Hơn 38.700 tỷ đồng từ tín dụng chính sách đến với hơn 1 triệu hộ nghèo, đối tượng chính sách

Thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù của thành phố và bố trí vốn ngân sách địa phương để triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đầy đủ, kịp thời, nhiều người nghèo và các đối tượng chính sách tại Hà Nội đã có điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và cải thiện đời sống.

Hiệu quả chính sách tín dụng chính sách xã hội

Mới đây, Thành ủy Hà Nội tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (Chỉ thị số 40) trên địa bàn TP. Hà Nội.

Báo cáo từ Thành ủy Hà Nội cho biết, qua 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40 đã khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá để tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Qua đó, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân.

Hiện nay, toàn thành phố đang quản lý và triển khai thực hiện cho vay 19 chương trình tín dụng chính sách. Doanh số cho vay 10 năm giai đoạn 2015 đến 30/4/2024 là 38.759 tỷ đồng với hơn 1 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Doanh số thu nợ đạt 28.078 tỷ đồng. Tổng dư nợ 19 chương trình tín dụng đến 30/4/2024 đạt 15.397 tỷ đồng với 272.412 khách hàng đang vay vốn (tăng 10.676 tỷ đồng so với đầu năm 2014).

Anh Phạm Văn Giang (trái) ở thôn Ké Mới, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa từ nguồn vốn ưu đãi. Ảnh: TL

Anh Phạm Văn Giang (trái) ở thôn Ké Mới, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa từ nguồn vốn ưu đãi. Ảnh: TL

Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù của Hà Nội và bố trí vốn ngân sách địa phương để triển khai thực hiện. Cùng với nguồn vốn cân đối từ trung ương, hàng năm HĐND, UBND các cấp đã quan tâm bố trí ngân sách chuyển vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn vốn hoạt động tại Chi nhánh NHCSXH thành phố đạt 15.452 tỷ đồng, tăng 10.715 tỷ đồng (226%) so với năm 2014.

Thành phố luôn quan tâm hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội, ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù của Hà Nội và bố trí vốn ngân sách địa phương để triển khai thực hiện. Nhờ đó, việc thực hiện Chỉ thị số 40 đã thực sự đi vào cuộc sống và huy động, tập hợp được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội trong tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.

Đảm bảo tính hiệu quả, bền vững của tín dụng chính sách xã hội

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung chỉ thị để góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Ngoài ra, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị của cơ sở và người dân góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng chính sách.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà trao Bằng khen cho các tập thể.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà trao Bằng khen cho các tập thể.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của mặt trận tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Đối với UBND thành phố, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách của thành phố hằng năm, tiếp tục nghiên cứu chuyển một phần ngân sách sang Chi nhánh NHCSXH thành phố cho người dân vay vốn.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định việc tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và trong từng giai đoạn. Đồng thời, tiếp tục quan tâm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030.

Đối với Chi nhánh NHCSXH thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; đề xuất từng bước mở rộng đối tượng vay vốn ngân hàng chính sách xã hội. Chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả; không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động gắn với đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cũng đánh giá, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW cho thấy chỉ thị thực sự đã đi vào cuốc sống với nhiều kết quả nổi bật. Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị Hà Nội tiếp tục công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng về tín dụng chính sách xã hội, nhất là thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW nhằm nâng cao nhận thức các cấp, ngành, người dân, doanh nghiệp về ý nghĩa, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội đối với Thành phố trong bối cảnh mới./.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tặng bằng khen cho 10 tập thể và 10 cá nhân; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tặng bằng khen cho 15 tập thể và 25 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư.

Diệu Hoa

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hon-38700-ty-dong-tu-tin-dung-chinh-sach-den-voi-hon-1-trieu-ho-ngheo-doi-tuong-chinh-sach-154754.html
Zalo