Hồng Sơn tự hào vì chiến thắng chấn thương

Cầu thủ chấn thương phải luôn xác định tư tưởng 'chiến thắng bệnh tật' thì mới vượt qua được đau đớn.

 Danh thủ Hồng Sơn (áo trắng).

Danh thủ Hồng Sơn (áo trắng).

Thêm khúc bi ai trên giường bệnh

Nói tiếp về chấn thương gối, tôi bị dính nặng lần thứ ba trong trận đấu với Công an Hà Nội trên sân Hàng Đẫy mùa giải 1999. Tình huống va chạm với trung vệ Mai Tiến Dũng.

Tư thế của tôi khi tranh cướp hơi bị đuối, lại đang quay lưng về phía cầu môn đối phương. Mai Tiến Dũng có lợi thế là chủ động băng từ dưới lên, nhiệm vụ chỉ là ngăn cản, phá bóng. Tôi thì vừa phải che chắn, vừa phải giữ được quả bóng mới có thể thực hiện tiếp tình huống sau được.

Lúc ấy, tôi xoay người nhận bóng, che cài. Ngay lập tức, "ông" Mai Tiến Dũng thúc từ dưới lên ngang người. Tôi "ăn đủ" luôn, nằm sân không thở nổi. Khi đứng được dậy, thấy nhói ở trong khớp gối rồi, thấy lạo xạo rồi, vẫn vào cabin, nhờ bác sĩ xịt gây tê, băng lại đá tiếp. Nhưng từ đó, tôi cảm thấy bước chạy giảm đi, đường chuyền gượng gạo lắm.

Tan trận, BHL (ban huấn luyện - BT) thấy tôi đi không nổi mới nói bác sĩ đưa đi chụp chiếu. Kết quả là vỡ sụn chêm, dây chằng giãn và hầu hết các cơ xung quanh sưng phù nề. Bệnh viện chỉ định phẫu thuật, cố định đầu gối luôn. Thế là tôi lại hát tiếp điệp khúc cực buồn là lên bàn mổ. Làm bạn với giường bệnh suốt nửa năm sau đó.

Cảm giác nằm trên giường bệnh là cảm giác mà tôi sợ hãi nhất. Đau đớn, bất lực hệt như người tàn phế. Tôi không biết mình đã từng nhai nát bao nhiêu chiếc vạt áo và làm ướt bao nhiêu chiếc gối. Tôi cố dặn mình phải kiên cường, đàn ông không được khóc nhưng nước mắt cứ rơi.

Mỗi cử động, dù nhỏ, cũng mang lại ác mộng. Những cơn đau chạy dọc cơ thể, buốt lên tận óc. Nằm bất lực nhìn người khác chăm sóc cho mình từng li từng tí, tay nắm chặt, môi cũng mím chặt mà chẳng thể làm gì. Từ ăn uống, vệ sinh đến những việc làm thường nhật nhỏ nhất cũng phải có người hỗ trợ.

Những lúc như thế, tôi thấy mình như đồ bỏ đi, chẳng còn chút giá trị. Cảm nhận rất rõ nỗi đau thể xác xen lẫn sự suy sụp về tinh thần.

Bác sĩ, người thân, bạn bè là nguồn động viên lớn lao nhưng cơ bản, chẳng ai có thể giúp những lúc đó ngoài chính bản thân mình. Mọi người chỉ có thể chia sẻ, đồng cảm nhưng không thể chịu đau hộ, gượng dậy hộ. Những ai đã từng nằm trên giường bệnh như tôi chắc sẽ thấu hiểu được sự bất lực đôi khi kiệt quệ về tinh thần đó.

Trong tất cả các ca chấn thương mắc phải, tôi nghiệm ra một điều, được cấp cứu đúng cách, phẫu thuật chuẩn, điều trị tốt cũng chỉ mới hoàn thành 50% hành trình. Quan trọng nhất là bạn có đủ ý chí để hồi phục không, có đủ khao khát để quay lại sân cỏ không?

Cầu thủ chấn thương phải luôn xác định tư tưởng "chiến thắng bệnh tật" thì mới vượt qua được đau đớn. Tiếp đó là ý chí để bắt mình gò vào các bài tập vừa nặng nề, vừa chán nản trong giai đoạn phục hồi sau chấn thương. Cuối cùng là ý chí để tập luyện tìm lại phong độ.

Có nhiều người chẳng bao giờ tìm lại được chính mình sau một ca chấn thương nặng. Vì lẽ đó, tôi luôn tự hào rằng mình đã chiến đấu bằng tất cả nghị lực, quyết tâm của người lính, bằng tình yêu bóng đá cháy bỏng để vượt qua những khoảnh khắc tưởng sẽ khó lòng gượng dậy được.

Hồng Sơn/Bảo Thắng/Cường Vũ/THBooks/NXB Lao Động

Nguồn Znews: https://znews.vn/hong-son-tu-hao-vi-chien-thang-chan-thuong-post1505948.html
Zalo