Họp báo quý I: Bộ Tài chính giải đáp nhiều vấn đề 'nóng'

Nhiều vấn đề nóng liên quan đến chính sách thuế mới của Mỹ với Việt Nam, giải ngân vốn đầu tư công, phát triển kinh tế tư nhân được Bộ Tài chính giải đáp.

Chiều 3/4, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý I/2025, tại sự kiện, rất nhiều vấn đề ‘nóng’ liên quan đến chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam; vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm và đề án phát triển kinh tế tư nhân… đã được đại diện các cơ quan báo chí đặt câu hỏi và đại diện Bộ Tài chính giải đáp.

Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý I. Ảnh: Thanh Tuấn

Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý I. Ảnh: Thanh Tuấn

Việt Nam có nhiều động thái thiện chí với Hoa Kỳ

Theo đó, trước câu hỏi của báo chí liên quan đến vấn đề Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế nhập khẩu đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại với mức thuế dao động từ 10-50%, Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế suất là 46%, ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Chính sách Thuế - Bộ Tài chính cho rằng: Với mức thuế đó, nhiều ngành sản xuất của Việt Nam, nhất là các ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Hoa Kỳ như điện, điện tử, lĩnh vực nông nghiệp, dệt may, da giày… sẽ chịu ảnh hưởng.

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều động thái thiện chí. Trước đó, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 73/2025/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 26/2023/NĐ-CP.

Đặc biệt, theo ông Trương Bá Tuấn: Khi tham mưu sửa Nghị định 73/2025/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã rà soát lại toàn bộ thuế với hàng nhập khẩu như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt… Đó là căn cứ để đề xuất mức thuế suất cân bằng giữa Việt Nam và các đối tác thương mại.

"Mặc dù Việt Nam đã chủ động để rà soát, điều chỉnh mức thuế các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ để tăng kim ngạch nhập khẩu, hướng tới cân bằng thương mại tốt hơn, nhưng việc áp thuế từ phía Mỹ phụ thuộc nhiều yếu tố khác chứ không riêng yếu tố thuế" - Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.

Đại diện Bộ Tài chính giải đáp về vấn đề phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: Thanh Tuấn

Đại diện Bộ Tài chính giải đáp về vấn đề phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: Thanh Tuấn

Chính sách phát triển kinh tế tư nhân

Thông tin với báo chí về việc xây dựng chính sách nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) cho biết, điểm đột phá của chính sách phát triển kinh tế tư nhân đang được xây dựng là thiết kế chính sách theo hướng phân tầng, phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp.

Chính sách phát triển kinh tế tư nhân cũng tích hợp nhiều nội dung quan trọng như Đề án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Đề án phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

“Chúng tôi đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, nhận diện rõ những khó khăn trong thể chế, pháp luật và đưa ra giải pháp tháo gỡ phù hợp. Bộ Tài chính cũng nghiên cứu thêm mô hình phát triển kinh tế tư nhân của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản để hoàn thiện khung chính sách”, bà Bùi Thu Thủy thông tin.

Bà Bùi Thu Thủy cho hay, chính sách phát triển kinh tế tư nhân tới đây sẽ đề xuất nhiều giải pháp mạnh mẽ, cụ thể về cải cách thể chế, chính sách tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là đất đai, tài chính cho khu vực tư nhân. Ở tầm vĩ mô, sẽ có nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân lớn vươn lên dẫn dắt nền kinh tế, tham gia các dự án trọng điểm, phát triển công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung ứng.

“Cùng với đó là chính sách dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh nhằm tạo điều kiện cho họ phát triển ổn định, bền vững và từng bước chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp chính thức” - bà Bùi Thu Thủy nhấn mạnh.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp

Một vấn đề cũng được báo chí quan tâm tại buổi họp báo đó là giải ngân vốn đầu tư công trong quý I/2025 đạt thấp. Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Tiến Dũng - Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính cho rằng: Tình hình giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/3 mới đạt 9,5% kế hoạch Chính phủ giao.

Theo ông Lê Tiến Dũng, một số nhóm nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm, trong đó có nguyên nhân do cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và các nghị định hướng dẫn.

Ngoài ra, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công còn thể hiện ở chỗ một số địa phương có nguồn thu ngân sách lớn nhưng chưa phân bổ được giải ngân vốn đầu tư công.

Để tạo thuận lợi cho giải ngân đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 6/3/2025 thành lập 7 tổ công tác do 7 Phó Thủ tướng làm Tổ trưởng, các tổ công tác này cũng đã làm việc với các địa phương để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đang tiếp tục rà soát từ Luật Đầu tư công đến Luật Ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó rà soát cơ chế kiểm soát thanh toán theo hướng thông thoáng hơn, tăng cường phân cấp, phân quyền giao trách nhiệm cho các cơ quan liên quan nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Bởi giải ngân vốn đầu tư trong năm 2025 có ý nghĩa quan trọng nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2025.

Tại buổi họp báo, các vấn đề giảm thuế VAT, hay tinh gọn bộ máy cũng được báo chí đề cập và đại diện Bộ Tài chính đã có những giải đáp cụ thể. Theo đó, liên quan đến vấn đề tinh gọn bộ máy, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, việc tinh giản bộ máy sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của Bộ Tài chính, không những thế, bộ máy mới sẽ tạo ra những con người mới với chất lượng phục vụ tốt hơn.

Nguyễn Hòa - Đinh Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hop-bao-quy-i-bo-tai-chinh-giai-dap-nhieu-van-de-nong-381366.html
Zalo