Hợp nhất Thái Nguyên - Bắc Kạn: Hội ngộ nghĩa tình, khát vọng vươn xa

Hợp nhất hay sáp nhập chỉ là cách gọi, không đơn thuần là tái lập đơn vị hành chính, mà là sự hội tụ đầy nghĩa tình và mang tính lịch sử. Trong tâm thức của nhiều người dân, việc hợp nhất hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn là cuộc hội ngộ sau 28 năm chia tách - Đó là sự gặp gỡ của lịch sử và hiện tại, của ký ức và khát vọng phát triển vươn xa.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị hợp nhất hai tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn (tháng 6/1965). Ảnh: Tư liệu

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị hợp nhất hai tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn (tháng 6/1965). Ảnh: Tư liệu

Đất nước chúng ta đang trong một giai đoạn đặc biệt của lịch sử phát triển - đó là công cuộc đổi mới không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa hay giáo dục, mà còn được thực hiện mạnh mẽ trong chính bộ máy tổ chức của Đảng và Nhà nước. Trong đó có việc hợp nhất, sáp nhập các cơ quan, đơn vị và đơn vị hành chính các cấp, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Thái Nguyên và Bắc Kạn - vốn đã từng là một với tên gọi tỉnh Bắc Thái (giai đoạn 1965 - 1996). Việc hợp nhất hai tỉnh lần này không chỉ là thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, mà còn là dịp để những người anh em từng chung một mái nhà nay được trở về bên nhau, sau 28 năm chia xa. Đó là sự gặp gỡ của lịch sử và hiện tại, của ký ức và khát vọng phát triển.

Lịch sử hình thành - Gốc chung, tình thâm

Thái Nguyên và Bắc Kạn từng là một phần không thể tách rời nhau. Năm 1831, tỉnh Thái Nguyên được thành lập gồm hai phủ là Phú Bình và Thông Hóa (trong đó, phủ Thông Hóa bao gồm các vùng thuộc tỉnh Bắc Kạn ngày nay như: Bạch Thông, Chợ Đồn, Na Rì, Ngân Sơn...). Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, tháng 1-1900, chúng lấy một phần đất của phủ Thông Hóa để thành lập tỉnh mới, gọi là tỉnh Bắc Kạn.

Sau này, dù đã trở thành tỉnh riêng, Bắc Kạn vẫn luôn là “người một nhà” gần gũi nhất của Thái Nguyên, có sự gắn bó, giao thoa về địa lý, văn hóa, truyền thống, lịch sử cách mạng và cả trong hệ thống chính trị.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên - Bắc Kạn cùng nằm trong lòng Chiến khu Việt Bắc, là “thủ đô gió ngàn” của cách mạng. Mảnh đất này đón Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ và nhiều cơ quan trọng yếu của Nhà nước về đóng quân, lãnh đạo toàn dân kháng chiến, kiến quốc. Những năm tháng gian khó ấy, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên và Bắc Kạn đã cùng nhau sẻ cơm, nhường áo, nhường nhà, trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến.

Năm 1965, trong bối cảnh cả nước bước vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Bắc Thái được thành lập từ sự hợp nhất của hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Từ đó đến năm 1996, hai địa phương đã cùng nhau trải qua ba thập kỷ với bao dấu mốc lịch sử, phát triển và cống hiến. Trong suốt thời kỳ đó, Bắc Thái luôn tự hào là biểu tượng của sự đoàn kết giữa vùng trung du công nghiệp, trung tâm giáo dục đào tạo với vùng cao giàu bản sắc, nhiều tiềm năng về sinh thái và nông lâm nghiệp.

Cũng trong thời kỳ Bắc Thái, các chính sách lớn về công nghiệp hóa, phát triển giao thông, giáo dục đào tạo, quốc phòng - an ninh đều được triển khai thống nhất và hiệu quả. Hệ thống trường học, bệnh viện, doanh nghiệp Nhà nước và hợp tác xã nông nghiệp được hình thành đồng bộ, trong đó Thái Nguyên giữ vai trò đầu tàu, trung tâm phát triển, còn Bắc Kạn là vành đai sinh thái, hậu phương vững chắc.

