Hơn 1000 ca nhập viện trong 1 năm do thuốc lá điện tử, nhiều ca tổn thương não
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng gia tăng trong giới trẻ.
1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nấu
Mới đây, Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chia sẻ về một bệnh nhân 20 tuổi nhập trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan, có tổn thương não, tim, nhiễm toan chuyển hóa nặng, suy thận do hút thuốc lá điện tử.
Theo bác sĩ, những trường hợp phải nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng như trên không hiếm gặp.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân nhập viện vì hút thuốc lá điện tử.
Tại hội thảo Công ước khung về kiểm soát thuốc lá do Bộ Y tế và WHO phối hợp tổ chức ngày 25/9, đại diện Bộ Y tế, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - khẳng định các nghiên cứu tại Việt Nam gần đây cho thấy thực trạng sử dụng thuốc lá thế hệ mới chủ yếu là trong giới trẻ.
Tại Việt Nam, qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nấu. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam, cũng cho biết thuốc lá đang gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới do các bệnh ung thư và các bệnh mãn tính như tim mạch, đột quỵ, phình động mạch vành, động mạch chủ … Hút thuốc thụ động ở trẻ em gây các bệnh u não, tai giữa, hô hấp …
Mỗi năm có 1.000.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động. Trong đó, 64% do hút thuốc thụ động là nữ; 165.000 ca tử vong là ở trẻ em dưới 5 tuổi. Hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong nhiều thứ 2 trên toàn cầu
Nghiên cứu mới được của Trường Đại học Y tế công cộng được hỗ trợ bởi Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá và Tổ chức Y tế Cộng đồng toàn cầu (Vital Strategies) mới công bố cho thấy, trong giai đoạn tháng 10 - 12/2023, trên 3.801 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 tại 11 tỉnh, thành ở Việt Nam.
14% học sinh từng sử dụng thuốc lá điện tử
Kết quả 96,2% và 37,8% học sinh nhận thức được sự tồn tại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Trong đó 14% đã từng sử dụng thử thuốc lá điện tử và 7% hiện đang sử dụng trong 30 ngày qua. Tỷ lệ này đối với thuốc lá nung nóng là 1,8% đã từng sử dụng và 1,0% hiện đang sử dụng.
Giám đốc điều hành Trung tâm Quản trị và Kiểm soát thuốc lá toàn cầu (GGTC, Thái Lan) Bungon Ritthiphakdee nhận định, ngành công nghiệp thuốc lá đang tìm cách “lách” các quy định quản lý bằng việc giới thiệu các sản phẩm mới như: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, nhằm đối phó với các quy định ngày càng nghiêm ngặt đối với thuốc lá truyền thống.
Thực tế, cộng đồng y tế toàn cầu đã ghi nhận một số trường hợp tổn thương phổi do thuốc lá điện tử. Theo đó, các sản phẩm thuốc lá mới được cho là có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, đặc biệt đối với não bộ đang phát triển của trẻ vị thành niên.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã khẳng định: Không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nấu ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường.
GS.Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Y tế Công cộng cho rằng, đây là xu hướng đáng lo ngại, vì nó có thể đảo ngược những nỗ lực kiểm soát việc sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên đã được triển khai quyết liệt trong nhiều năm qua. Mức độ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong giới trẻ Việt Nam đang ở mức cao, đặc biệt khi so sánh với các chỉ số về sử dụng thuốc lá truyền thống. GS. Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHYTCC đã chia sẻ những phát hiện đáng lo ngại từ thông tin nhóm nghiên cứu của ông thu thập được.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã khẳng định: Không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nấu ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nấu đều chứa nicotine là chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe.
Do tác hại nghiêm trọng của các sản phẩm thuốc lá mới tới sức khỏe, đặc biệt là thế hệ trẻ, theo đại diện Bộ Y tế, phải quyết liệt ngăn chặn việc sử dụng trước khi quá muộn.
Các chuyên gia cho rằng, với sự nhanh nhạy của các công ty thuốc lá, nếu nước ta không có các giải pháp sớm và mạnh mẽ sẽ khiến cho tỷ lệ hút thuốc lá mới có nguy cơ tăng cao, ảnh hưởng đến sức khỏe và giống nòi của Việt Nam.