Hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục là điểm sáng
Trong thời gian qua, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực luôn được duy trì ổn định. Hai nước không ngừng thúc đẩy hợp tác thiết thực trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế - thương mại, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân…
Đặc biệt, hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc duy trì đà phát triển mạnh mẽ, giữ tăng trưởng ổn định, bền vững, ngày càng đi vào chiều sâu.
Nhân dịp Năm mới 2025 và hai nước kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950 - 18/1/2025) phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh đã có cuộc trao đổi với Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc Nông Đức Lai về kết quả nổi bật trong công tác trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2024 cũng như triển vọng trao đổi thương mại giữa hai nước trong năm 2025.
Theo Tham tán Nông Đức Lai, năm 2024, hợp tác kinh tế-thương mại tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Trong bối cảnh thương mại giữa Trung Quốc với nhiều đối tác, đặc biệt là các đối tác lớn, đều sụt giảm, Việt Nam là một trong số ít các đối tác vẫn duy trì ổn định thương mại với Trung Quốc, với mức tăng trưởng hai con số. Nếu tính theo quốc gia, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc với thế giới và tiếp tục duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Kim ngạch xuất nhập khẩu duy trì đà tăng trưởng cao. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt 235,4 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ, dự kiến năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều vượt mốc 250 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng nông sản sang Trung Quốc tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao.
Công tác mở cửa thị trường cho sản phẩm nông sản cũng ghi nhận kết quả tích cực, theo đó, hai nước đã ký kết Nghị định thư cho phép trái dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu nuôi của Việt Nam được chính thức xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, tiếp tục góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Công tác thuận lợi hóa thương mại tiếp tục được thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa qua lại hai chiều. Từ đầu năm đến nay, hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới cơ bản diễn ra thông suốt. Cơ quan chức năng và địa phương có cửa khẩu biên giới hai bên tích cực phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh nhằm khắc phục và hạn chế tối đa vấn đề ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu thường xảy ra vào các dịp lễ tết và chính vụ trước đây, giảm thiểu chi phí phát sinh cho doanh nghiệp.
Hoạt động xúc tiến thương mại không chỉ đổi mới, cải tiến cách làm mà còn đa dạng hóa về cách thức triển khai và mở rộng phạm vi địa bàn xúc tiến nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kết nối đối tác, khai thác mở rộng thị trường, góp phần thúc đẩy xuất khẩu và quảng bá thương hiệu tại thị trường Trung Quốc, đơn cử như “Lễ hội Trái cây Việt Nam tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc”, “Khu gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Ẩm thực, đồ uống châu Á 2024 tại thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông” tạo tiếng vang và hiệu ứng tích cực cho hàng hóa nông sản Việt Nam đi sâu vào thị trường nội địa và khu vực phía Bắc Trung Quốc.
Ngoài ra, hoạt động hợp tác giữa các địa phương hai nước cũng như giữa các bộ/ngành chức năng Việt Nam với các địa phương Trung Quốc cũng được diễn ra thường xuyên nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương và đạt được nhiều kết quả thực chất, đóng góp quan trọng cho quan hệ hợp tác thương mại của hai nước, điển hình như Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông đã tạo cơ sở để thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ với địa phương đầu tàu kinh tế khu vực phía Bắc Trung Quốc.
Về triển vọng trao đổi thương mại giữa hai nước trong năm 2025, Tham tán Thương mại Nông Đức Lai cho biết, có thể thấy trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp như hiện nay, các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước thời gian vừa qua đã tạo thêm động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước và là cơ sở để các ngành, địa phương, doanh nghiệp đi sâu và mở rộng quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực, trong đó kinh tế thương mại tiếp tục là trụ cột quan trọng.
Trong các chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước, hai bên đã ký kết nhiều văn bản thỏa thuận hợp tác, trong đó phần lớn là các thỏa thuận về kinh tế thương mại, qua đó tạo tiền đề cho hợp tác thương mại hai nước trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục phát huy các lợi thế về vị trí địa lý của quốc gia láng giềng với Trung Quốc; tận dụng khai thác các ưu đãi trong khuôn khổ hợp tác chung Việt Nam – Trung Quốc như Khu vực tự do thương mại ASEAN – Trung Quốc (CAFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); tận dụng các cơ chế hợp tác song phương, đa phương để khai thác tiềm năng, nhu cầu của thị trường 1,4 tỷ dân.