Hơn một tháng 'vừa chạy vừa xếp hàng' tinh gọn bộ máy Chính phủ
Với tinh thần 'thần tốc, chỉ bàn làm, không bàn lùi', trong hơn một tháng qua, gần như tuần nào, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cùng Bộ Nội vụ và các bộ, ngành cũng họp để 'vừa chạy, vừa xếp hàng', sắp xếp, tinh gọn bộ máy Chính phủ.
Ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhất trí về việc tiếp tục tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đặc biệt là sau bài viết và các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt thực hiện chủ trương này theo đúng tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”.
Ngày 16/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban; Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Phó trưởng Ban; các Phó Thủ tướng: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn làm ủy viên.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo còn có 5 ủy viên là Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp.
Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, giúp Trưởng ban xây dựng kế hoạch, chương trình công tác; tổng hợp, báo cáo các hoạt động chung.
Từ khi thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ, gần như tuần nào Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chủ trì các cuộc họp để thảo luận, cho ý kiến về tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Riêng Ban Chỉ đạo Chính phủ đã họp 5 phiên. 5 Phó Thủ tướng cũng chủ trì các cuộc họp xem xét các đề án sắp xếp cụ thể của từng bộ ngành.
Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, Bộ Nội vụ cũng làm việc ngày đêm để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Trong đó phải kể đến 3 nhiệm vụ hết sức nặng nề.
Một là xây dựng báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết 18, kèm theo phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.
Hai là Bộ Nội vụ phối hợp với Văn phòng Chính phủ chủ trì xây dựng đề án thành lập Đảng bộ Chính phủ.
Ba là đề xuất chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Quyết tâm phải cao, hành động quyết liệt
Ngay từ phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo vào ngày 30/11, Thủ tướng đã quán triệt việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ lần này có phạm vi tác động rộng, là việc phức tạp, nhạy cảm.
Vì vậy đòi hỏi tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, hành động quyết liệt, làm việc nào ra việc đó, làm việc nào dứt việc đó với thời hạn cụ thể; phải đoàn kết, thống nhất rất cao, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.
Tiếp theo đó, ngày 4/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành phát huy tinh thần trách nhiệm người đứng đầu, bởi nếu người đứng đầu gương mẫu làm tốt thì cấp dưới sẽ tin tưởng và lan tỏa tinh thần xuống toàn bộ các cơ quan.
"Phải làm tốt công tác tư tưởng, thống nhất ý chí để cùng hành động, cùng làm. Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", Thủ tướng quán triệt.
Ngày 6/12, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký ban hành kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.
Thực hiện kế hoạch này, bộ máy Chính phủ sẽ tinh gọn từ 30 xuống còn 21 đầu mối gồm: 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ; giảm 5 bộ, 4 cơ quan trực thuộc Chính phủ.
Ngoài ra, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sẽ giảm tối thiểu 15 -20% đầu mối tổ chức bên trong.
Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xem xét dự thảo báo cáo chung việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ; dự thảo báo cáo của Ban Cán sự đảng Chính phủ về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18; việc sắp xếp tổ chức Đảng tại các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.
Ban Chỉ đạo cũng thảo luận về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; việc quản lý tài chính, tài sản công, các dự án đầu tư công trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; việc sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước…
Thủ tướng lưu ý, chống "chạy chọt", chống lợi ích cá nhân, xóa bỏ cơ chế xin cho trong quá trình hoàn thiện, sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Ngày 14/12 (thứ 7), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo thảo luận các vấn đề về tài sản công và tài chính sau sắp xếp bộ máy; nguồn lực và chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư và các đối tượng khác; ngân sách dành cho bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức.
Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tư pháp, dự kiến có khoảng 4.922 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Trong số này có 167 luật, 9 nghị quyết của Quốc hội; 10 pháp lệnh, 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 829 nghị định, 271 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 1 chỉ thị của Thủ tướng và 3.642 văn bản cấp bộ.
Ngày 17/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo, tiếp tục cho ý kiến để hoàn thiện báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 18, trong đó có vấn đề về tên gọi một số bộ sau khi hợp nhất, về phương án sắp xếp, mô hình tổ chức của một số cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo đã dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến về chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, nguyên tắc việc xây dựng chế độ, chính sách phải đảm bảo công bằng, nhân văn, hài hòa và tương quan hợp lý giữa các đối tượng để ổn định cuộc sống, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện chính sách khuyến khích đối với các trường hợp nghỉ việc ngay sau khi sắp xếp, cần quan tâm giữ chân cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất, sức khỏe, kinh nghiệm, nhiệt huyết và gắn với thực hiện chính sách thu hút người có tài năng vào khu vực công.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu cơ chế để người lao động có thể "ra - vào" làm việc trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước với thủ tục đơn giản, linh hoạt, thuận lợi.
Ngày 19/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo để nghe báo cáo và thảo luận, cho ý kiến về dự thảo tờ trình của Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về Đề án kết thúc hoạt động của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, thành lập Đảng bộ Chính phủ trực thuộc Trung ương.
Dự kiến giảm 5 bộ và 3 cơ quan trực thuộc Chính phủ, bỏ cấp tổng cục
Tại hội nghị tổng kết ngành Nội vụ ngày 21/12, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, đợt sắp xếp bộ máy lần này, số người bị ảnh hưởng có lẽ là đông nhất, khoảng 100.000 người.
Nhưng chủ trương chung là mạnh dạn bỏ ra một nguồn lực đáng kể để có chính sách vượt trội ổn định cuộc sống cán bộ, công chức, viên chức bị tác động.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh lời Tổng Bí thư là “không để cơ quan nhà nước là nơi trú ngụ của người lười biếng” và yêu cầu Bộ Nội vụ sắp xếp tổ chức bộ máy làm sao tránh để “người tài xin nghỉ, người dở ở lại”.
Lưu ý “một núi việc khổng lồ” dành cho Bộ Nội vụ liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không chỉ phải hình thành thể chế cho bộ máy mới mà phải xây dựng hệ thống thể chế tạo nền tảng cho sự bứt phá, chuyển mình, tăng trưởng trong tương lai.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, trong năm 2024, Bộ Nội vụ là cơ quan có số văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành cao nhất. Trong hơn một tháng qua, Bộ Nội vụ đã tập trung cao độ tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ với khối lượng công việc lớn chưa từng có.
Sau nhiều lần thảo luận, phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ đến thời điểm này dự kiến sẽ giảm từ 30 đầu mối xuống còn 22 gồm: 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 5 cơ quan trực thuộc Chính phủ. Như vậy, dự kiến sau sắp xếp, Chính phủ sẽ giảm 5 bộ và 3 cơ quan trực thuộc Chính phủ. Ngoài ra Chính phủ cũng bỏ hết 13/13 tổng cục.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ Nội vụ đã làm việc ngày đêm cùng với các bộ ngành khác nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Với tinh thần “thần tốc, chỉ bàn làm, không bàn lùi”, trong hơn một tháng, Chính phủ đã hoàn thành khối công việc khổng lồ và vô cùng phức tạp, nhạy cảm.
Về đề xuất chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ Nội vụ đã hoàn thành và trình Ban cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị cho ý kiến. Hiện nội dung này đã được hoàn thiện trình Chính phủ để ban hành trước ngày 31/12 theo kết luận của Bộ Chính trị.
Về đề án kết thúc hoạt động của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, thành lập Đảng bộ Chính phủ, Bộ Nội vụ cũng đã hoàn thành để trình Ban Chỉ đạo Trung ương trước ngày 31/12.