Hơn 1/3 tài sản là tiền, lợi nhuận Nam Tân Uyên (NTC) quý III giảm theo lãi gửi

Lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm là nguyên nhân chính kéo lợi nhuận của Công ty cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên đi lùi so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế sau 9 tháng của công ty đạt 195 tỷ đồng, hoàn thành 70% kế hoạch.

Kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên đi lùi do hụt doanh thu tài chính.

Kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên đi lùi do hụt doanh thu tài chính.

Công ty cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (Nam Tân Uyên, mã NTC - sàn UPCoM) báo lãi sau thuế quý III/2024 đạt hơn 64 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý III/2024 vừa công bố, doanh thu thuần ở mức 51,2 tỷ đồng, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng 8% khiến lợi nhuận gộp của công ty giảm 11,6% và còn gần 34 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính giảm 21% xuống mức 48,6 tỷ đồng do lãi tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn giảm. Chi phí tài chính giảm mạnh 59% và ở mức 1 tỷ đồng. Chi phí quản lý ở mức tương đương cùng kỳ với hơn 7,9 tỷ đồng.

Theo giải trình gửi đến cổ đông, ông Huỳnh Hữu Tín, Phó tổng giám đốc Nam Tân Uyên cho biết doanh thu tài chính giảm tới hơn 20% chủ yếu do lãi tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn giảm

Nam Tân Uyên đã sở hữu lượng lớn tiền gửi ngân hàng. Tại thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản của Khu công nghiệp Nam Tân Uyên ở mức 4.527,7 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,8% so với số đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn tăng 19% lên mức 1.598,4 tỷ đồng. Riêng khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn ngắn hạn (tiền gửi ngân hàng) đã là 1.512 tỷ đồng, tăng 25% so với thời điểm đầu năm.

Ở chiều ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn giảm 24% và ở mức gần 69 tỷ đồng, trong đó chủ yếu do giảm khoản phải thu ngắn hạn khác (-27,5%). Tài sản dài hạn đạt 2.929,3 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm. Khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn dài hạn (tiền gửi ngân hàng) giảm đến 83% và đạt chỉ 52 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, doanh nghiệp này vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn nợ. Nợ phải trả của công ty ở mức 3.370,5 tỷ đồng, giảm 6,4% so với đầu năm và chiếm hơn 74% trong tổng nguồn vốn. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu xấp xỉ 1.157 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng thấp hơn so với vốn nợ nhưng cũng ghi nhận mức tăng đáng kể (20,5%) so với đầu năm.

Kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên.

Kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt gần 175 tỷ đồng, tăng 1,4%. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh 16% nên lợi nhuận gộp chỉ ở mức 118 tỷ đồng, giảm 4,3%. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên báo lãi sau thuế giảm 16% so với cùng kỳ và đạt 195 tỷ đồng.

Năm 2024, cổ đông công ty đã thông qua kế hoạch tổng doanh thu 698,37 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 278,16 tỷ đồng. Sau 9 tháng, công ty đã hoàn thành 70% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.

Mới đây, Nam Tân Uyên đã tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024, thông qua việc miễn nhiệm chức danh Thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Đỗ Hữu Phước. Trước đó, ngày 23/09/2024, ông Phước có đơn từ nhiệm gửi đến Hội đồng quản trị công ty với lý do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần (mã GVR, sàn HoSE), cổ đông lớn của Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, đã có quyết định về việc ông Phước không còn là người đại diện vốn.

Các cổ đông cũng đã bầu bổ sung 2 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2021 - 2026, gồm ông Trần Quốc Thái và ông Lê Duy Thanh. Hội đồng quản trị đã họp và thống nhất bầu ông Thái trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị đồng thời là người đại diện pháp luật của công ty.

Thanh Thủy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hon-13-tai-san-la-tien-loi-nhuan-nam-tan-uyen-ntc-quy-iii-giam-theo-lai-gui-d227480.html
Zalo