Hồng Quang - người ở lại đất này!
Hơn 80 năm qua, người cộng sản trung kiên - liệt sĩ Hồng Quang đã nằm lại với mảnh đất Hải Dương, trở thành tượng đài bất diệt về lòng yêu nước cho các thế hệ sau học tập, noi theo.
Nhiều lần tôi tự hỏi, vì sao từ làng quê Đặng Giang xa xôi, liệt sĩ Hồng Quang lại hy sinh và nằm lại mảnh đất Thành Đông?
Một ngày đầu tháng 7, tháng tri ân các anh hùng thương binh, liệt sĩ, cũng là tháng có ngày giỗ của liệt sĩ Hồng Quang, tôi tìm về thôn Đặng Giang, xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa (tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) để thỏa thắc mắc của mình.
Như vẫn ở quê nhà
Đường làng Đặng Giang nhiều bóng cây cổ thụ, có thể vẫn thế từ hàng trăm năm trước, có khác chắc chỉ là các tuyến đường đều đã được bê tông hóa.
Nhà văn Trang Hạ và Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương (người đóng cô bé Hà trong bộ phim nổi tiếng "Em bé Hà Nội" và cũng là 2 trong số rất nhiều người cháu ruột của liệt sĩ Nguyễn Văn Trạch - bí danh là Hồng Quang) đón và dẫn tôi về ngôi nhà cổ của cụ Nguyễn Viết Bình (ông nội liệt sĩ Hồng Quang) ở thôn Đặng Giang. Căn nhà được làm từ thời cụ Nguyễn Viết Bình đỗ Hoàng Giáp Tiến sĩ từ năm 1889 dù đã mối mọt, có chỗ đã xuống cấp nhưng toàn bộ khuôn viên sân vườn, nhà, cổng và cây cổ thụ đầu nhà hầu như không thay đổi.
Nhẩn nha với những lời kể đơn sơ, nhà văn Trang Hạ giúp tôi hình dung về nơi liệt sĩ Hồng Quang từng được sinh ra, sân gạch nơi ông tập đi những bước đầu tiên, nô đùa cùng các anh chị em... Trang Hạ từng được sống nhiều năm cùng bà nội - là mẹ đẻ liệt sĩ Hồng Quang và bố chị là ông Nguyễn Văn Kinh - em trai liệt sĩ Hồng Quang. Trong gia đình, những câu chuyện về liệt sĩ Hồng Quang được kể thường ngày, như ông vẫn hiện hữu nên các con cháu đều thuộc nằm lòng. Hồng Quang là con cả, tiếp theo ông có tới 8 người em.
Trong bài viết “Chuyện giờ mới kể về một chiến sĩ kiên trung” trên báo Tiền Phong đăng tháng 7.2010, nhà văn Trang Hạ đã viết: “Bác tôi có tên là Nguyễn Văn Trạch, sinh năm 1918. Khi đi hoạt động cách mạng, không biết vì sao tổ chức đặt cho bác tôi bí danh là Hồng Quang...
Ông bà nội tôi sống đời thanh bạch. Ông làm quan ở Thái Bình nên bố tôi không phải quê Thái Bình vẫn thành bạn nối khố nhiều nhân sĩ trí thức quê lúa.
Một ngày, cụ bà thấy một phó mộc lăm lăm tay đục tay cưa vấn khăn đầu rìu vào chùa mình. Thì ra thằng cháu đích tôn.
Giở khăn ra, người ngời ngời, cao 1m75, nặng 70 kg, cười răng trắng. Cụ than, con ơi, cho con ăn học lên sinh viên Luật, giờ sao ra nông nỗi này.
Bác tôi (liệt sĩ Hồng Quang - PV) nói, con dẫn đầu đoàn Thanh niên sinh viên Hà Nội tham gia mít tinh ở Đấu Xảo hôm 1.5 (1938), lại vừa được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Dân chủ nên giặc Pháp đuổi con khỏi Trường Luật. Con đang trên đường đi công tác.
