Hồng y người Mỹ được bầu làm tân Giáo hoàng

Hồng y Robert Prevost vừa được mật nghị bầu chọn trở thành tân Giáo hoàng. Ngài lấy tông hiệu Leo XIV và trở thành vị Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên trong lịch sử.

Vào hơn 18 giờ ngày 8/5 (tức hơn 23 giờ theo giờ Việt Nam), hàng chục ngàn người có mặt tại Quảng trường Thánh Peter vỡ òa trong tiếng hò reo hòa lẫn với từng hồi chuông ngân vang từ Vương cung Thánh đường Thánh Peter, khi làn khói trắng linh thiêng xuất hiện, dấu hiệu xác nhận Giáo hội đã có vị Giáo hoàng mới.

Sau bốn vòng bỏ phiếu, vị Giáo hoàng thứ 267 đã chính thức được chọn. Ngài sẽ là người dẫn dắt “đoàn chiên của Thiên Chúa”, đảm trách vai trò lãnh đạo hơn 1,4 tỷ tín hữu Công giáo trên toàn thế giới.

Tân Giáo hoàng Leo XIV xuất hiện lần đầu trước công chúng. Ảnh: REUTERS

Tân Giáo hoàng Leo XIV xuất hiện lần đầu trước công chúng. Ảnh: REUTERS

Xuất hiện trên ban công trung tâm của Vương cung Thánh đường Thánh Peter, Hồng y trưởng đẳng phó tế Dominique Mamberti hô vang bằng tiếng Latin: "Annuntio vobis gaudium magnum: habemus Papam!" (Tôi thông báo với anh chị em một tin mừng trọng đại: chúng ta có Giáo hoàng!).

Người được bầu là Hồng y Robert Prevost. Ngài chọn tông hiệu Leo XIV và là vị Giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ.

Giáo hoàng Leo XIII, qua đời năm 1903, được biết đến như một nhà cải cách có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội Công giáo.

Dưới ánh nắng chiều nhẹ nhàng tại Vatican, đám đông đồng thanh vỗ tay và reo hò: "Viva il Papa!" (Đức Giáo hoàng muôn năm!).

"Bình an ở cùng các con", Giáo hoàng Leo XIV mở đầu bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Giáo hoàng trước thế giới. "Đây là lời chào đầu tiên của Đức Kitô phục sinh, vị Mục tử nhân lành đã hiến dâng mạng sống mình cho Thiên Chúa. Và tôi cũng mong lời chào bình an này sẽ đi vào trái tim và gia đình của mỗi chúng ta".

Kết thúc bài phát biểu, tân Giáo hoàng Leo XIV ban phép lành trọng thể Urbi et Orbi đầu tiên cho toàn thể tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Peter và những người theo dõi qua truyền hình. Sau đó, ngài quay trở lại bên trong Vương cung Thánh đường.

Ảnh chụp màn hình livestream của Vatican cho thấy khói trắng bốc lên từ ống khói nhà nguyện Sistine khoảng 23 giờ tối 8/5

Ảnh chụp màn hình livestream của Vatican cho thấy khói trắng bốc lên từ ống khói nhà nguyện Sistine khoảng 23 giờ tối 8/5

Hồng y Robert Francis Prevost, 69 tuổi, đến từ Chicago, bang Illinois, là vị Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử xuất thân từ Mỹ. Là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm toàn cầu, phần lớn sự nghiệp của ngài gắn liền với công cuộc truyền giáo tại Nam Mỹ.

Gần đây nhất, ngài giữ chức vụ lãnh đạo một cơ quan then chốt của Vatican, phụ trách việc bổ nhiệm các giám mục. Ngài được kỳ vọng sẽ tiếp nối các cải cách quan trọng của Giáo hoàng Francis.

Trước đó, ngài từng phục vụ hơn một thập kỷ tại Trujillo, Peru và sau đó đảm nhiệm chức giám mục thành phố Chiclayo từ 2014 - 2023.

