Hơn 3.000 trẻ mồ côi được các bố, mẹ Công an nhận đỡ đầu
Sáng 15/1, Cục Công tác đảng và công tác chính trị - Bộ Công an tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề Chương trình 'Mẹ đỡ đầu' và các chương trình hỗ trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đang triển khai trong Công an nhân dân.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thiếu tướng Ngô Hoài Thu, Phó Cục trưởng Cục công tác đảng và công tác chính trị, Trưởng Ban Phụ nữ Công an nhân dân, cho biết: Trong hơn 2 năm qua, thiên tai, dịch bệnh qua đi để lại nhiều hậu quả, trong đó có hàng nghìn cháu nhỏ mất cha/mẹ, nhiều cháu mồ côi cả cả cha lẫn mẹ, hoàn cảnh khó khăn. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng chính phủ "Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau" và phát động của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, dưới sự chỉ dạo của lãnh đạo Bộ Công an, các đơn vị trong Công an nhân dân, Hội Phụ nữ Bộ Công an, Đoàn Thanh niên, Công đoàn Công an nhân dân đã triển khai nhiều hình thức đỡ đầu, hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ em mồ côi tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đơn vị đóng quân với các chương trình "Con nuôi công an", "Con đỡ đầu công an xã", "Mẹ đỡ đầu", "Nâng bước em đến trường", "Con nuôi công đoàn"…
Qua 2 năm đã có những kết quả đáng ghi nhận với số lượng hơn 3.000 cháu trên toàn quốc được các bố, mẹ Công an nhận đỡ đầu. Tuy nhiên, một số chương trình chưa có tính thống nhất trong toàn lực lượng; triển khai thiếu đồng bộ giữa các đơn vị, địa phương; chưa có nguồn kinh phí đảm bảo...
Tọa đàm là một trong chuỗi hoạt động cụ thể chào mừng Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân, 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Với mục đích nghiên cứu sâu thêm những chương trình đỡ đầu trẻ mồ côi đang được tiến hành trong Công an nhân dân; những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai; rút ra bài học kinh nghiệm; phát hiện, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong toàn lực lượng. Đồng thời, cung cấp luận cứ khoa học về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và tính nhân văn của các chương trình.
Thông qua cuộc tọa đàm tìm ra định hướng chung trong việc triển khai các chương trình đỡ đầu, hỗ trợ trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trong CAND thời gian tới.
Phát biểu tham luận tại tọa đàm, bà Trương Thị Thu Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội, Hội LHPN Việt Nam, nhận định: Chương trình "Mẹ đỡ đầu" - một chương trình mang dấu ấn của tổ chức Hội với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm hỗ trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 nói riêng và trẻ em mồ côi nói chung vì mục tiêu "Không để trẻ mồ côi nào bị bỏ lại phía sau.
Ngay từ khi ra đời, Chương trình đã nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thu hút sự quan tâm của nhiều đơn vị, tổ chức và cá nhân đồng hành và đã thực sự trở thành những điểm tựa đầy yêu thương của các con mồ côi trên khắp mọi miền đất nước. Điểm nổi bật của Chương trình là hoạt động dựa trên nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện, các hoạt động hỗ trợ đảm bảo phù hợp với nhu cầu của trẻ, ưu tiên tối đa điều kiện để trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường gia đình, cộng đồng với những nội dung đỡ đầu hết sức linh hoạt (đỡ đầu trực tiếp, đỡ đầu gián tiếp), trong đó vai trò của cán bộ Hội cơ sở là hết sức quan trọng.
Bằng tình thương và trách nhiệm, nữ cán bộ/sĩ quan/chiến sỹ Công an trên toàn quốc đã hưởng ứng rất hiệu quả. Các đồng chí dù ở các lĩnh vực công tác khác nhau nhưng đều có chung một trái tim nhân hậu, sẵn sàng đón nhận, không chỉ 1 con mà có đơn vị nhận tới 84 con để yêu thương, sẻ chia, đồng hành, giúp các con viết tiếp những ước mơ tươi sáng trên chặng đường sắp tới".
"Để Chương trình "Mẹ đỡ đầu" tiếp tục phát triển bền vững và lan tỏa mạnh mẽ hơn, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo và tuyên truyền, lan tỏa rộng rãi tính nhân văn của Chương trình trên cả nước; chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác vận động, kết nối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình nhằm đảm bảo việc phân bổ nguồn lực phù hợp; hỗ trợ, giúp đỡ đúng đối tượng; đảm bảo tiêu chí đỡ đầu" - bà Trương Thị Thu Thủy cho biết.
Bà Trương Thị Thu Thủy chia sẻ: "Đối với các cấp Hội Phụ nữ CAND, Hội LHPN Việt Nam đề nghị: "Cần tiếp tục phát huy sự chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, những tấm gương, những câu chuyện xúc động của chính lực lượng mình tới toàn thể cán bộ chiến sỹ CAND để có thêm nhiều trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được đỡ đầu, giúp đỡ ngay tại địa phương trẻ sinh sống, hỗ trợ trẻ có điều kiện phát triển toàn diện ngay tại gia đình và cộng đồng.
Đồng thời, cần đề xuất với Đảng ủy Bộ Công an có chỉ đạo chung bằng văn bản hưởng ứng và triển khai chương trình "Mẹ đỡ đầu" trong CAND. Phối hợp với Hội LHPN Việt Nam ở các cấp để bảo trợ cho hoạt dộng truyền thông/vận động/truyền cảm hứng/biểu dương tôn vinh Mẹ đỡ đầu ở các cấp và trên địa bàn cả nước...). Phấn đấu mỗi CAND đang công tác tại các địa bàn xã, các phòng chức năng của Công an các cấp biết đến chương trình, hiểu cách thức đỡ đầu và nhận đỡ đầu ít nhất 1 con mồ côi. Bên cạnh đó, lan tỏa trong CAND những bài hát ca ngợi Mẹ đỡ đầu đạt giải cao của cuộc thi sáng tác ca khúc ca ngợi Phụ nữ/Người mẹ Việt Nam năm 2024 do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội Nhạc sĩ tổ chức".
Chương trình Tọa đàm còn có nhiều tham luận ý nghĩa của đại diện Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Hà Giang, Sơn La, cùng đại diện nhiều đơn vị, lực lượng Công an các tỉnh Lạng Sơn, Ninh Bình, Đăk Nông, Bình Dương, Bắc Giang, Hải Dương...