Hợp nhất 2 địa phương: Cần chính sách hỗ trợ cán bộ ở xa về TP. Đà Nẵng công tác
Nhiều ý kiến cho rằng, cần quan tâm ban hành các chế độ, chính sách hỗ trợ cán bộ tỉnh Quảng Nam khi chuyển công tác ra trung tâm hành chính tại thành phố Đà Nẵng làm việc.
Sáng nay (26/4), HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, tổ chức kỳ họp thứ 31 thông qua 2 nghị quyết quan trọng, tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã trên địa bàn tỉnh. Nhiều ý kiến cho rằng, cần quan tâm ban hành các chế độ, chính sách hỗ trợ cán bộ tỉnh Quảng Nam khi chuyển công tác ra trung tâm hành chính tại thành phố Đà Nẵng làm việc.

Các đại biểu HDND tỉnh Quảng Nam biểu quyết thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã trên địa bàn tỉnh.
HĐND tỉnh Quảng Nam tán thành chủ trương hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng để hình thành một đơn vị hành chính mới có tên gọi là thành phố Đà Nẵng, trực thuộc Trung ương. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Đà Nẵng hiện nay.
Thành phố Đà Nẵng mới dự kiến có diện tích hơn 11.867 km² và dân số trên 3 triệu người và có 94 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 23 phường, 70 xã và 1 đặc khu Hoàng Sa)

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (ở giữa) tham dự kỳ họp.
Đối với cấp xã, HĐND tỉnh Quảng Nam đã biểu quyết thông qua chủ trương sắp xếp 233 đơn vị hành chính cấp xã còn 78 đơn vị hành chính, bao gồm 11 phường và 67 xã. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương và phù hợp với các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã là bước đi quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị trong việc thực hiện chủ trương lớn của Trung ương về tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Quá trình xây dựng đề án đã được triển khai kỹ lưỡng, dân chủ, với tỷ lệ cử tri đồng thuận cao.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam phát biểu khai mạc kỳ họp.
Theo ông Nguyễn Đức Dũng, đây không chỉ là sự sắp xếp, thay đổi đơn thuần về cấp hành chính, đơn vị hành chính mà còn là bước đi mang tính lịch sử, tái cấu trúc không gian quản lý, tạo động lực mới, tiềm năng mới, đưa chính quyền địa phương sát dân, gần dân hơn, đáp ứng cao hơn yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
“Với trọng trách là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tỉnh Quảng Nam, các vị đại biểu sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, giữ vững sự công tâm, khách quan, đặt lợi ích lâu dài của tỉnh lên trên hết. Các đại biểu cùng đóng góp, hoàn chỉnh nội dung đề án sắp xếp đơn vị hành chính, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 74, ngày 07/4/2025 của Chính phủ, ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp”, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại kỳ họp.
Tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh từ ngày 19/4/2025. Cụ thể, kết quả lấy ý kiến cử tri cho thấy có 96% cử tri tán thành phương án sắp xếp cấp xã, và 98,52% cử tri tán thành hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thành một thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại kỳ họp này, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin, chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã trên địa bàn tỉnh nhận được sự quan tâm rất lớn, sự tham gia góp ý kiến của đông đảo cán bộ, đảng viên, cán bộ hưu trí và quần chúng nhân dân.
Cụ thể như về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại thành phố Hội An, qua lấy ý kiến nhiều cử tri thống nhất phương án giữ số lượng 4 xã, phường như phương án ban đầu nhưng đổi tên thành: phường Hội An, phường Hội An Đông, phường Hội An Tây và xã Tân Hiệp... Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng đơn vị hành chính cấp xã tại thành phố Hội An nên sắp xếp thành 1 phường, lấy tên là phường Hội An.

Nhiều cán bộ tại tỉnh Quảng Nam mong muốn cần có chính sách hỗ trợ cán bộ ở xa về thành phố Đà Nẵng công tác.
Về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị HĐND tỉnh Quảng Nam xem xét, thảo luận, đưa nội dung liên quan quy hoạch phát triển đô thị tại thành phố Tam Kỳ, huyện Núi Thành và huyện Thăng Bình vào Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Việc quy hoạch, phát triển các đô thị này phải xứng tầm với thành phố Đà Nẵng mới. Ngoài ra, cần xem xét đưa nội dung về sắp xếp dân cư miền núi, các dự án phát triển khu vực miền núi phía Tây Quảng Nam hiện nay để đưa vào đề án tạo ra sự phát triển đồng đều giữ đồng bằng và miền núi.

Huyện Núi thành, tỉnh Quảng Nam có tiềm năng rất lớn phát triển hệ thống cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế và các đô thị hiện đại.
Theo ông Lê Văn Dũng, Quảng Nam cần quan tâm ban hành các chế độ, chính sách hỗ trợ cán bộ tỉnh Quảng Nam khi chuyển công tác ra trung tâm hành chính tại thành phố Đà Nẵng làm việc, để họ ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài, yên tâm công tác.
“Cần có chính sách hỗ trợ cho cán bộ từ tỉnh Quảng Nam ra thành phố Đà Nẵng công tác để họ ổn định cuộc sống trong thời gian đầu. Tôi còn nhớ năm 1997, thời điểm tái lập tỉnh Quảng Nam, cán bộ các nơi về thành phố Tam Kỳ làm việc đã được hưởng các chính sách hỗ trợ rất nhân văn, thì bây giờ khi hợp nhất 2 địa phương cũng nên xem xét có chế độ chính sách gì đó cho anh em. Nếu các chính sách này được đưa vào Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, được Trung ương thống nhất rồi thì sau này thành phố Đà Nẵng mới sẽ triển khai rất thuận lợi”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.
Sau khi HĐND tỉnh thông qua 2 nghị quyết quan trọng, tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ Nội vụ thẩm định trước ngày 01/5/2025 để Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.