Hồng y Dominique Mamberti của Pháp, Hồng y phó tế trưởng của Giáo hội Công giáo Roma, xuất hiện công bố Giáo hoàng mới

Hồng y Dominique Mamberti của Pháp, Hồng y phó tế trưởng của Giáo hội Công giáo Roma, xuất hiện công bố Giáo hoàng mới

Thông thường, tân Giáo hoàng sẽ xuất hiện trong khoảng 30 - 60 phút sau khi làn khói trắng bốc lên. Tuy nhiên, lần này thời gian chờ đợi kéo dài hơn 60 phút, khiến sự xuất hiện của tân Giáo hoàng có phần muộn hơn thường lệ. Dù vậy, đám đông vẫn tràn đầy háo hức và kiên nhẫn chờ đợi.

Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: "Tôi đã thấy làn khói trắng, nhưng tôi chưa thấy Giáo hoàng".

"Tôi thấy khói, nhưng chưa thấy Giáo hoàng", ông Trump nói với các phóng viên trong Phòng Đông của Nhà Trắng.

Trước đó, ông Trump từng vấp phải nhiều chỉ trích khi tài khoản chính thức của Nhà Trắng đăng một hình ảnh do AI tạo ra, trong đó Tổng thống mặc trang phục giống Giáo hoàng, ngay trước thềm mật nghị hồng y.

Trước sự kiện hôm nay, hai vị Giáo hoàng gần đây nhất đều được bầu ở vòng bỏ phiếu thứ tư và thứ năm. Năm 2005, Giáo hoàng Benedict được chọn ở vòng thứ tư; đến năm 2013, Giáo hoàng Francis được chọn ở vòng thứ năm.

Tên gọi của một vị Giáo hoàng mang ý nghĩa gì?

Một trong những điều được quan tâm nhất là tên sẽ được vị tân Giáo hoàng lựa chọn. Tên gọi ấy thường là dấu hiệu đầu tiên hé lộ phương hướng mục vụ mà triều đại Giáo hoàng của ngài có thể theo đuổi.

Không có quy tắc cố định nào, nhưng các Giáo hoàng thường nhìn về quá khứ để chọn một cái tên mang ý nghĩa cá nhân. Họ thường vinh danh một vị thánh hay một vị Giáo hoàng tiền nhiệm mà mình ngưỡng mộ, hoặc chọn một cái tên có giá trị đặc biệt đối với gia đình.

Giáo hoàng Francis là người đầu tiên chọn tên để vinh danh Thánh Francis Assisi, người nổi tiếng với đời sống khiêm nhường và lòng yêu thương người nghèo. Đây chính là những giá trị đã trở thành nền tảng trong triều đại Giáo hoàng của ngài.

Giáo hoàng John Paul II chọn tên mình để tưởng nhớ người tiền nhiệm John Paul I, người chỉ tại vị vỏn vẹn 33 ngày trước khi qua đời.

Việc chọn lại tên của một Giáo hoàng trong quá khứ có thể là sự tiếp nối những ưu tiên của người đi trước.

Ví dụ, nếu tân Giáo hoàng chọn tên John Paul III, ông có thể sẽ nhấn mạnh đến kỷ cương giáo lý và công bằng xã hội. Nếu lấy tên Pius XIII, ông có thể ngả về truyền thống. Trong khi đó, một Giáo hoàng mang tên John XXIV có khả năng sẽ theo xu hướng cải cách.

Tông hiệu của tân Giáo hoàng sẽ được công bố bằng tiếng Latin từ ban công Giáo hoàng tại Vương cung Thánh đường Thánh Peter, do Hồng y trưởng đẳng phó tế người Pháp Dominique Mamberti công bố.

TH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/hong-y-nguoi-my-duoc-bau-lam-tan-giao-hoang-317679.html
Zalo