Hợp tác ASEAN-GCC-Trung Quốc: Xu hướng đa phương tất yếu
Việc ASEAN tích cực hợp tác với Trung Quốc và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tạo ra sự ổn định và chắc chắn cho nền kinh tế toàn cầu.
Ngày 27-5, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 46, nhiều sự kiện quan trọng như Hội nghị cấp cao ASEAN-Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC-Trung Quốc đã diễn ra.
Cơ hội thương mại lớn giữa ASEAN-GCC
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC, Thủ tướng nước chủ nhà Malaysia - ông Anwar Ibrahim cho biết mối quan hệ kinh tế và chiến lược ngày càng phát triển giữa ASEAN và GCC có ý nghĩa quan trọng đối với triển vọng lâu dài của khu vực và thế giới, nhất là trong bối cảnh môi trường toàn cầu ngày càng phức tạp với nhiều bất ổn kinh tế và thách thức địa chính trị, theo trang The Vibes (Malaysia).
Theo ông Ibrahim, hội nghị là minh chứng rõ ràng cho cam kết chung của hai khu vực trong việc thúc đẩy và tăng cường quan hệ. Đây là cơ hội để tái khẳng định tham vọng chung của hai tổ chức và chuyển tầm nhìn chung thành hợp tác cụ thể, thực tiễn và có tác động lớn lao.

Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC diễn ra ngày 27-5. Ảnh: ASEAN/X
Thái tử Kuwait Sheikh Sabah Khaled Al-Hamad Al-Sabah, kiêm Chủ tịch GCC, nhận định rằng cả hai tổ chức đều có tiềm năng phát triển to lớn, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) gần 6.000 tỉ USD và dân số 740 triệu người.
Theo ông Al-Sabah, vào năm 2023, GCC là đối tác thương mại lớn thứ bảy của ASEAN với kim ngạch thương mại đạt 130,7 tỉ USD. Chủ tịch GCC dự kiến con số này sẽ tăng lên 180 tỉ USD vào năm 2032 và chìa khóa để đạt được mục tiêu này là những tiến triển trong đàm phán hiệp định thương mại tự do, hợp tác trong chuỗi cung ứng và đầu tư.
Thái tử Al-Sabah cũng kêu gọi hai bên hợp tác chặt chẽ hơn về năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu, đồng thời cam kết GCC sẵn sàng chia sẻ chuyên môn về năng lượng sạch, hydro xanh và công nghệ carbon thấp song song với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
ASEAN-GCC-Trung Quốc: Chìa khóa ổn định kinh tế toàn cầu
Phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC-Trung Quốc, Thủ tướng Ibrahim nhấn mạnh đây là lần đầu tiên ba đối tác có quan hệ rất sâu sắc và bền bỉ này ngồi lại trong một hội nghị hợp tác. Tổng cộng GDP của ba bên khoảng 25.000 tỉ USD với dân số khoảng 2,15 tỉ người. Độ lớn mạnh về quy mô này cho thấy cơ hội lớn trong việc hợp tác mở rộng thị trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đầu tư liên khu vực.
Trong cuộc gặp với Thái tử Kuwait hôm 26-5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khẳng định nước này mong muốn tăng cường đối thoại và hợp tác với ASEAN, GCC nhằm thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và ổn định ở châu Á, cũng như đóng góp tích cực vào việc bảo vệ lợi ích của các nước Nam Bán cầu (Global South). Theo ông Lý, Hội nghị thượng đỉnh là cơ hội để đạt được mục tiêu đó, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin.
GS. Hứa Lợi Bình - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc - tin rằng Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC-Trung Quốc sẽ mang lại sự ổn định và chắc chắn hơn cho nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn.
Theo học giả này, sự hợp tác liên khu vực như vậy thể hiện xu hướng tất yếu của việc duy trì chủ nghĩa đa phương, đồng thời phản ánh động lực nội tại hướng tới việc tạo thuận lợi và tự do hóa thương mại-đầu tư.

Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC-Trung Quốc ngày 27-5. Ảnh: RTVMALACANANG
TS. Julia Roknifard - giảng viên cao cấp tại Khoa Luật và Quản trị thuộc ĐH Taylor’s (Malaysia) - cho rằng Hội nghị ASEAN-GCC-Trung Quốc là sự hội tụ của nhiều thế mạnh: GCC có các nước mạnh về xuất khẩu năng lượng; Trung Quốc với thị trường khổng lồ hơn 1,4 tỉ người, đi đầu về năng lượng tái tạo và xe điện; ASEAN phát triển năng động, có thị trường và trung tâm sản xuất lớn. Sự hội tụ này sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho tất cả các bên.
