Hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho Đồng Nai

Cuối tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG TP.HCM).

Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân (trái) và Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh:H.Yến

Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân (trái) và Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh:H.Yến

Lĩnh vực hợp tác nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả hai bên là đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực.

Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển

Theo nội dung bản ghi nhớ, ĐHQG TP.HCM thực hiện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế cho “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số của tỉnh Đồng Nai” ở các lĩnh vực: công nghệ thông tin - truyền thông, trí tuệ nhân tạo, quản lý đô thị, cơ khí - tự động hóa, quản trị doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng, y tế, du lịch và các lĩnh vực khác theo đặt hàng của UBND tỉnh Đồng Nai, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật, các quy chế, quy định nội bộ của ĐHQG TP.HCM trong công tác đào tạo.

ĐHQG TP.HCM thực hiện đào tạo bồi dưỡng kiến thức, năng lực lãnh đạo, quản trị tiên tiến cho cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở nhu cầu của tỉnh Đồng Nai, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật.

Từ năm 2006, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng một tòa nhà ký túc xá tại Làng ĐHQG để phục vụ cho con em người Đồng Nai. Đến năm 2010, Đồng Nai tiếp tục xây dựng thêm 2 tòa nhà nữa. Theo thiết kế, 3 tòa nhà đáp ứng chỗ ở cho 1.440 sinh viên.

UBND tỉnh Đồng Nai có hoạt động hỗ trợ cho sinh viên của Đồng Nai đang học tập tại ĐHQG TP.HCM thông qua các chương trình học bổng, hỗ trợ cơ sở vật chất...

Hai bên chỉ đạo và tạo điều kiện để các sở, ngành và Trường đại học Đồng Nai ký thỏa thuận hợp tác với các trường/viện và đơn vị trực thuộc của ĐHQG TP.HCM cho việc triển khai thực hiện các nội dung trong biên bản ghi nhớ hợp tác.

Theo Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng, dự thảo đã đưa ra nội dung phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, cần phải cụ thể hóa hơn nữa và nên nghiên cứu bổ sung các nội dung hợp tác đào tạo. Trong đó chú ý đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của các ngành nghề phù hợp để phục vụ cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi đi vào hoạt động.

Cùng với đó, cần chú ý thêm nội dung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn. Đồng Nai tuy là tỉnh công nghiệp nhưng người dân ở nông thôn vẫn chiếm trên 60% trong cơ cấu dân số.

“Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai đã được công bố, một số địa phương sẽ chuyển từ nông thôn sang đô thị. Do vậy, Đồng Nai cần sự phối hợp để đào tạo nghề cho người dân những khu vực này để người dân chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp” - bà Hằng nêu ý kiến.

Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hồng Trang đồng tình về việc cần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao. Cùng với đó, bà Trang cho rằng, cần đào tạo nguồn nhân lực cho cả hệ thống chính trị và nhân lực cho ngành du lịch.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, bản ghi nhớ hợp tác hiện mới chỉ ở bước đầu; tiếp theo cả hai bên sẽ xây dựng chương trình cụ thể theo từng lĩnh vực. Ngoài ra, Đồng Nai sẽ tạo điều kiện về đất đai để ĐHQG TP.HCM mở thêm cơ sở tại Đồng Nai, phần nội dung này sẽ được đưa vào phụ lục của bản ghi nhớ.

Tin tưởng vào khả năng hợp tác

Tiến sĩ Phan Thanh Định, Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG TP.HCM, cho biết nhà trường có 3 thế mạnh để tự tin có thể hợp tác ngay với Đồng Nai. Theo đó, trường phát triển mạnh các hoạt động phục vụ cộng đồng (xây dựng làng nghề, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm mà đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp). Trường không chỉ đào tạo nguồn nhân lực về du lịch, mà còn đào tạo quản lý, quy hoạch nguồn nhân lực du lịch… Trường cũng có thế mạnh về nghiên cứu xã hội học, có thể giúp Đồng Nai nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các lĩnh vực khác nhau (công nghiệp, nông nghiệp, du lịch…).

Tiến sĩ Phan Thanh Định nhấn mạnh: “Đồng Nai đang có lợi thế rất lớn là có Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự kiến sẽ khai thác vào đầu năm 2026. Do vậy, tỉnh cần nghiên cứu để tận dụng tối đa thế mạnh này như: khai thác dịch vụ khách sạn, nhà hàng quanh khu vực sân bay; các điểm du lịch, các sản phẩm du lịch phục vụ cho khách hàng. Làm sao để khách quốc tế đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ lưu trú lại khu vực này, từ đó có thể kết hợp đi du lịch. Vậy sản phẩm du lịch của Đồng Nai sẽ là gì để thu hút du khách?”.

PGS-TS Trần Minh Triết, Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM, cho biết trường có thể hợp tác đào tạo nguồn nhân lực về trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số cho Đồng Nai. Đồng thời, có thể đồng hành trong triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực khác nhau: kinh tế, giao thông, du lịch…

Theo GS-TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, Đồng Nai có lợi thế lớn là có nhiều doanh nghiệp hoạt động. Do vậy, ĐHQG TP.HCM mong hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh có thể liên kết được với các doanh nghiệp trong tỉnh để tăng cường hỗ trợ sinh viên Đồng Nai đang học tại các trường thành viên của ĐHQG TP.HCM, thông qua việc tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, thực tế để có thêm kỹ năng thực tế. Điều này cũng nhằm hỗ trợ cho ĐHQG TP.HCM trong công tác đào tạo.

“Đồng Nai nên mời các doanh nghiệp đồng hành với ĐHQG TP.HCM để sinh viên Đồng Nai có thêm nguồn hỗ trợ nhằm yên tâm học tập” - bà Mai đề xuất thêm.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202410/hop-tac-dao-tao-phat-trien-nguon-nhan-luc-cho-dong-nai-8767eff/
Zalo