Hợp tác bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế biển và giảm rác thải nhựa
Trong hai ngày 17-18/5, tại Trung tâm Giáo dục môi trường (Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo), Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức hội thảo 'Hợp tác bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế biển và Tổng kết Dự án: Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam'.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và ông Nguyễn Văn Đa, Giám đốc Nông nghiệp và Môi trường điều hành phiên thảo luận tại Hội thảo. Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN
Bảo vệ môi trường biển và phát triển kinh tế biển bền vững là hai yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Trong bối cảnh ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ngày càng nghiêm trọng, hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Theo các nghiên cứu, lượng rác thải nhựa trôi nổi trên biển gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản và tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình nhằm giảm thiểu ô nhiễm; trong đó, có Kế hoạch hành động quốc gia về Quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đánh giá: Các đảo ở Việt Nam có độ đa dạng sinh học biển với các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn được ví như “lá phổi xanh” của đại dương. Những hệ sinh thái này đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì nguồn lợi thủy sản, hấp thụ khí nhà kính và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, sự thiếu gắn kết trong phát triển giữa đảo và đất liền đã khiến tiềm năng kinh tế biển đảo chưa được phát huy xứng tầm. Trong khi đó, ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là rác thải nhựa, đang trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất với sự sống của đại dương. Hiện, lượng rác nhựa trôi nổi tại nhiều khu vực biển đảo đang ở mức báo động. Dù đã có một số biện pháp phân loại và thu gom, nhưng lượng rác trôi ra biển vẫn rất lớn, tác động tiêu cực đến du lịch, nuôi trồng thủy sản và đời sống ngư dân.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan như: Hiện trạng và định hướng phát triển bền vững kinh tế huyện đảo, gắn với bảo vệ quốc phòng, an ninh, môi trường; vị trí, vai trò của các huyện đảo trong bảo vệ tổ quốc; công tác phối hợp bảo vệ môi trường biển trong thời gian qua; chia sẻ kinh nghiệm của các huyện đảo trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường biển.
Bà Marianne Henkel, Trưởng đại diện Chương trình châu Á, WWF-Đức thông tin, thông qua sáng kiến "Đô thị giảm nhựa", nhiều mô hình giảm rác thải nhựa itết giảm-tái sử dụng-tái chế đã được cộng đồng thực hành, với hơn 18.000 hộ gia đình đã được đào tạo phân loại rác tại nguồn-tạo nền tảng với các hoạt động bền vững tại địa phương.

Lực lượng chức năng của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo tiến hành dọn rác dưới rạn san hô định kỳ. Ảnh: TTXVN phát
Tại các khu bảo tồn biển, hơn 10.600 m3 rác thải nhựa đã được thu gom; trong đó, có 3.500 m3 rác nhựa từ biển. Hàng nghìn ngư dân đã tham gia, cùng với hơn 1.000 thuyền viên đã cam kết và thực hành việc đưa rác về bờ. Kết quả từ các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cũng đạt được nhiều ý nghĩa. Tỷ lệ người dân tại các địa phương tham gia dự án từ chối sử dụng nhựa dùng một lần đã tăng mạnh từ 47% lên 97%, chỉ số tiến bộ hành vi đã tăng từ 45 lên gần 60 điểm, đây là những bằng chứng rõ ràng về sự thay đổi lâu dài và sâu rộng trong cộng đồng.
“WWF-Đức cam kết mạnh mẽ của trong việc hỗ trợ Việt Nam bảo vệ các hệ sinh thái biển và thúc đẩy nền kinh tế biển xanh bền vững. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục đồng hành cùng các đối tác để mở rộng các mô hình thành công, cũng như tăng cường sự kết nối của Việt Nam trong các mạng lưới khu vực và toàn cầu”, bà Marianne Henkel khẳng định.
Bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chia sẻ, việc triển khai Dự án “Giảm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Phú Yên được thực hiện hiệu quả, với sự tham gia của cả chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư ven biển, góp phần giảm thiểu ô nhiễm và tăng cường quản lý rác thải nhựa từ các hoạt động ven biển.
Nỗ lực của tỉnh cùng với việc Dự án “Giảm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được triển khai không chỉ góp phần hỗ trợ nguồn lực cải thiện hệ thống thu gom, thí điểm các mô hình và sáng kiến, mà còn giúp kết nối, gắn kết các nỗ lực của các bên liên quan khác nhau trong xã hội vì nỗ lực chung giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa... đã và đang tạo ra những thay đổi tích cực trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Ông Trần Thanh Huyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết: Cùng sự hỗ trợ của Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, UBND huyện xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa giai đoạn 2022-2025, với mục tiêu chung là loại bỏ rác thải nhựa trong Khu bảo tồn biển để Côn Đảo trở thành huyện đảo tiên phong trong việc thực hiện các sáng kiến và cam kết về giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đồng thời, giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát tại huyện Côn Đảo so với năm 2020. Qua 3 năm triển khai, UBND huyện Côn Đảo đã thực hiện nhiều giải pháp giảm rác thải nhựa và đạt được kết quả khả quan.
UBND huyện Côn Đảo ưu tiên triển khai nhân rộng mô hình ngôi nhà xanh, tổ chức mô hình tái chế pano thải thành túi xách; mô hình giảm nhựa tại tất cả các trường học trên địa bàn huyện; mở rộng mô hình xử lý rác thải hữu cơ thành phân compost, triển khai tăng cường mô hình Nghĩa trang Hàng Dương không rác thải nhựa. Nhân rộng mô hình du lịch giảm nhựa đến tất cả các cơ sở du lịch dịch vụ trên địa bàn huyện.
Qua các phiên thảo luận, hội thảo đã thống nhất được nhiều nội dung khẳng định vai trò chiến lược của các đảo trong phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đúng với tinh thần Nghị quyết 139/QH15. Đồng thời, xác định rõ những thách thức như ô nhiễm môi trường, thiếu liên kết kinh tế và tác động của biến đổi khí hậu; đề xuất các giải pháp cụ thể như phát triển kinh tế tuần hoàn, du lịch sinh thái, và nuôi trồng thủy sản bền vững.

Chương trình thu gom, phân loại rác tại nguồn. Ảnh: TTXVN phát
Bên cạnh đó, đề ra cơ chế liên kết liên đảo và giữa đảo với đất liền, thông qua các chuỗi giá trị kinh tế, hợp tác công-tư, và ứng dụng công nghệ cao trong quản lý tài nguyên…Đặc biệt, các sáng kiến về bảo vệ đa dạng sinh học, quản lý rác thải nhựa và nâng cao nhận thức cộng đồng đã cho thấy sự đồng thuận và quyết tâm mạnh mẽ trong việc xây dựng các đảo Việt Nam trở thành những “điểm sáng” về phát triển xanh và bền vững.