Hơn 300 lớp truyền thông - 'tấm áo giáp' giúp phụ nữ bảo vệ mình trước những cuộc gọi lạ
Không chiếm đoạt được tiền, những kẻ lừa đảo lẳng lặng cúp máy. Nhưng nếu không tỉnh táo, chị Nga có thể đã trở thành nạn nhân tiếp theo của chiêu trò giả danh công an.

Các hội viên phụ nữ được tuyên truyền, tìm hiểu về các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh: Thảo Vy
Thoát bẫy nhờ tỉnh táo
Vừa thực hiện thủ tục cấp lại căn cước công dân, chị Ngô Thị Nga (xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, TP Huế) nhận được một cuộc gọi từ số lạ. Bên kia đầu dây là giọng người đàn ông tự xưng cán bộ Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, thông báo cần xác minh thông tin định danh mức độ 2 và yêu cầu chị đọc lại mã OTP vừa được gửi đến điện thoại.
"Quả thực có mã số gửi về thật. Tôi cũng suýt đọc nếu không kịp tỉnh táo hỏi lại mấy câu liên quan đến thông tin cá nhân và thời gian làm căn cước. Bên kia ấp úng không trả lời được nên tôi sinh nghi", chị Nga kể lại.
Cũng suýt sập bẫy lừa đảo là chị Trần Thị Thanh (phường Phú Hội, quận Thuận Hóa, TP Huế). Nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là nhân viên bưu cục thông báo có kiện hàng từ cháu gái gửi từ TPHCM, chị Thanh bất ngờ khi bên kia nắm rõ cả tên người gửi, người nhận và nội dung gói hàng là… áo quần - hoàn toàn trùng khớp.
"Tôi nghĩ chắc cháu gửi mà chưa trả ship nên họ yêu cầu tôi chuyển 25.000 đồng để nhận hàng. Nhưng tôi thắc mắc sao không cho nhận hàng rồi trả tiền, thì họ dọa nếu không chuyển thì sẽ lưu kho cả tháng. Lúc đó tôi mới thấy vô lý và cúp máy luôn", chị Thanh kể lại.
Điểm chung của cả 2 trường hợp trên là nạn nhân đều may mắn không bị lừa nhờ đã được tham gia các buổi sinh hoạt, tập huấn do Hội LHPN tổ chức về phòng chống lừa đảo trên không gian mạng.
"Nếu không được tập huấn, không cập nhật thông tin từ Hội LHPN, có khi tôi đã mất tiền chỉ vì tin lời những kẻ giả danh", chị Nga bày tỏ.
Chị Thanh cũng cho biết, tham gia sinh hoạt hội phụ nữ giúp chị "vỡ" ra nhiều chiêu trò lừa đảo tinh vi. "Giờ chỉ cần hỏi ngược lại vài câu, kiểu gì chúng cũng lòi đuôi chuột", chị Thanh cười.
Hơn 300 lớp truyền thông giúp phụ nữ "vạch mặt" kẻ lừa đảo
Theo Hội LHPN TP Huế, các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi và thường nhắm vào phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở vùng nông thôn, miền núi, với mục tiêu chiếm đoạt tài sản thông qua giả danh cơ quan chức năng, giả nhân viên ngân hàng, bưu điện, gửi đường link giả, lừa lấy mã OTP hoặc dụ chuyển khoản trước.
Trước thực trạng này, Hội LHPN TP Huế yêu cầu các cấp hội tích cực bám sát cơ sở, tăng cường tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho hội viên. Các hoạt động truyền thông được thực hiện đa dạng: từ các buổi sinh hoạt chi hội, hội nghị tập huấn, đến các nội dung cảnh báo trên fanpage, Zalo của hội.
Bà Võ Thị Phương Thảo, Trưởng ban Xây dựng tổ chức hội, Hội LHPN TP Huế, cho biết, Hội LHPN TP Huế thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn và truyền thông cộng đồng để trang bị kỹ năng phòng chống lừa đảo cho phụ nữ.

Hàng ngàn lượt hội viên có thêm kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng an toàn, cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo từ những lớp tập huấn
"Chúng tôi cũng tập huấn về ứng dụng công nghệ, tuyên truyền trên nền tảng số để hội viên tiếp cận thông tin nhanh chóng, dễ hiểu, dễ chia sẻ. Tính đến thời điểm hiện tại, gần 300 lớp truyền thông, tập huấn đã được các cấp Hội trên địa bàn tổ chức, giúp hàng ngàn lượt hội viên có thêm kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng an toàn, cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo tinh vi ngày một lan rộng", bà Thảo cho hay.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển, điện thoại thông minh và mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của phụ nữ. Điều này vừa mở ra cơ hội, vừa tạo thêm rủi ro cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ trung niên, phụ nữ lớn tuổi ít hiểu biết về công nghệ.
Bởi vậy, việc đồng hành cùng hội viên để tăng sức đề kháng trước "virus lừa đảo" trên không gian mạng không chỉ là nhiệm vụ truyền thông, mà còn là biện pháp thiết thực bảo vệ tài sản, nhân phẩm và niềm tin của phụ nữ trong thời đại số.