Hơn 200 mã giảm kịch sàn, VN-Index 'bốc hơi' 82 điểm
Phiên giao dịch sáng 3-4, nhà đầu tư ồ ạt bán ra khiến hầu hết các mã cổ phiếu giảm giá, trong đó có tới hơn 200 mã giảm kịch sàn, đẩy VN-Index giảm 82 điểm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và mức thuế quan cao hơn đối với hàng chục quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ.
Ngoài mức thuế cơ bản 10%, chính quyền Mỹ cũng sẽ áp dụng thuế đối ứng đối với nhiều quốc gia khác. Trái với dự đoán của nhiều chuyên gia trong nước, Việt Nam nằm ở top những quốc gia bị áp thuế đối ứng cao, lên tới 46%.

Chứng khoán lao dốc phiên sáng 3-4. Ảnh chụp qua màn hình
Thông tin này đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư tại thị trường trong nước và lệnh bán được ồ ạt tung ra trong phiên sáng nay.
Trên sàn thành phố Hồ Chí Minh, thị trường lao dốc mạnh. Hết giờ giao dịch sáng, VN-Index tạm dừng ở mức 1.235,55 điểm, giảm tới 82,28 điểm (-6,24%); VN30-Index về mức 1.291,92 điểm sau khi hạ 85,02 điểm (-6,17%).
Sức cung rất lớn khiến cổ phiếu đồng loạt giảm giá. Sắc đỏ gần như bao trùm bảng giao dịch điện tử khi có tới 505 mã giảm giá, trong đó 217 mã giảm kịch sàn; chỉ 10 mã tăng giá. Tại nhóm VN30, số mã tăng-giảm lần lượt là 1 mã và 29 mã, trong đó 17 mã giảm hết biên độ.
Các nhóm ngành đua nhau giảm điểm với biên độ giảm rất rộng, hầu hết giảm trên 4%. Bán dẫn là ngành duy nhất hiện sắc xanh.
Áp lực bán lớn và trên diện rộng nên thanh khoản tăng vọt, đạt tới hơn 31.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh. Khối này mua gần 1.110 tỷ đồng và bán xấp xỉ 4.274 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, chốt phiên HNX-Index dừng ở mức 221,37 điểm, giảm 16,76 điểm (-7,04%); HNX30-Index giảm 41,90 điểm (-8,61%) về mức 444,91 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 1.600 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho rằng, yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường là chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Điều này có thể tạo ra 1 cú giảm nhanh, mạnh trên thị trường, đặc biệt khi thị trường đang ở vùng giá cao (như giai đoạn vừa qua lên 1.342.9 điểm). Điều này càng được thúc đẩy khi thông tin xấu gây ra hoảng loạn, bán tháo quyết liệt hơn.
Một phần nữa là truyền thông đưa tin suốt giai đoạn vừa qua theo hướng tích cực và đại đa số nhà đầu tư đang tin vào kịch bản Việt Nam không bị áp thuế cao. Vì vậy, khi thông tin chính thức Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia bị áp thuế cao nhất đã gây hoảng loạn trên thị trường.
Các nhà đầu trong giai đoạn vừa qua dùng đòn bẩy tăng khá mạnh và áp lực call margin (lệnh gọi ký quỹ) chéo lớn buộc họ phải chủ động giảm tỷ lệ đòn bẩy ngay lập tức, tạo ra các đợt bán tháo ồ ạt trên diện rộng.
Các ngành cũng đang chịu ảnh hưởng lớn khi nhà đầu tư đang xem xét đánh giá lại triển vọng đầu tư của từng ngành. Nhiều ngành có thể giảm hấp dẫn đầu tư rất lớn nếu việc áp thuế chính thức được thực hiện sau 1 tuần nữa, như các nhóm ngành dệt may, da giầy, đồ gỗ, thủy sản, và ngay cả bất động sản khu công nghiệp.
Theo vị chuyên gia này, trong trường hợp xấu nhất VN-Index có thể điều chỉnh giảm 15% -20% từ vùng đỉnh 1.342 gần đây, sau đó mới ổn định trở lại.
Khả quan hơn là sự điều chỉnh quanh mức 10% của thị trường chung. Tuy nhiên, điều khá lo ngại là tình trạng margin cao hiện nay có thể làm thị trường điều chỉnh nhiều hơn mức 10%. Mặc dù vậy, nhà đầu tư không nên quá lo lắng bởi các chính sách như thế này luôn thay đổi nhanh.