Hợp tác công tư trong lĩnh vực KHCN: 'Ba nhà' phối hợp thế nào để đạt hiệu quả?

Chiều ngày 2/7, Bộ Tài chính đã tổ chức Họp báo thường kỳ quý II/2025. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì cuộc họp.

.t1 { text-align: justify; }

Phát biểu tại họp báo, ông Phạm Thy Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Tài chính đã chia sẻ nhiều nội dung quan trọng liên quan đến chính sách đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

 Quang cảnh buổi họp báo thường kỳ quý II/2025 của Bộ Tài chính.

Quang cảnh buổi họp báo thường kỳ quý II/2025 của Bộ Tài chính.

Ông Hùng cho biết, ngày 1/7/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 180/2025/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách PPP trong lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nghị định có hiệu lực ngay lập tức, được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong thu hút đầu tư tư nhân cho những lĩnh vực mang tính nền tảng này.

Nghị định đã xác định cụ thể loại hình công nghệ, sản phẩm theo hướng ưu tiên khuyến khích hợp tác công tư trong các lĩnh vực chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, hạ tầng số, đồng thời có quy định mở để các bên lựa chọn các loại hình, sản phẩm khác phù hợp với định hướng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định các chính sách ưu đãi, bảo đảm đầu tư có tính đặc thù, vượt trội nhằm khuyến khích khu vực tư tham gia hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ như: hỗ trợ nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, ưu đãi đặc biệt về thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai, chia sẻ rủi ro, miễn nộp khoản doanh thu tối thiểu trong hoạt động liên doanh, liên kết.

Nghị định quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện từng hình thức hợp tác theo hướng đơn giản hóa tối đa các thủ tục, đẩy mạnh phân cấp phân quyền trong quản lý thực hiện các hoạt động này.

Để hợp tác "ba nhà" đạt hiệu quả, cần tháo gỡ điểm nghẽn nào?

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hợp tác công tư "ba nhà" đạt hiệu quả, ông Phạm Thy Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Tài chính chia sẻ, một trong những bài học lớn trong xây dựng chính sách PPP là phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của ba bên tham gia: Nhà nước – viện, trường, cơ sở nghiên cứu – doanh nghiệp.

 Ông Phạm Thy Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Tài chính.

Ông Phạm Thy Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Tài chính.

Về phía Nhà nước, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là xác định mục tiêu, định hướng phát triển công nghệ và chuyển đổi số theo chiến lược quốc gia. Thứ hai là đưa ra các “bài toán lớn” – tức những yêu cầu thực tiễn cấp bách – để viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp cùng tham gia giải quyết. Thứ ba là cung cấp hạ tầng nền tảng như phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và các quỹ hỗ trợ.

Các tổ chức khoa học công nghệ, đặc biệt là trường đại học và viện nghiên cứu, cần tổ chức thực hiện hoạt động nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời giải quyết các vấn đề đặt hàng từ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Với khu vực doanh nghiệp, vai trò then chốt là đầu tư kinh phí, vận hành hạ tầng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và chịu trách nhiệm kinh doanh sản phẩm ra thị trường. Đây cũng là nơi ứng dụng các công nghệ mới, đưa sáng kiến vào thực tiễn đời sống kinh tế.

“Việc xác định rõ trách nhiệm từng bên sẽ giúp hợp tác hiệu quả hơn, tránh tình trạng chồng chéo hay đùn đẩy như từng xảy ra trong thực tế”, ông Hùng chia sẻ.

Nhờ hành lang pháp lý mới, thời gian tới, nhiều dự án lớn trong lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo sẽ được thúc đẩy triển khai. Một số ví dụ đang được xây dựng kế hoạch gồm: Trung tâm Đổi mới sáng tạo tại Hà Nội, hệ sinh thái công nghệ số quốc gia, nền tảng hạ tầng dữ liệu lớn dùng chung giữa nhà nước và doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, các quỹ phát triển khoa học công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ rủi ro cũng sẽ được huy động, kết hợp với nguồn vốn ngân sách, nhằm tạo ra nguồn lực đủ mạnh để phát triển các dự án mang tính nền tảng quốc gia.

