Hợp đồng trồng ớt với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nông sản T9: Vì sao nhiều HTX mắc nợ?

Vụ ớt 2023 - 2024 đã kết thúc thay vì niềm vui được mùa, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang và thành phố Tuyên Quang lại rơi vào cảnh lao đao. Bởi sản phẩm đã giao cho đối tác nhưng số tiền nhận lại vô cùng ít ỏi và chưa biết bao giờ đối tác mới hoàn thiện việc thanh toán. Điều đáng buồn hơn nữa là niềm tin của người dân với các hợp tác xã khi triển khai các dự án sản xuất mới.

Cay vì ớt

Ông Nguyễn Việt Phong, Giám đốc HTX Rau quả an toàn Đức Ninh (Hàm Yên) chia sẻ: Ngày 1-8-2023, HTX có ký Phụ lục hợp đồng sản liên kết sản xuất với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nông sản T9, địa chỉ số 4, đường Sơn Long, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng (TP Hà Nội) (viết tắt là Công ty T9). Theo đó, Công ty T9 cung ứng giống ớt chỉ thiên, phân bón cho HTX để trồng 5 ha.

Sau khi giao giống, vật tư phân bón HTX có trách nhiệm thanh toán 50% giá trị hàng cho công ty. Về thu mua, giá thu mua và phương thức thanh toán sản phẩm ớt 2 bên thỏa thuận là 20 nghìn đồng/kg ớt chưa vặt cuống và 24 nghìn đồng với ớt đã vặt cuống (giá này không phải là giá cố định và thay đổi theo thị trường). Về phía HTX phải thực hiện chăm sóc, thu hái sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật công ty đưa ra, cân hàng định kỳ.

Phụ lục hợp đồng là vậy nhưng khi ớt cho thu hoạch ông Phong lại nhận về những kết quả cay đắng. Theo lời ông Phong, trong tổng số 10 tấn hàng quả ớt tươi HTX vận chuyển về kho của Công ty T9, HTX mới chỉ được thanh toán một phần rất nhỏ, còn thì nợ lại. Không những không thanh toán đủ tiền sản phẩm, tiền dịch vụ vận chuyển mà Công ty T9 thuê HTX cũng nợ, với tổng số nợ lên đến con số 200 triệu đồng.

Những diện tích trồng ớt của HTX Rau quả an toàn Đức Ninh (Hàm Yên) đã phải chuyển đổi để trồng các loại cây khác.

Những diện tích trồng ớt của HTX Rau quả an toàn Đức Ninh (Hàm Yên) đã phải chuyển đổi để trồng các loại cây khác.

Sau vụ hợp tác trồng ớt với Công ty T9, Hợp tác xã Minh Hoàng, thôn Hòa Đa, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) rơi vào tình trạng khánh kiệt tài chính và chưa biết đến khi nào HTX mới lấy lại được số tiền hàng đã xuất bán sản phẩm cho công ty. Bởi sau 5 lần trực tiếp Ban Giám đốc của HTX xuống tận trụ sở doanh nghiệp làm việc trực tiếp với lãnh đạo công ty nhưng vẫn chỉ là những lời hứa hẹn.

Ông Mã Văn Huân, Phó Giám đốc HTX cho biết: Theo hợp đồng HTX ký với Công ty T9, HTX đã cung ứng trên 100 tấn quả ớt tươi cho doanh nghiệp tương đương với trên 2 tỷ đồng. Tuy nhiên đến thời điểm này, Công ty T9 mới chỉ thanh toán cho HTX khoảng 30%. Ông Huân ngậm ngùi chia sẻ, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh phí hạn hẹp, Công ty T9 không trả, HTX không có vốn để đầu tư lĩnh vực khác, chưa nói đến hợp tác xã phải nợ lại trong dân rất nhiều, ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của HTX với các thành viên và người dân.

Theo lời ông Phong, ông Huân, không riêng gì 2 HTX bị Công ty T9 om tiền, vẫn còn nhiều hợp tác xã khác cũng cùng chung số phận. Điển hình như HTX Nông nghiệp Ỷ La (TP Tuyên Quang), HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tâm Hương (Na Hang)…

Không những HTX, rất nhiều hộ nông dân cũng nhận đắng cay từ cây ớt mà Công ty T9 mang lại. Bà Hà Thị Vĩ, thôn Cuông, xã Hà Lang (Chiêm Hóa) chia sẻ, mọi năm vụ thu- đông bà và nhiều hộ trong thôn lấy cây ngô, cây lạc làm cây trồng chính. Năm 2023, do thấy cây ớt thuận lợi đầu ra nên bà cùng nhiều hộ trong thôn liên kết cùng trồng, với niềm tin “đổi đời” từ cây ớt.

Vậy mà doanh nghiệp chỉ thu mua một vài lần, còn lại bặt vô âm tín. Doanh nghiệp không cân, đúng vào thời điểm ớt rộ, đồng đỏ màu ớt, người nông dân như bà Vĩ chỉ biết ngậm đắng, nuốt cay, bán ra ngoài thì vi phạm hợp đồng, hái về thì công ty không lên cân. “Giá như bắp ngô, củ sắn, củ khoai doanh nghiệp không thu mua bà con vẫn có thể thu hoạch làm thức ăn cho con trâu, con lợn, chứ ớt con gì ăn nổi với số lượng hàng tạ mỗi ngày?”- bà Vĩ cay đắng nói.

Cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng

Khoảng tháng 7, tháng 8-2023, Công ty T9 do ông Bùi Thiên Trưởng, chức vụ Giám đốc công ty có làm việc với một số HTX trên địa bàn tỉnh triển khai dự án trồng ớt chỉ thiên xuất khẩu. Điều khoản đặt ra là sau khi giao giống, vật tư phân bón HTX có trách nhiệm thanh toán 50% giá trị hàng cho công ty.

Về thu mua, giá thu mua và phương thức thanh toán sản phẩm ớt 2 bên thỏa thuận từ 12 nghìn đồng/kg với ớt chỉ địa và 20 nghìn đồng/kg ớt chưa vặt cuống và 24 nghìn đồng/kg với ớt đã vặt cuống (giá này không phải là giá cố định và thay đổi theo thị trường). Công ty T9 sẽ thực hiện thanh toán sau 7 ngày kể từ ngày thu mua và sau khi đối trừ toàn bộ công nợ.

Về phía HTX phải thực hiện chăm sóc, thu hái sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật công ty đưa ra, cân hàng định kỳ.

Phân bón của Công ty T9 chuyển về cho người dân xã Hà Lang (Chiêm Hóa) để trồng ớt chỉ thiên nhưng đã không mang lại hiệu quả.

Phân bón của Công ty T9 chuyển về cho người dân xã Hà Lang (Chiêm Hóa) để trồng ớt chỉ thiên nhưng đã không mang lại hiệu quả.

Tại thời điểm đó dự án được đánh giá là mở ra hướng đi mới, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp địa phương, giúp người nông dân gia tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Bởi theo tính toán sơ sơ với 1 sào ớt chỉ thiên, sản lượng ớt đạt khoảng 7 - 8 tạ/sào, nếu chăm sóc tốt có thể cao hơn nữa. Với giá như Công ty T9 đưa ra 1 sào ớt sẽ đem lại cho người nông dân khoảng 14 - 15 triệu đồng/sào/vụ, cao hơn gấp nhiều lần so với các cây trồng khác như: ngô, rau đậu…

Vậy nhưng, niềm vui chẳng thấy, chỉ thấy những nỗi buồn.

Trong vòng 7 ngày kể từ ngày nhận hàng, Công ty T9 phải thanh toán tiền thu mua ớt cho các HTX.

(Trích điều khoản thu mua của Hợp đồng giữa Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nông sản T9 ký kết với các HTX trên địa bàn tỉnh)

Ông Nguyễn Việt Phong, Giám đốc HTX Rau quả an toàn Đức Ninh (Hàm Yên) bức xúc nói: “Trong tháng 7, 8, 9 vừa qua, ông và một số HTX xuống làm việc với doanh nghiệp có sự tham gia của cả ngành chuyên môn đi cùng, lãnh đạo Công ty T9 hứa hạn chót là ngày 30 - 9 sẽ thanh toán toàn bộ công nợ. Nhưng đến nay đã qua 30 - 10 HTX vẫn chưa nhận thêm được một đồng của doanh nghiệp. Mặc dù vụ ớt đã kết thúc từ tháng 5”.

Cùng tâm trạng như ông Phong, ông Mã Văn Huân, Phó Giám đốc HTX Minh Hoàng, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) cho biết: Số tiền Công ty T9 thanh toán cho HTX chỉ đủ để trừ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn sản phẩm gần như chưa được thanh toán. Ban Giám đốc HTX rất nhiều lần gọi điện cho đối tác để hối thúc việc thực hiện nghĩa vụ theo đúng hợp đồng, nhưng câu trả lời nhận lại chỉ là sự im lặng. HTX cũng đã không dưới 5 lần trực tiếp xuống Công ty T9 nhưng cũng chỉ là những lời hứa hẹn.

Thông tin từ các HTX, sau nhiều ngày giao sản phẩm mà công ty không thanh toán theo đúng hợp đồng, lần lữa kéo dài nợ, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh, niềm tin giữa HTX, các thành viên, nhân dân. Do đó các HTX đã báo cáo chính quyền địa phương, UBND các huyện, thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đề nghị Công an vào cuộc.

Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sở đã nắm được thông tin, trên tinh thần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các HTX, người nông dân, Sở đã giao cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân của sự việc trên. Đồng thời đôn đốc Công ty T9 hoàn tất việc thanh toán cho các HTX thanh toán cho người trồng ớt theo đúng hợp đồng đã ký.

Thông tin từ lãnh đạo Phòng cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh, đơn vị đã nhận được đơn đề nghị của các hợp tác xã, Phòng đang xác minh điều tra vụ việc, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.

Tuấn Quang

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/hop-dong-trong-ot-voi-cong-ty-tnhh-xuat-nhap-khau-nong-san-t9-vi-sao-nhieu-htx-mac-no-201372.html
Zalo