Đặc biệt, không thể không nhắc đến yếu tố con người, cán bộ, chiến sĩ, giáo viên, bác sĩ… của hai tỉnh đã cùng nhau công tác, gắn bó như anh em một nhà. Nhiều thế hệ cán bộ tỉnh Bắc Thái nay đang là lãnh đạo, cán bộ chủ chốt tại cả Thái Nguyên và Bắc Kạn. Mối quan hệ không chỉ dừng ở cấp thể chế, mà còn là gắn kết bằng tình thân, bằng máu thịt của cộng đồng.

Quá trình chia tách - Một bước đi của thời cuộc

Sau hơn ba thập kỷ tồn tại, tỉnh Bắc Thái đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ và thời kỳ bao cấp. Đến giữa thập niên 90, trước yêu cầu đổi mới toàn diện đất nước, Trung ương Đảng và Chính phủ đã tiến hành rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các đơn vị hành chính cấp tỉnh, đặc biệt là các tỉnh hợp nhất trong thời kỳ chiến tranh. Trong bối cảnh đó, việc tách tỉnh Bắc Thái thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn không chỉ là một điều chỉnh địa giới, mà còn là một quyết định chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện, phù hợp với điều kiện đặc thù và yêu cầu quản lý mới.

Năm 1996, Quốc hội khóa IX (Kỳ họp thứ 10) đã ra Nghị quyết về việc chia tách tỉnh Bắc Thái, thành lập lại hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn kể từ ngày 01/01/1997. Đây là một quyết định có ý nghĩa lớn, mở ra chặng đường phát triển mới cho cả hai địa phương. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, công tác tổ chức được triển khai khẩn trương, đồng bộ. Dù có những khó khăn ban đầu, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao và sự hỗ trợ từ Trung ương cũng như từ Thái Nguyên, tỉnh Bắc Kạn đã nhanh chóng ổn định tổ chức, bắt nhịp với xu thế đổi mới chung của cả nước.

Sau chia tách, mỗi tỉnh tập trung khai thác thế mạnh riêng. Nếu như Thái Nguyên trở thành trung tâm công nghiệp, giáo dục đào tạo và khoa học của vùng trung du và miền núi phía Bắc, với các khu công nghiệp lớn và hệ thống các trường đại học, cao đẳng phát triển bậc nhất cả nước; thì Bắc Kạn tập trung phát triển du lịch sinh thái, bảo vệ rừng và bản sắc văn hóa dân tộc.

Tuy địa giới hành chính chia tách, nhưng mối quan hệ giữa hai tỉnh chưa bao giờ bị chia cắt. Từ phát triển kinh tế, giáo dục đến quốc phòng, an ninh, văn hóa, Thái Nguyên và Bắc Kạn vẫn luôn phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhau trong các chương trình, dự án và hoạt động chính trị - xã hội. Những thành phố, thị trấn, bản làng của Thái Nguyên và Bắc Kạn gắn bó mật thiết, người dân hai tỉnh luôn qua lại buôn bán, giao lưu, kết hôn, tạo nên những mối quan hệ thân tình vượt qua địa giới hành chính.

Hợp nhất và tái ngộ - Chủ trương lớn, lòng dân thuận

Ngày 14/02/2025, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 126-KL/TW về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025 và ngày 12/4/2025, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 60-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Từ đó, việc hợp nhất các tỉnh có quy mô dân số nhỏ, điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng đã được đặt ra để đảm bảo tính hiệu quả, tiết kiệm, khoa học và phù hợp với tình hình thực tế.

Hội nghị trao đổi công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn (ngày 19/4/2025).

Hội nghị trao đổi công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn (ngày 19/4/2025).

Việc hợp nhất Thái Nguyên - Bắc Kạn là một phần trong chủ trương lớn của Trung ương Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh giai đoạn 2023 - 2030, nhằm tinh gọn bộ máy, tiết kiệm nguồn lực, nâng cao hiệu quả điều hành và tạo ra không gian phát triển bền vững.