Đấy là lần cuối cùng bác tôi gặp cụ...”
Ở xã Hòa Phú bây giờ, tại sân Trường THCS của xã có tượng đồng thờ liệt sĩ Hồng Quang.
Ở thôn Đặng Giang, từ năm 1992, gia đình, dòng họ xây nhà thờ liệt sĩ Hồng Quang cũng là nơi lưu giữ nhiều tư liệu, bức ảnh quý của nhiều thế hệ trong gia đình.
Ngôi nhà thờ liệt sĩ Hồng Quang sạch sẽ, tinh tươm bởi hằng ngày đều có con cháu trong họ, trong thôn đến dọn dẹp, phụng thờ. Anh em, cháu ruột hầu hết ở xa, nhưng luôn thay phiên nhau về nhang khói. Trong gia đình 8 người em của ông và đến nay là gia đình các cháu đều thờ liệt sĩ Hồng Quang. “Ông dừng lại, trẻ mãi ở tuổi 23 trong không gian sống của cả đại gia đình, như một mạch nguồn neo giữ sự tử tế, thiện lương trong toàn bộ anh em, con cháu” - nhà văn Trang Hạ nói.
“Đem son sắt ấy nhuộm hồng giang san”
Đây là một câu thơ trong bài “Ca ngợi đồng chí Hồng Quang” do đồng đội làm để tiễn liệt sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng.
Tiểu sử tóm tắt và một số tư liệu viết về liệt sĩ Hồng Quang (như các cuốn: Hồng Quang – tình yêu và lý tưởng của nhà báo Lê Biểu biên soạn; Hồng Quang – Người trí thức trẻ tuổi, yêu nước, kiên cường, bất khuất của Lê Viết Trạch, do Nhà xuất bản Lao động xuất bản...) đều ghi lại, Hồng Quang ham học và học giỏi. Năm 1937, ông thi đỗ tú tài, rồi vào học Trường Luật. Năm 1938, ông được dự lớp huấn luyện về lý luận Chủ nghĩa Mác Lênin do Trung ương tổ chức riêng cho 20 thanh niên có trình độ học vấn khá.
Ngày 5.5.1938, Hồng Quang dự Hội nghị toàn quốc của Đoàn Thanh niên Dân chủ tại số nhà 28, phố Hai Bà Trưng, Hà Nội và được cử vào Ban Chấp hành. Địch phát hiện ra những hoạt động của Hồng Quang, chúng đuổi ông ra khỏi Trường Luật khi ông đang học năm thứ 2. Ông được tổ chức Đảng bố trí phụ trách hiệu sách Đồng Xuân, trước cửa chợ Đồng Xuân (Hà Nội), tạo điều kiện để liên lạc với các đồng chí trong tổ chức. Ông bị bắt, kết án một năm tù, giam tại Hỏa Lò.
Năm 1940, ra tù, ông hoạt động bí mật tại tỉnh Phú Thọ và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó Xứ ủy Bắc Kỳ điều động ông tham gia Ban Cán sự Tỉnh ủy Hải Dương. Mùa hè năm 1941, Hồng Quang bị bắt tại Hưng Yên khi đang trên đường về nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên.
Địch đưa ông về Hải Dương tra tấn, hỏi cung, dụ dỗ, nhưng Hồng Quang luôn giữ vững khí tiết cách mạng. “Sau những cực hình tra tấn, dụ dỗ mua chuộc, bác tôi quyết định tuyệt thực, im lặng giữ những bí mật công tác về người đồng đội “bác D” cùng Xứ ủy, người mà 50 năm sau khi bác tôi mất, đã quay lại thăm mộ người đồng đội mãi mãi dừng lại ở năm 1941. Khi đó “bác D” đã trở thành một lãnh đạo quan trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam” - theo bài viết của nhà văn Trang Hạ.
