Hội Xuất bản Việt Nam đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc cộng đồng
Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Phạm Minh Tuấn nhấn mạnh văn hóa đọc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong thời gian tới.
Thời gian qua, Hội Xuất bản Việt Nam đã có nhiều hoạt động góp phần phát triển văn hóa đọc. Tại Hội nghị Ban chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam lần thứ hai nhiệm kỳ 2023-2028, diễn ra sáng 23/3 tại Hà Nội, Hội tiếp tục khẳng định phát triển văn hóa đọc là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
"Hội tiếp tục tham gia sâu hơn vào việc lan tỏa sách, giá trị sách trong đời sống xã hội. Sách mới, hay thì mới tạo sự quan tâm vì người ta luôn đi tìm cái mới. Vai trò của hội chính là thẩm định sách hay, sách mới", ông Tuấn nói.
Chủ tịch Hội Xuất bản Việt nam đề nghị các nhà xuất bản, công ty phát hành sách tự nhận thấy cuốn nào hay, có thể đề cử để Hội có thể chọn ra mỗi tháng 5-7 cuốn (tùy số lượng) để chỉ đạo, phối hợp truyền thông quảng bá cho những cuốn sách giá trị ấy.
"Văn hóa đọc gắn với xã hội học tập. Hội chúng ta nên tham mưu, nghiên cứu để tham gia vào đề án 'Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030'", ông Phạm Minh Tuấn nói.
Tham gia phát triển văn hóa đọc là một trong nhiều nội dung được thảo luận tại Hội nghị ban chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam lần thứ hai nhiệm kỳ 2023-2028.
Nhiều điểm sáng trong công tác Hội Xuất bản năm 2023
Tổng kết công tác năm 2023, ông Đỗ Quang Dũng - Phó chủ tịch chuyên trách Hội Xuất bản Việt Nam - nhận xét Hội đạt được nhiều kết quả đáng chú ý.
Cụ thể, về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, Hội đã phối hợp với Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông trong nhiều hoạt động như: tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, sơ kết công tác 6 tháng, 8 tháng đầu năm, Tổng kết công tác xuất bản lịch bloc năm 2023, triển khai việc xuất bản lịch bloc năm 2024; Tổ chức Hội sách và các hoạt động chào mừng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai năm 2023 tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Hà Nội…
Bên cạnh đó, Hội đã thực hiện và phối hợp với các hội viên, các cơ quan hữu quan thực hiện nhiều hoạt động hướng đến việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc, tổ chức buổi họp mặt gần 100 cựu cán bộ lãnh đạo ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam qua các thời kỳ tại TP.HCM nhằm chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai.
Báo cáo tại hội nghị cũng chỉ ra trong năm qua, lãnh đạo Hội đã tham gia vào việc tham mưu, chia sẻ kinh nghiệm cho các địa phương, đặc biệt là TP Thủ Đức xây dựng đường sách, hỗ trợ kết nối các hoạt động tại Đường sách Thành phố Thủ Đức.
Ông Đỗ Quang Dũng đề cập trong năm 2023, Công ty Đường sách TP.HCM đã phối hợp với các cơ quan ban ngành của Trung ương và địa phương, các đối tác tổ chức hơn 250 chương trình hoạt động sự kiện tại Đường Sách, bao gồm: 20 chương trình chủ điểm phục vụ nhiệm vụ chính trị - xã hội, văn hóa - giáo dục, phát triển văn hóa đọc; 90 sự kiện giao lưu tác giả, tác phẩm... gần 120 sân chơi trải nghiệm, tương tác, trong đó có 6 sân chơi diễn ra định kỳ vào cuối tuần.
Ông Đỗ Quang Dũng cũng ghi nhận sự hoạt động tích cực của Tạp chí Tri thức - Znews trong việc tuyên truyền các hoạt động của ngành Xuất bản, chú trọng và mở rộng, chuyên sâu các mục về xuất bản, góp phần phát triển văn hóa đọc.
Báo cáo tại hội nghị còn cho thấy nhằm góp phần xây dựng nền xuất bản lành mạnh, Hội đã tổ chức chấm Sơ khảo sách và hồ sơ tham dự Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt I (2021-2023); tổ chức thực hiện chấm Sơ khảo sách dự thi Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX.
