Hợp tác CNTT với Ấn Độ: Miếng bánh ngon nhưng không dễ nuốt

Doanh thu dự kiến của ngành công nghệ thông tin (CNTT) của Ấn Độ trong năm tài khóa 2024 là 254 tỉ đô la Mỹ, trong đó hoạt động xuất khẩu sản phẩm CNTT đóng góp 200 tỉ đô la. Ngành CNTT Ấn Độ được dự báo sẽ còn tăng trưởng bền vững nhờ sự ra đời của các 'nguồn nhiên liệu công nghệ mới' đẩy nhanh tốc độ phát triển như AI tạo sinh và xe điện.

Đây quả là một thị trường mới lý tưởng cho các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam đến khám phá, đầu tư và hợp tác. Tuy nhiên việc mang chuông đi đánh xứ người này cũng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam hết sức cẩn trọng.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ của Thủ tướng Phạm Minh Chính theo lời mời của người đồng cấp nước chủ nhà Narendra Modi hồi đầu tháng 8 vừa qua, hai nước Việt Nam và Ấn Độ đã ra tuyên bố chung về mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đặt ra nền tảng quan trọng cho việc đẩy mạnh hợp tác hơn nữa giữa hai nước lên một quy mô chưa từng có.

Bên cạnh hàng loạt các lĩnh vực truyền thống mà hai bên mong muốn tăng cường trao đổi thương mại song phương, như công nghiệp, nông lâm thủy hải sản, dược phẩm, du lịch có sự xuất hiện của những ngành được dự báo sẽ định hình chiến lược công nghệ thông tin tương lai như chất bán dẫn, xe điện, công nghệ sạch...

Ngành công nghệ thông tin Ấn Độ được dự báo sẽ còn tăng trưởng bền vững nhờ sự ra đời của các “nguồn nhiên liệu công nghệ mới”. Nguồn: manufacturingtodayindia.com

Ngành công nghệ thông tin Ấn Độ được dự báo sẽ còn tăng trưởng bền vững nhờ sự ra đời của các “nguồn nhiên liệu công nghệ mới”. Nguồn: manufacturingtodayindia.com

Bất chấp tình trạng bất ổn về kinh tế toàn cầu, càng trầm trọng hơn bởi nạn suy thoái, chiến tranh thương mại và bất ổn địa chính trị ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, ngành công nghệ thông tin của Ấn Độ vẫn dự kiến đạt 254 tỉ đô la Mỹ doanh thu trong năm tài khóa 2024, nhờ vào hoạt động xuất khẩu sản phẩm CNTT (ngành mà Ấn Độ đang đứng đầu thế giới) đạt 200 tỉ đô la và doanh thu trong nước đạt 54 tỉ đô la.

Ngành CNTT Ấn Độ được dự báo sẽ còn tăng trưởng bền vững nhờ sự ra đời của các “nguồn nhiên liệu công nghệ mới” đẩy nhanh tốc độ phát triển như AI tạo sinh và xe điện.

Đây quả là một thị trường mới lý tưởng cho các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam đến khám phá, đầu tư và hợp tác. Tuy nhiên, con đường dẫn vào “vương quốc” màu mỡ này không chỉ có hoa hồng mà nếu không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, rất có thể các công ty Việt Nam sẽ gặp phải vô số rào cản, nhẹ thì làm chậm lại đáng kể hành trình dẫn đến sự hợp tác thành công mà nặng thì có khi còn là nguy cơ “thua trắng”.

Vấn đề về nguồn lực và văn hóa

Theo trang Global Business Culture, nhiều doanh nghiệp nước ngoài từng hợp tác với các công ty công nghệ Ấn Độ thường xuyên phàn nàn rằng người lao động Ấn Độ lúc nào cũng chỉ muốn được chỉ dẫn chi tiết về việc mà họ phải làm, ít khi nào họ vận dụng sự chủ động khi có tình huống phát sinh khác với quy trình thông thường. Thay vì tự tìm kiếm giải pháp phù hợp, các nhân viên người Ấn thường chỉ muốn được hướng dẫn tỉ mỉ từng bước một để giải quyết mỗi sự cố nằm ngoài dự kiến.

Ngoài ra, cứ mỗi khi nhận được yêu cầu thực hiện dự án nào đó, phía Ấn Độ luôn luôn đồng ý đảm nhận phần việc này mà hầu như không bao giờ phản đối hay đưa ra thắc mắc nào về tính chất hay nội dung công việc (có lẽ là họ sợ mất lòng đối tác chăng?). Điều này có thể khiến các bên đối tác nhầm tưởng về khả năng thực sự của phía công ty Ấn Độ và cứ thế giao liên tiếp nhiều dự án cho đến khi bắt đầu nảy sinh sự cố nghiêm trọng.

Liên quan đến chuyện “cái gì cũng gật” này là chất lượng dự án bị ảnh hưởng. Theo một số doanh nghiệp Âu - Mỹ, các công ty Ấn Độ luôn đặt nặng vấn đề đảm bảo hoàn thành tiến độ hơn là chất lượng thành phẩm. Thay vì chịu khó mất thêm vài tiếng để chú ý đến chất lượng ngay từ đầu, thì vì sự nôn nóng muốn giao thành phẩm đúng thời hạn của các đồng nghiệp Ấn Độ mà cuối cùng hai bên phải dành ra cả tuần để thảo luận việc khắc phục, sửa đổi. Có lẽ trong trường hợp này, một chút thẳng thắn và trung thực thừa nhận giới hạn của năng lực sẽ là tốt hơn cho cả hai phía.