Theo chuyên gia này, khi hợp tác cùng nhau, ASEAN-GCC-Trung Quốc nắm giữ đủ nguồn lực để giữ vững các hoạt động thương mại, vượt qua các biến động, hạn chế hay gián đoạn tiềm ẩn do biến động kinh tế toàn cầu. Hội nghị này cũng là một sự kiện quan trọng khác trong hợp tác các nước Nam bán cầu vì có thể sẽ thu hút sự tham gia của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế hơn trong tương lai.
"Nếu hợp tác cùng nhau, chúng ta có thể duy trì và thúc đẩy một hệ thống thương mại dựa trên luật lệ, điều này sẽ giúp củng cố chủ nghĩa đa phương và làm cho nền tảng kinh tế chung trở nên vững chắc và kiên cường hơn rất nhiều" - Thủ tướng Singapore Lawrence Wong nhấn mạnh.
Hướng đi của ASEAN trong thế giới biến động
Trong thế giới mà chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa đang dần suy yếu và xu hướng chuyển sang các thỏa thuận mang tính giao dịch và song phương nhiều hơn, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cho rằng ASEAN cần làm một số việc để ứng phó với môi trường thách thức này.
Theo ông Wong, các nước ASEAN vừa phải tăng gấp đôi nỗ lực hội nhập nội khối, ví dụ như hướng tới việc miễn thuế 100% hàng hóa trong khu vực. Cạnh đó, ASEAN cần giải quyết các rào cản phi thuế quan, chẳng hạn như các yêu cầu cấp phép nhập khẩu và thủ tục hải quan phức tạp, cũng như mở rộng ra ngoài lĩnh vực thương mại hàng hóa để thúc đẩy thương mại dịch vụ. Ngoài ra, khối này cũng nên đẩy mạnh hội nhập vào các lĩnh vực mới, chẳng hạn như nền kinh tế số và thành lập lưới điện khu vực.
Song song với hội nhập nội khối, ASEAN cũng cần củng cố, tăng cường quan hệ đối tác ngoại khối bằng cách tiếp tục tăng cường các hiệp định thương mại hiện có và củng cố mối quan hệ với các nhóm kinh tế khu vực khác, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Khi nói đến việc mở rộng mạng lưới quan hệ kinh tế của ASEAN, ông Wong nói rằng Liên minh châu Âu (EU) và GCC là hai đối tác chiến lược quan trọng của ASEAN. Khi kết hợp lại, ASEAN, CPTPP, EU và GCC sẽ tạo nên "một phần đáng kể" của nền kinh tế thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự các hội nghị cấp cao
Trong ngày 27-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao đã dự Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC và ASEAN-GCC-Trung Quốc.
Phát biểu tại Hội nghị ASEAN-GCC, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tiềm năng hợp tác ASEAN-GCC, nhận định hai khu vực đều có thế mạnh riêng, mang tính bổ trợ cao và chia sẻ nhiều điểm tương đồng về tầm nhìn phát triển, theo báo Điện tử Chính phủ.
Thủ tướng cho rằng ASEAN và GCC cần cùng nhau định hình, kiến tạo một mô hình hợp tác liên khu vực thế hệ mới nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hợp tác phát triển, tăng cường lợi ích hài hòa giữa hai bên, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển chung của hai khu vực và thế giới.
Thủ tướng kêu gọi ASEAN và GCC tăng cường hợp tác thực chất, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Thủ tướng cũng đề xuất thiết lập một thỏa thuận hợp tác kinh tế chung nhằm thúc đẩy tiếp cận thị trường, kết nối chuỗi cung ứng, hỗ trợ đầu tư hai chiều và tạo khuôn khổ tương hỗ thực chất trong lúc ASEAN và GCC tiến hành nghiên cứu khả thi về một Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) toàn diện.
Thủ tướng cũng đề nghị ASEAN và GCC đưa các lĩnh vực tăng trưởng xanh và bền vững trở thành trụ cột hợp tác mới của quan hệ. Ngoài ra, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng các nước thúc đẩy hợp tác cụ thể về phát triển hạ tầng số 5G, AI, cáp biển, sản xuất hydro xanh, năng lượng mặt trời, lưu trữ năng lượng thông minh, tạo thuận lợi cho di chuyển và điều kiện lao động, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế.