Họp Ban Giám khảo Cuộc thi 'Bảo tồn tiếng dân tộc Tày, Nùng cho học sinh THCS và THPT trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng'
Ngày 23/4, Ban Giám khảo, Tổ Nội dung - Thư ký cuộc thi 'Bảo tồn tiếng dân tộc Tày, Nùng cho học sinh THCS, THPT trong vùng Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng' họp thống nhất một số nội dung liên quan đến cuộc thi.

Các đại biểu dự cuộc họp.
Cuộc thi “Bảo tồn tiếng dân tộc Tày, Nùng cho học sinh THCS, THPT trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng" được phát động vào cuối tháng 3/2025. Đối tượng dự thi là thành viên Câu lạc bộ “Cùng em khám phá CVĐC” của các trường THCS và THPT trên địa bàn thành phố Cao Bằng và các huyện: Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang, Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình, Thạch An (các đơn vị trường học nằm trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng).
Nội dung thi gồm: Báo cáo kết quả thực hiện hoạt động về bảo tồn tiếng dân tộc trong trường học thông qua mô hình Câu lạc bộ “Cùng em khám phá CVĐC”; tuyên truyền và quảng bá các giá trị nổi bật về địa chất, văn hóa - lịch sử, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên và các điểm du lịch trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng bằng tiếng nói dân tộc Tày, Nùng; lan tỏa thông điệp ý nghĩa về trách nhiệm trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản CVĐC.
Các sản phẩm/tiết mục dự thi đảm bảo chất lượng, khoa học; hình thức sinh động, hấp dẫn, tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng và trong trường học.
Cuộc họp thông qua dự thảo tiêu chí cuộc thi, thẩm định và cho ý kiến bộ câu hỏi cuộc thi, dự thảo hướng dẫn một số nội dung chấm điểm các tác phẩm. Theo đó, phân công cụ thể nhiệm vụ cho mỗi thành viên Ban giám khảo và Tổ thư ký. Ban Tổ chức cuộc thi thống nhất thời gian chấm, tổng hợp điểm vòng sơ khảo và chung khảo. Các thành viên Ban giám khảo trao đổi, thảo luận về bộ câu hỏi cuộc thi, thống nhất các tiêu chí chấm điểm cụ thể.
Cuộc thi góp phần đa dạng hóa hình thức giáo dục về CVĐC toàn cầu UNESCO trong trường học; thúc đẩy hoạt động của Câu lạc bộ “Cùng em khám phá CVĐC”; đồng thời, tạo phong trào học và sử dụng tiếng dân tộc thiểu số như Tày, Nùng trong giới trẻ, góp phần bảo vệ ngôn ngữ truyền thống trước nguy cơ mai một. Không chỉ là sân chơi trí tuệ và sáng tạo, cuộc thi còn tạo hiệu ứng truyền thông tích cực, thu hút sự quan tâm rộng rãi, lan tỏa thông điệp gìn giữ tiếng nói và di sản văn hóa các dân tộc thiểu số. Qua đó, đóng góp tích cực vào công tác quảng bá hình ảnh du lịch Cao Bằng, hướng đến phát triển bền vững gắn với bảo tồn văn hóa bản địa và bảo vệ môi trường.