Tiếp đó, chị ghi lại: “Bà nội tôi kể, địch cho bà nội vào làm “tâm lý chiến”, bà tôi thấy bác da bọc xương, đầy thương tích, ruồi nhặng đua nhau rúc vào các vết thương, mắt mũi tai hút máu mủ, rách nát trong manh quần đùi, bụng lép vào xương, bà nội tôi khóc òa lên".
Một số tài liệu đều ghi lại, sau 47 ngày tuyệt thực, ngày 6.7.1941, Hồng Quang hy sinh khi mới 23 tuổi.
“Bố tôi kể, năm 1941, một chiếc xe ngựa chở quan tài, có vỏn vẹn một vòng hoa trắng sơ sài đi từ nhà tù Hải Dương ra, theo sau là một bà già và hai cô con gái. Con ngựa cúi đầu kéo cỗ xe đi qua nhiều phố ở thị xã Hải Dương, dân chúng sợ không dám ra xem” – nhà văn Trang Hạ kể lại.
Mẹ liệt sĩ đấu tranh quyết liệt để đòi lại xác con. Phần mộ Hồng Quang đặt bên đường lối ra ga Hải Dương, sau này được chuyển về Đài tưởng niệm liệt sĩ TP Hải Dương, bên cạnh là Trường THPT Hồng Quang.
“Mẹ cứ tin là rồi đây, cờ đỏ sẽ mọc lên khắp cả nước” – đúng 4 năm sau ngày ông hy sinh, lời ông động viên mẹ đã trở thành hiện thực. Sự hy sinh cao cả của liệt sĩ Hồng Quang cùng bao anh hùng liệt sĩ khác đã làm nên thành công của Cách mạng Tháng Tám.
Tri ân người nằm xuống
Dù nằm lại ở Hải Dương, nhưng nhiều năm qua, phần mộ của liệt sĩ Hồng Quang luôn được chăm sóc chu đáo, sạch sẽ trong khuôn viên rợp bóng cây xanh. Tháng 7.2021, lần tu sửa gần đây nhất, TP Hải Dương đã đầu tư khoảng 6,9 tỷ đồng tu sửa Đài tưởng niệm liệt sĩ thành phố và phần mộ liệt sĩ Hồng Quang... Toàn bộ tường bao bằng gạch được dỡ bỏ, thay vào đó là hệ thống cây xanh tạo không gian mở cho người dân đến thắp hương, tham quan vào mọi thời điểm.
Đài tưởng niệm liệt sĩ TP Hải Dương được xây dựng từ năm 1978. Nơi đây hiện trở thành địa điểm để tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động tri ân công lao các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Với khuôn viên xanh mát, nơi đây giờ đã thành "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống, lịch sử cho nhiều thế hệ trẻ, cũng là nơi thường xuyên thu hút đông đảo nhân dân, các em học sinh, thiếu nhi đến tham quan...
Anh Nguyễn Thanh Hải, một trong số nhiều cháu gọi liệt sĩ Hồng Quang bằng bác ruột và cũng là người có ngoại hình đặc biệt giống ông nhớ lại, bố anh, ông Nguyễn Văn Kinh - em trai liệt sĩ Hồng Quang từng kể, trong một lá thư liệt sĩ Hồng Quang gửi cho các em, có đoạn: Các em phải có lý tưởng cao đẹp để mà theo đuổi. Nếu không có lý tưởng thì chỉ nên chết đi là hơn. Chữ LÝ TƯỞNG được ông viết hoa.
Từ một người sinh ra trong gia đình, dòng tộc danh giá, có đủ điều kiện để học hành, sống cuộc đời êm ấm, hạnh phúc, nhưng Hồng Quang đã từ bỏ tất cả, kể cả tình yêu son sắt với bà Vương Kiều Ái Mai để đi theo con đường cách mạng, mang tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Hy sinh cao cả này bởi chính 2 chữ ông viết hoa kể trên.
Bài viết này như nén tâm nhang xin dâng lên các anh hùng liệt sĩ trong tháng 7 tri ân, cũng mong được là lời nhắc nhớ để các thế hệ sau không bao giờ quên công ơn những người đi trước!