Hồi Xuân bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa các dân tộc thiểu số

Xã Hồi Xuân thành lập trên cơ sở sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị trấn Hồi Xuân và xã Phú Nghiêm. Sau sắp xếp, xã có 2.447 hộ dân, với 10.109 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Thái, Mường chiếm 73%. Ở nơi đây, đồng bào vẫn còn gìn giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc.

Trang phục dân tộc Thái được người dân ở xã Hồi Xuân gìn giữ, bảo tồn.

Trang phục dân tộc Thái được người dân ở xã Hồi Xuân gìn giữ, bảo tồn.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc” và phong trào xây dựng “Làng văn hóa, cơ quan văn hóa”, thời gian qua Đảng ủy, chính quyền xã luôn tuyên truyền, vận động Nhân dân giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Mặc dù có nhiều đổi thay theo lối sống hiện đại, nhưng đồng bào dân tộc Thái, Mường trong xã vẫn còn gìn giữ nhiều trò chơi, trò diễn mang đậm nét văn hóa đặc sắc như khặp Thái, khua luống, trống chiêng, tung còn, bắn nỏ, kéo co, lễ cúng cơm mới... Đặc biệt, các làn điệu hát xường của dân tộc Mường, hát khặp của dân tộc Thái vẫn được người dân lưu giữ và biểu diễn trong dịp lễ, tết.. Xã Hồi Xuân còn là nơi tổ chức Lễ hội Mường Ca Da tưởng nhớ, tôn vinh nhân vật lịch sử Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban - người có công khai phá vùng đất Mường Ca Da.

Chủ tịch UBND xã Hồi Xuân Lê Văn Dũng cho biết: "Ngoài những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, Mường, trên địa bàn xã còn có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh như hang Lũng Mu, bia ký - nơi thờ tướng quân Khằm Ban, chùa Ông, động Bà, hồ Vinh Quang, ruộng lúa bậc thang ở bản Nghèo. Hiện nay, bia ký và quần thể di tích hang Lũng Mu đã được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đây là nguồn tài nguyên để địa phương phát triển loại hình du lịch lịch sử gắn với văn hóa tâm linh".

Cùng với việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, Mường, xã Hồi Xuân còn đẩy mạnh phong trào “Xây dựng làng văn hóa, cơ quan văn hóa” gắn với phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”. Đến nay, xã có 18/20 bản, khu phố được công nhận bản, khu phố văn hóa; 77% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Hầu hết các bản, khu phố đều có quy ước, hương ước về thực hiện nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Mừng hơn là việc hiếu, hỷ được người dân địa phương thực hiện theo nếp sống văn hóa mới đơn giản, tiết kiệm, lành mạnh.

Những kết quả đạt được trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, Mường ở xã Hồi Xuân đã góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân địa phương.

Bài và ảnh: Khánh Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/hoi-xuan-bao-ton-phat-huy-net-dep-nbsp-van-hoa-cac-dan-toc-thieu-so-256171.htm
Zalo