Ngay từ khi chủ trương được đưa ra, hai tỉnh đã tích cực phối hợp triển khai các bước chuẩn bị quan trọng. Tỉnh ủy Thái Nguyên và Tỉnh ủy Bắc Kạn đã tổ chức nhiều cuộc làm việc, khảo sát, trao đổi để cùng xây dựng đề án với tinh thần không chỉ sắp xếp bộ máy, mà phải tạo sự đồng thuận từ lòng dân.

Tỉnh mới sau hợp nhất sẽ có diện tích hơn 8.300 km², dân số khoảng 1,68 triệu người - trở thành một trong những tỉnh lớn cả về quy mô và tiềm năng. Trụ sở hành chính đặt tại thành phố Thái Nguyên - đô thị trung tâm của vùng trung du miền núi phía Bắc.

Các đồng chí lãnh đạo 2 tỉnh chụp ảnh lưu niệm.

Các đồng chí lãnh đạo 2 tỉnh chụp ảnh lưu niệm.

Xác định việc hợp nhất không phải là “cái mới lấn át cái cũ”, mà là cùng nhau gìn giữ cái tốt đẹp, cùng làm mới nhau để đi lên; không có sự ưu tiên hay thiệt thòi mà chỉ có sự bổ sung, kế thừa và phát triển. Chính vì thế, công tác tuyên truyền, dân vận phải luôn đi trước và đã được 2 tỉnh quan tâm chủ động triển khai với tinh thần sâu sát, kịp thời. Mọi bước đi đều có sự tham gia và giám sát của Nhân dân. Trong quá trình xây dựng và triển khai đề án hợp nhất, cả hai tỉnh đã thể hiện sự đồng thuận rất cao. Từ hệ thống chính trị đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ các ban, ngành, đoàn thể cho đến từng xã, phường, thị trấn - tất cả đều vào cuộc với tinh thần trách nhiệm, dân chủ và đầy tâm huyết.

Tại cả hai địa phương, việc tổ chức lấy ý kiến được triển khai dân chủ, công khai, đúng quy trình và nhận được sự quan tâm sâu sắc của người dân. Tỷ lệ cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý với phương án hợp nhất đạt trên 99% (trong đó: tỉnh Thái Nguyên đạt tỷ lệ 99,81% và tỉnh Bắc Kạn là 99,07%), cho thấy nhận thức chung của Nhân dân về ý nghĩa và lợi ích lâu dài của việc hợp nhất. Nhân dân bày tỏ kỳ vọng vào một chính quyền tinh gọn, hiệu quả, gắn bó với dân, đồng thời mong muốn sự phát triển đồng đều giữa các vùng sau hợp nhất. Niềm tin chính là nền tảng vững chắc nhất để quá trình hợp nhất diễn ra êm đẹp và đầy nhân văn.

Thái Nguyên không đặt ra một tương lai lý tưởng chỉ để ngắm nhìn, mà để cùng nhau kiến tạo. Một tỉnh được hợp nhất Bắc Kạn - Thái Nguyên sẽ không chỉ mạnh về hành chính, kinh tế, mà còn là hình mẫu về sự gắn kết văn hóa, niềm tin chính trị và sức bật từ lòng dân. Trong tương lai gần, Thái Nguyên sẽ tập trung đảm bảo sự bình đẳng, công bằng trong phân bổ nguồn lực phát triển; giữ gìn bản sắc văn hóa vùng cao của Bắc Kạn trong tổng thể văn hóa Thái Nguyên; phát triển vùng ATK thành “hành lang đỏ” về du lịch lịch sử - sinh thái - tâm linh; tăng cường ứng dụng công nghệ số để phục vụ chính quyền số, công dân số…

Cuộc hợp nhất hôm nay, dù dưới tên gọi hành chính nào, nhưng với người dân hai tỉnh - những người con của mảnh đất gió ngàn, đó là cuộc trở về nhà đong đầy nghĩa tình, đoàn kết và trách nhiệm. Bắc Kạn trở về với Thái Nguyên, không phải để bắt đầu lại từ đầu, mà để cùng viết tiếp một chương mới rạng rỡ hơn trong lịch sử của hai tỉnh “anh em”.

Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202505/hop-nhat-thai-nguyen-bac-kan-hoi-ngo-nghia-tinh-khat-vong-vuon-xa-b740298/
Zalo