Hơn 11.000 nhóm chính trị Mỹ chi 14,7 tỷ USD cho cuộc bầu cử năm 2024
Do luật pháp Mỹ không hạn chế việc đầu tư tài chính của các ứng cử viên Tổng thống và quốc hội, hai đảng Mỹ đang sử dụng số lượng lớn quảng cáo và hoạt động để lấy lòng cử tri. Họ đã chi hơn 14,7 tỷ USD cho cuộc bầu cử năm 2024.
Theo Bloomberg, các tài liệu do Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ cung cấp cho thấy trong chu kỳ bầu cử năm nay, có hơn hơn 11.000 nhóm (đoàn thể) chính trị đã đầu tư tiền cho chiến dịch, trong đó bao gồm cả các nhóm lợi ích nhỏ cho đến các siêu ủy ban hành động chính trị được giới tỷ phú hậu thuẫn. Họ vung tiền mua quảng cáo trên truyền hình, phát động các hoạt động gây quỹ và đến từng nhà vận động bỏ phiếu.
Cuộc bầu cử tốn kém nhất lịch sử Mỹ
Theo Bloomberg, các nhóm chính trị này đã chi ít nhất 14,7 tỷ USD cho cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội. OpenSecrets, một tổ chức theo dõi các khoản quyên góp chính trị ở Mỹ, ước tính rằng con số này có thể chiếm khoảng 92% chi tiêu trong toàn bộ cuộc bầu cử năm 2024. Trong đó, top 100 nhóm chính trị có mức chi lớn nhất đã bỏ ra số tiền chiếm tới 64,6% tổng chi tiêu.
Đơn cử, tổng chi tiêu của siêu ủy ban hành động chính trị (super PAC) “Make America Great Again”, tổ chức hỗ trợ ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa Trump, đã chi tới 381 triệu USD. Ông chủ ngân hàng, tỷ phú Mỹ Timothy Mellon đã quyên góp 150 triệu USD cho super PAC này, trở thành nhà tài trợ cá nhân lớn nhất cuộc bầu cử năm 2024.
Ủy ban hành động chính trị có tên "America PAC" do tỷ phú Elon Musk, người ủng hộ ông Trump, thành lập cũng đã đầu tư gần 177 triệu USD. Musk gần đây cũng đã phát động một chương trình xổ số, thông báo rằng mỗi ngày 1 triệu USD sẽ được trao ngẫu nhiên cho một cử tri ở bang dao động ký đơn thỉnh nguyện. Động thái này đã gây ra tranh cãi pháp lý và đảng Dân chủ đã đệ đơn kiện Musk với danh nghĩa "hoạt động xổ số bất hợp pháp".
Ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Kamala Harris cũng đã đầu tư số tiền khổng lồ vào chiến dịch của mình. “Future Forward”, một super PAC ủng hộ bà Harris, đã chi tới 621 triệu USD. Kênh CNN cho biết, ủy ban này gần đây đã phát động một chiến dịch quảng cáo kỹ thuật số “chưa từng có” nhằm thu hút sự chú ý của nhiều cử tri hơn trong những tuần cuối cùng.
Hiện tại, bà Harris có ưu thế hơn về tài chính cho chiến dịch tranh cử. Ủy ban vận động tranh cử của bà đã chi tổng cộng 875 triệu USD cho chiến dịch, trong đó khoảng 148 triệu USD được sử dụng cho các hoạt động gây quỹ qua mạng. Hầu hết số tiền này đã lọt vào túi Facebook và Google. Trong khi đó, ủy ban vận động tranh cử của ông Trump đã chi 355 triệu USD.
Trong cuộc bầu cử quốc hội, cũng có những ứng cử viên đầu tư số tiền rất lớn. Đơn cử, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ David Trone đã chi 63,8 triệu USD tiền riêng của mình để tranh cử làm Thượng nghị sĩ bang Maryland, nhưng ông đã thua đối thủ cạnh tranh trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng. Ứng cử viên đảng Cộng hòa Dave McCormick, người đang thách thức chiếc ghế Thượng nghị sĩ bang Pennsylvania, super PAC ủng hộ ông đã chi 59,12 triệu USD.
Đài Al Jazeera chỉ ra rằng, trong các cuộc bầu cử ở Mỹ, các quỹ tranh cử bị một loạt luật giám sát. Các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có thể quyên góp cho các hoạt động chính trị, nhưng số tiền quyên góp trực tiếp cho các ứng cử viên bị hạn chế. Tuy nhiên, hạn chế này có thể bị phá vỡ bởi các PAC và super PAC , vốn đóng vai trò quan trọng trong các cuộc bầu cử.
Các PAC có thể tập hợp những đóng góp của các thành viên và quyên góp cho các chiến dịch của ứng cử viên. Thông thường, mỗi PAC chỉ có thể quyên góp 5.000 USD cho một ứng cử viên mỗi năm. Năm 2010, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết rằng các super PAC không thể quyên góp trực tiếp cho các ứng cử viên hoặc điều phối các hoạt động tranh cử, nhưng họ có thể quyên góp không hạn chế cho các tổ chức độc lập liên kết với các ứng cử viên.
Người dân Mỹ lo ngại về “chính trị tiền bạc”
Ngày nay, các hoạt động chiến dịch tranh cử chính trị ở Mỹ ngày càng trở nên tốn kém và “cuộc đua gây quỹ” ngày càng khốc liệt. Bloomberg trước đó đã đăng bài viết cho rằng, cuộc bầu cử năm 2020 từng được gọi là "cuộc bầu cử tốn kém nhất", với chi phí cho cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội lên tới 14,4 tỷ USD. Nhưng trong cuộc bầu cử năm 2024 này, tổng chi tiêu đã vượt quá năm 2020 dù Ngày bầu cử còn chưa đến.
“Chính trị tiền bạc” ngày càng khiến nhiều người Mỹ lo lắng. Một cuộc khảo sát của Pew Research Center (Trung tâm Nghiên cứu Pew) ở Mỹ cho thấy vào năm 1972, khoảng 52% người Mỹ tin rằng chính phủ có thể “làm những điều đúng đắn trong hầu hết thời gian”; nhưng đến tháng 4/2024, tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 22%.
Mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm niềm tin của công chúng, nhưng một nguyên nhân quan trọng là người dân Mỹ lo ngại tiền bạc sẽ ảnh hưởng đến chính trị. Một cuộc thăm dò của Pew năm 2023 cho thấy 85% người Mỹ tin rằng chi phí vận động đắt đỏ khiến “những người giỏi khó tranh cử chức vụ công hơn”. Vào thời điểm đó, 72% số người được hỏi cho biết họ mong muốn có sự hạn chế chi tiêu cho chiến dịch tranh cử.