Đặc biệt, Hội Xuất bản Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thực hiện Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ sáu.
Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ sáu có 41/57 nhà xuất bản tham gia với 312 tên sách và bộ sách, bao gồm 435 cuốn sách (nhiều hơn 14 tên sách và bộ sách, 49 cuốn sách so với Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ năm). Kết quả có 02 tác phẩm đạt Giải A, 10 tác phẩm đạt Giải B, 11 tác phẩm đạt Giải C và 18 tác phẩm đạt Giải Khuyến khích. Những tác phẩm đạt Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ sáu được đánh giá cao, bạn đọc quan tâm.
Nhằm ngăn chặn việc mua bán sách giả, sách lậu, hỗ trợ quảng bá sách, Hội đã ký kết chương trình hợp tác với Công ty TNHH TikTok Việt Nam về hỗ trợ phát triển văn hóa đọc và bảo vệ bản quyền giai đoạn 2023-2025.
Trong năm qua, Hội còn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Xuất bản, đẩy mạnh hội nhập quốc tế cũng như xây dựng Hội vững mạnh với nhiều hoạt động.
Phát biểu tại hội nghị, ông Tống Văn Thanh - Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - nhận xét công tác truyền thông về sách trong năm qua có nhiều điểm sáng, đặc biệt là công tác truyền thông cho Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ sáu.
"Chúng ta đã đưa được lễ trao giải lên sóng tường thuật trực tiếp của Đài Truyền hình Việt Nam, tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội và hệ thống báo chí đã tuyên truyền về Giải thưởng Sách Quốc gia thực sự là Giải thưởng Sách Quốc gia", ông Thanh nói.
Trong năm 2024, ông Tống Văn Thanh cho rằng Hội nên "chọn việc để làm" nhằm tránh lan man, không hiệu quả, phù hợp với điều kiện hiện có song cần chú trọng gắn với phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy truyền thông sách.
5 mục tiêu chính để Hội tiếp tục đổi mới, hội nhập
Trong năm 2024, ngoài kế thừa, phát huy thành tựu những nhiệm kỳ trước, Hội Xuất bản Việt Nam đề ra một số phương hướng, nhiệm vụ chính để tiếp tục đổi mới, hội nhập và phát triển.
Cụ thể, Hội tập trung triển khai việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Hội; phối hợp với Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thực hiện Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ bảy, quản lý việc xuất bản lịch blốc năm 2025; tổ chức chấm sơ khảo Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì.
Bên cạnh đó, Hội đẩy mạnh thực hiện 5 mục tiêu nhiệm kỳ 2023-2028, đó là: (1) Góp phần xây dựng nền xuất bản lành mạnh, (2) Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, (3) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành xuất bản, (4) Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, (5) Xây dựng Hội vững mạnh; bổ sung và phát triển thêm một số nội dung trong từng mục tiêu cho phù hợp với tình hình mới trong nước và xu thế của thế giới.
Hội Xuất bản Việt Nam cũng tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy và đưa vào hoạt động các ban, văn phòng và trung tâm của Hội Xuất bản Việt Nam, xây dựng Kế hoạch, tiếp tục rà soát, phát triển hội viên; tập trung xây dựng các chi hội và liên chi hội tại Hà Nội, TP.HCM và một số khu vực trọng điểm. Đồng thời, chủ động tìm kiếm, quản lý các nguồn thu để duy trì hoạt động bình thường của Hội.
Ngoài ra, Hội phối hợp với Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà xuất bản và các cơ quan hữu quan khác trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho cán bộ ngành Xuất bản, đồng thời đổi mới và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các hoạt động của Hội và ngành Xuất bản trên Tạp chí điện tử Tri thức (Znews.vn).
Về hợp tác quốc tế, Hội tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế với Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á và Hiệp hội Xuất bản châu Á - Thái Bình Dương; tăng cường quảng bá, cập nhật thông tin, số liệu, và những hoạt động tiêu biểu của ngành Xuất bản Việt Nam tới bạn bè quốc tế.