có bước phát triển mạnh mẽ.

Trong năm 2024, hợp tác kinh tế thương mại tiếp tục đạt đỉnh cao mới, vượt mức 200 tỷ USD theo thống kê của Việt Nam và 260 tỷ USD theo số liệu của Trung Quốc. Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới.

Trong 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 51,25 tỷ USD, tăng 17,46%. Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất, mang lại lợi ích thiết thực cho hàng triệu nông dân của Việt Nam.

Về đầu tư FDI, Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6 tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 31,26 tỷ USD. Hai bên đã đạt nhận thức chung về hướng giải quyết đối với một số dự án vướng mắc tồn đọng.

Kết nối cơ sở hạ tầng giữa hai nước, nhất là đường sắt đạt nhiều tiến triển quan trọng. Hai bên đã hợp tác chặt chẽ trong việc lập Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Việt Nam phấn đấu xây dựng tuyến đường sắt này trong năm 2025 cũng như hoàn thành lập Quy hoạch hai tuyến đường sắt Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, Đồng Đăng - Hà Nội trong năm 2026, qua đó góp phần tạo thuận lợi cho người dân hai nước qua lại cũng như thúc đẩy giao thương hàng hóa. Tiến độ xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh giữa hai nước đạt tiến triển tích cực.

Gần đây, ông Trần Cương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Đảng ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây cũng đánh giá Trung Quốc và Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để mở rộng hợp tác.

Ông nêu dẫn chứng, đối với Quảng Tây, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều với Việt Nam trong năm 2024 đạt gần 300 tỷ Nhân dân tệ (41,2 tỷ USD), tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây trong suốt 26 năm qua.

Bí thư Trần Cương lưu ý rằng vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản. Cửa khẩu Hữu Nghị Quan - Bằng Tường hiện đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng để trở thành cửa khẩu thông minh đầu tiên giữa hai nước, nhằm nâng cao hiệu quả thông quan và thúc đẩy thương mại song phương.

Ông cũng đề cập đến việc một số doanh nghiệp lớn của Quảng Tây như Tập đoàn Yuchai đã đầu tư vào Việt Nam, trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng mở văn phòng tại Quảng Tây để tận dụng cơ hội từ thị trường Trung Quốc.

Ông nhấn mạnh rằng hai bên cần rà soát các mắt xích trong chuỗi ngành hiện nay để bổ sung và hoàn thiện hơn nữa hợp tác. Theo Bí thư Trần Cương, Trung Quốc đang thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu ngành sản xuất, và Việt Nam cũng có những bước đi tương tự, do đó hai bên hoàn toàn có thể đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/hop-tac-kinh-te-viet-nam-trung-quoc-ky-vong-lon-tu-chuyen-tham-cua-chu-tich-tap-can-binh-1106099.html
Zalo