'Hóng drama': Người trẻ được hay mất?

Hàng triệu lượt xem livestream, những cuộc tranh cãi nảy lửa xuyên đêm hay 'cắm trại' trên mạng để hóng từng tình tiết mới của các câu chuyện thị phi đã không còn là thú vui bên lề. Với không ít người trẻ, đặc biệt là Gen Z, đây đã trở thành một phần của thói quen tiêu thụ nội dung hằng ngày. Liệu đây chỉ là biểu hiện của một thị hiếu lệch chuẩn hay còn phản ánh sâu sắc hơn về cách giới trẻ tiếp cận thế giới thông tin hiện đại?

Các bạn trẻ đang mong chờ điều gì khi hóng drama? Ảnh: Tiến Hưng.

Các bạn trẻ đang mong chờ điều gì khi hóng drama? Ảnh: Tiến Hưng.

Khi “chuyện nhà người” quan trọng hơn chuyện nhà mình

Hàng loạt phát ngôn gây sốc, bật khóc trên sóng livestream của người nổi tiếng đã trở thành bối cảnh quen thuộc với không ít bạn trẻ mỗi đêm. Nhiều bạn trẻ đã dần coi các vụ “bóc phốt”, đấu tố, thậm chí là phát ngôn dung tục là món ăn tinh thần mỗi ngày.

Theo báo cáo “Cuộc sống số của người Việt Nam” từ nền tảng Q&Me, có đến 51% người trẻ Việt trong độ tuổi 18 - 29 dành hơn 3 giờ mỗi ngày để sử dụng mạng xã hội. Trong đó, những lùm xùm về đời tư của người nổi tiếng gọi chung là “drama” dễ dàng thu hút hàng ngàn lượt tương tác, bình luận và chia sẻ. Những nội dung thiếu kiểm chứng, không định hướng đang "hớp hồn" người trẻ. Chu Quang Thắng, sinh viên năm 3 Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Tôi với các bạn cùng phòng hay hóng drama lắm, có vụ gì hot là cả phòng đều ngồi xem livestream và bàn luận sôi nổi ngay. Có hôm thức đến tận sáng chỉ vì sợ bỏ lỡ tình tiết mới, sáng ra không biết chuyện gì thì dễ bị gọi là “người tối cổ” ngay”.

Lý giải điều này, ThS. Lê Thế Hanh (Trung tâm Tham vấn và Hỗ trợ tâm lý, Trường Đại học Đại Nam) cho biết: “Con người có xu hướng bị cuốn hút bởi những nội dung kịch tính, mang nhiều cảm xúc tiêu cực hoặc mâu thuẫn, hơn là những nội dung tích cực, nhẹ nhàng. Khi tiếp xúc với những nội dung này, não bộ sẽ tiết ra dopamine - chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác hưng phấn tạm thời. Chính cảm giác ấy khiến người xem dễ hình thành phản xạ quay lại tìm kiếm nội dung tương tự, giống như một dạng nghiện tâm lý”.

Việc giới trẻ dồn sự quan tâm vào các vụ lùm xùm đời tư, thay vì các nội dung tích cực, mang tính xây dựng, cho thấy một lệch chuẩn trong tiếp nhận thông tin và thị hiếu văn hóa. Không dừng lại ở mức quan tâm thụ động, nhiều bạn trẻ còn chủ động tạo nội dung ăn theo, chế giễu, bình luận đầy định kiến. Điều này không chỉ khiến những ồn ào kéo dài dai dẳng mà còn vô tình tiếp tay cho sự lan truyền của “rác mạng”, những nội dung độc hại và thiếu giá trị.

Theo ThS. Lê Thế Hanh, về ngắn hạn, việc mải mê theo dõi những câu chuyện thị phi khiến các bạn trẻ dễ bị dẫn dắt bởi dư luận, có xu hướng công kích người khác trên mạng xã hội dựa trên cảm tính hoặc thông tin chưa kiểm chứng. Trên bình diện xã hội, sự lệch chuẩn trong thẩm mỹ giải trí có thể kéo theo hệ lụy khó lường. Khi những nhân vật nổi tiếng bằng chiêu trò, phát ngôn phản cảm thay vì tài năng thực sự, người trẻ dễ bị lẫn lộn giữa giá trị thật và ảo. Một khi thói quen tiêu thụ nội dung bị “giật dây” bởi drama và thị phi, thì giá trị nghệ thuật, giáo dục hay nhân văn sẽ dần bị gạt ra rìa. “Nếu hiện tượng này không được điều chỉnh, không gian mạng có nguy cơ trở thành nơi đấu tố, hạ bệ lẫn nhau, làm gia tăng bất ổn trong đời sống xã hội” - ThS. Lê Thế Hanh cảnh báo.

Gốc rễ từ khoảng trống định hướng

Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho giới trẻ khi họ đang sống trong môi trường kỹ thuật số với những nội dung nhanh, sốc và dễ dãi. Các nền tảng mạng xã hội vận hành bằng thuật toán ưu tiên “tương tác cao” đã vô tình biến drama thành chất xúc tác lý tưởng để giữ chân người dùng. Người dùng xem drama, nền tảng càng đề xuất thêm nhiều nội dung tương tự. Thêm vào đó là sự lỏng lẻo trong khâu kiểm soát nội dung. Dù đã có nhiều văn bản quy định, nhưng thực tế cho thấy chế tài xử lý các phát ngôn lệch chuẩn, phản cảm trên không gian mạng vẫn chưa đủ sức răn đe. Không ít trường hợp livestream xúc phạm người khác, bịa đặt thông tin vẫn “sống khỏe”, thậm chí kiếm tiền tốt từ chính sự chú ý lệch lạc của công chúng.

Bên cạnh đó, khoảng trống lớn nhất nằm ở giáo dục truyền thông. Nhiều bạn trẻ không có kỹ năng chọn lọc thông tin, không được trang bị tư duy phản biện để nhìn nhận hiện tượng xã hội một cách tỉnh táo. “Các bạn trẻ cần chủ động tiếp cận những nội dung tích cực, trang bị kiến thức để ứng phó với áp lực cuộc sống, xây dựng các mối quan hệ lành mạnh nhằm tạo dựng cho mình một cuộc sống có ý nghĩa và cân bằng hơn” - ThS. Lê Thế Hanh tư vấn.

Để có thể đứng vững trước những “cơn bão drama” thì không chỉ riêng người trẻ mà những người tiêu thụ nội dung số đều cần trang bị cho bản thân một "màng lọc" để tiếp nhận những gì ta thực sự quan tâm và có ý nghĩa.

Tiến Hưng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hong-drama-nguoi-tre-duoc-hay-mat-10304645.html
Zalo