Có một điểm cần chú ý trong quan hệ làm ăn với người Ấn Độ là trong cách nhìn của họ, mối quan hệ cá nhân khăng khít là tiền đề để hợp tác hiệu quả (một điều không phải là không có tại Việt Nam, nhưng chưa đến mức trở thành nét văn hóa đặc trưng như ở Ấn Độ). Họ rất muốn trở nên gần gũi với đối tác, tự kể rất nhiều về chuyện cá nhân của bản thân và cũng hỏi chuyện riêng của người khác.

Đối với nhiều người nước ngoài, điều này có thể gây ra tình trạng kém hiệu quả và lãng phí nguồn lực, nhưng người Ấn Độ thì lại rất coi trọng những mối quan hệ như vậy và gần như chỉ có thể làm việc hiệu quả nhất khi họ cảm thấy “thuộc về một gia đình”.

Mặc dù không có thống kê chính xác nhưng khoảng 10% dân số là con số thường được chấp nhận khi nói về tỷ lệ người sử dụng tiếng Anh tại Ấn Độ - tức là khoảng 140 triệu người! Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ai trong số đó cũng có thể nói tiếng Anh trôi chảy.

Phần lớn đội ngũ kỹ sư CNTT Ấn Độ đến từ các thành phố nhỏ như Aurangabad ở Maharashtra, Ghaziabad ở Uttar Pradesh và Kurnool ở Andhra Pradesh, theo nghiên cứu của công ty tuyển dụng nhân sự Head Hunters India. Hầu hết những kỹ sư này được đào tạo bằng ngôn ngữ địa phương, hiếm khi là bằng tiếng Anh - ngôn ngữ chính của các thị trường phần mềm hàng đầu. Hạn chế này có thể khiến quá trình cộng tác giữa hai phía doanh nghiệp gặp không ít trở ngại.

Vấn đề về chính sách

“Các phương thức thuế doanh nghiệp không minh bạch vẫn là rào cản đối với quá nhiều công ty muốn hoạt động ở đất nước này”. Các doanh nghiệp CNTT Việt Nam mong muốn đầu tư vào Ấn Độ có thể nên tìm hiểu thêm về lời phát biểu này của ông Eric Garcetti, Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ trong một hội thảo do Phòng Thương mại Ấn Độ - Mỹ tổ chức về việc tăng cường mối quan hệ Ấn Độ - Mỹ vào ngày 30-1 năm nay tại New Delhi. Câu nói của ông Garcetti đã tiết lộ vài sự thật không mấy dễ chịu về văn hóa kinh doanh tại Ấn Độ. Cấu trúc thuế quan và khuôn khổ pháp lý khó hiểu của Ấn Độ thường làm nản lòng các nhà đầu tư và đối tác tiềm năng, buộc họ phải tìm kiếm những quốc gia khác có điều kiện thuận lợi hơn.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ khét tiếng vì có môi trường kinh doanh nhiều khó khăn, đặc biệt là các công ty nước ngoài phải chịu nhiều ánh mắt dò xét từ phía chính phủ. Cơ chế quản lý của Ấn Độ có đặc trưng là quy định thị trường không minh bạch và phương thức hành pháp thiếu ổn định.

Một trong những mối lo ngại chính của các doanh nghiệp nước ngoài có mặt tại Ấn Độ là hoạt động thanh tra thuế khắt khe. Những công ty công nghệ nổi tiếng như Amazon, Foxconn, Nokia và IBM trước đây, cùng nhiều doanh nghiệp khác đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc đã phải chịu những khoản phạt nặng nề vì cáo buộc che giấu đầu tư, trốn thuế và làm giả sổ sách kế toán. Những vấn đề về thuế này là chiêu trò mà Chính phủ Ấn Độ thường dùng để quản lý và cũng làm hạn chế đầu tư nước ngoài.

Theo dữ liệu của Chính phủ Ấn Độ, từ năm 2014-2021, đã có gần 2.800 hãng nước ngoài hoạt động ở Ấn Độ phải “khăn gói về nước” - chiếm khoảng một phần sáu tổng số công ty đa quốc gia đăng ký tại nước này. Xu hướng này đã làm nổi bật những khó khăn do môi trường quản lý Ấn Độ gây ra, với đặc trưng là hoạt động hành pháp tùy tiện và những khoản phạt quá nặng nề.

Do đó, đối với những doanh nghiệp CNTT tại Việt Nam mong muốn tìm hiểu và đầu tư thăm dò vào thị trường vẫn còn mới mẻ mà lại vô cùng hấp dẫn này, có lẽ giai đoạn trước mắt chỉ nên dừng lại ở việc hợp tác trong các dự án chung để có điều kiện dần dần hiểu tường tận những chi tiết cần biết về con người, văn hóa làm việc và cơ chế pháp luật tại Ấn Độ để từ những phi vụ cộng tác thành công có thể tiến tới kết quả mỹ mãn khi “mang chuông đi đánh xứ người”.

(*) IPGeekLab Việt Nam

Nguyễn Ngọc Trâm(*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/hop-tac-cntt-voi-an-do-mieng-banh-ngon-nhung-khong-de-nuot/
Zalo