Ông Hùng cũng khẳng định, trong quá trình xây dựng chính sách, Bộ Tài chính đã tham vấn ý kiến từ nhiều bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp... để đảm bảo tính khả thi và đồng thuận cao.

Bộ Tài chính cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các bên trong triển khai hợp tác công tư, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Đối với tài sản dôi dư, ưu tiên cho giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội

Chia sẻ về vấn đề xử lý tài sản công tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Thoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát, kiến nghị sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện cơ sở pháp lý và thúc đẩy tiến độ triển khai tại các địa phương.

Theo bà Thoa, nguyên tắc quan trọng hàng đầu là phải đảm bảo duy trì hoạt động của bộ máy sau sắp xếp. Đối với tài sản dôi dư, không khuyến khích bán hoặc chuyển nhượng mà ưu tiên bố trí cho các mục đích công như giáo dục, y tế, văn hóa – xã hội hoặc điều chuyển cho cơ quan trung ương đóng tại địa phương.

 Bà Nguyễn Thị Thoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính.

Bà Nguyễn Thị Thoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính cũng theo dõi sát thực tiễn triển khai tại địa phương. Qua nắm bắt, đến thời điểm hiện tại (sau mốc chính thức sắp xếp vào ngày 1/7/2025) nhìn chung các địa phương không còn nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, để có số liệu tổng hợp chính thức, có cái nhìn toàn diện, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương phải báo cáo kết quả sau 90 ngày kể từ khi bộ máy mới đi vào vận hành.

“Có những trụ sở hiện tại được xem là dư thừa, nhưng thực tế có thể được điều chuyển để sử dụng cho cơ quan trung ương đóng tại địa phương, hoặc phục vụ các mục đích thiết yếu khác. Do vậy, việc đánh giá phải hết sức linh hoạt và tổng thể. Chỉ khi kết thúc giai đoạn 90 ngày, chúng tôi mới có thể tổng hợp và công bố số liệu chính thức về tình trạng nhà, đất dôi dư”, bà Thoa chia sẻ thêm.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc mới phát sinh. Trường hợp vượt thẩm quyền, Bộ sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền để có chỉ đạo phù hợp, đảm bảo quá trình sắp xếp, xử lý tài sản công diễn ra thông suốt và hiệu quả.

Cũng tại buổi họp báo, phóng viên nêu vấn đề, vừa qua Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn kêu cứu của Trường Cao đẳng Quảng Ngãi về một số vướng mắc liên quan đến hưởng ưu đãi theo chủ trương xã hội hóa giáo dục đối với Dự án mở rộng cơ sở 1 - Trường Cao đẳng Quảng Ngãi.

Theo đó, Trường Cao đẳng Quảng Ngãi đang gặp vướng mắc về hình thức giao đất và cho thuê đất do những thay đổi trong quy định của Luật đất đai nên đến nay vẫn chưa được hưởng ưu đãi miễn tiền sử dụng đất quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/05/2008; Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và các văn bản liên quan. Trong khi chờ các bất cập được các cơ quan liên quan tháo gỡ thì Chi cục thuế khu vực XII đã ra thông báo cưỡng chế....

Tạp chí và Trường Cao đẳng Quảng Ngãi cũng đã có nội dung câu hỏi cụ thể gửi đến Cục Thuế (Bộ Tài chính). Đến nay rất mong Cục Thuế có những hướng dẫn cụ thể để giúp nhà đầu tư giáo dục được gỡ khó, yên tâm phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Về vấn đề này, phía Bộ Tài chính nêu hướng dẫn nhà trường gửi các nội dung, tài liệu liên quan đến Cục Thuế, Bộ Tài chính để được xem xét, giải quyết nhằm giúp nhà trường tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Thi Thi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hop-tac-cong-tu-trong-linh-vuc-khcn-ba-nha-phoi-hop-the-nao-de-dat-hieu-qua-post252519.gd
Zalo