Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời như thế nào?
Từ năm 1925-1930, trên đất nước ta lần lượt xuất hiện các tổ chức cách mạng hoạt động song song với nhau. Đó là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tân Việt Cách mạng đảng, Việt Nam Quốc dân Đảng,...
Trong quá trình đó đã diễn ra sự thử thách nghiêm khắc, sự chọn lựa lịch sử về sứ mệnh của các tổ chức chính trị đối với dân tộc trong thời đại mới.
Ngày 11-11-1924, đồng chí Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu (Trung Quốc). Quảng Châu - là nơi Tâm tâm xã ra đời, là thủ phủ của Quảng Đông, một tỉnh duyên hải của Trung Quốc, đầu mối giao thông thủy bộ thuận tiện, có nền thương mại phát triển. Từ năm 1923, Quảng Châu trở thành thủ đô của Chính phủ Tôn Trung Sơn, nơi nhiều nhà cách mạng Việt Nam và thế giới thường lui tới hoạt động.
Sau khi đến Quảng Châu, đồng chí Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ. Phần lớn học viên là thanh niên, học sinh, trí thức Việt Nam yêu nước. Họ học làm cách mạng, học cách hoạt động bí mật. Phần lớn số học viên đó sau khi “học xong, họ lại bí mật về nước truyền bá lí luận giải phóng dân tộc và tổ chức nhân dân”[1]. Số còn lại Người gửi sang học tại Trường Đại học Phương Đông ở Mátxcơva (Liên Xô) hoặc Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc).
Tháng 2-1925, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn, giác ngộ một số thanh niên tích cực trong tổ chức Tâm tâm xã, lập ra Cộng sản đoàn, trong đó có: Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lưu Quốc Long, Trương Văn Lĩnh, Lê Quang Đạt, Lâm Đức Thụ. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập một tổ chức cách mạng có tính chất quần chúng rộng rãi hơn là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.
Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, là đội tiền phong cách mạng của dân chúng Việt Nam. Nhằm “tranh đấu để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và tụi chó săn của chúng nó mà tự cứu lấy mình”[2]. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Tổng bộ, trong đó có Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn. Trụ sở của Tổng bộ đặt tại Quảng Châu.
Ngày 21-6-1925, tuần báo Thanh niên, cơ quan trung ương của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên bằng chữ quốc ngữ, cơ quan tuyên truyền của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để giáo dục, tập hợp và thống nhất tư tưởng, hành động của các chiến sĩ cách mạng và trang bị những kiến thức chính trị cho đội ngũ cán bộ vận động quần chúng.
Từ giữa năm 1925 đến trước tháng 4-1927, Hội đã tổ chức được nhiều lớp huấn luyện tại số nhà 13 và 13A đường Văn Minh, Quảng Châu, đào tạo được khoảng 75 hội viên. Các bài giảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp, xuất bản thành cuốn sách Đường kách mệnh (năm 1927). Báo Thanh niên và tác phẩm Đường Kách mệnh đã trang bị lí luận cách mạng giải phóng dân tộc cho cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để tuyên truyền đến giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân Việt Nam.
Đường kách mệnh là cuốn sách giáo khoa chính trị đầu tiên của cách mạng Việt Nam, trong đó tầm quan trọng của lý luận cách mạng được đặt ở vị trí hàng đầu như lời chỉ dẫn của Lênin mà Người viết trang trọng ở đầu cuốn sách: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”. Lý luận đó phải được đưa đến tận người dân: “Cách mệnh trước phải làm cho dân giác ngộ”, “Cách mệnh phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa (tức chủ nghĩa Mác - Lênin) cho dân hiểu”[3].
Cuối năm 1928, thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, nhiều cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đi vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, cùng sinh hoạt và lao động với công nhân để tuyên truyền vận động cách mạng, nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân.
Ngày 29-9-1928, Hội nghị Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ đề ra chủ trương Vô sản hóa, đưa hội viên vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền để cùng lao động với công nhân, từ đó rèn luyện, nâng cao lập trường giai cấp công nhân, đồng thời trực tiếp tuyên truyền giác ngộ và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng theo lập trường vô sản. Phong trào công nhân vì thế càng phát triển mạnh mẽ hơn và trở thành nòng cốt của phong trào dân tộc trong cả nước.
Hàng loạt cán bộ, hội viên đã đi vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền. Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Công Hòa, Lương Khánh Thiện, Hạ Bá Cang… về Hải Phòng làm công nhân ở nhà máy chai, nhà máy xi măng, nhà máy sợi, Nhà máy điện Cửa Cấm; Nguyễn Phong sắc vào làm ở Nhà máy xe lửa Trường Thi (Vinh); Hoàng Thị Ái vào làm ở Đà Nẵng; Trần Ngọc Hải vào làm ở Xưởng ôtô Avia Hà Nội; Khuất Duy Tiến, Ngô Huy Ngụ, Mai Thị Vũ Trang vào làm ở các Nhà máy sợi, Nhà máy điện Nam Định... Hầu hết các nhà máy lớn ở các khu công nghiệp tập trung đều được các tỉnh bộ cử cán bộ, hội viên của mình vào vô sản hóa.
Phong trào đấu tranh của công nhân đã nổ ra ở nhiều nơi, như: Cuộc bãi công của công nhân mỏ than Mạo Khê, đồn điền Lộc Ninh, nhà máy cưa Bến Thủy, nhà máy xi măng Hải Phòng, nhà máy in Poóctay Sài Gòn, đồn điền cao su Cam Tiêm, hãng dầu Nhà Bè, nhà máy tơ Nam Định… Năm 1929, bãi công của công nhân nổ ra ở nhà máy chai Hải Phòng, nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi (Vinh), nhà máy Avia (Hà Nội), hãng buôn Sácne Sài Gòn, sở ươm cây Hà Nội, nhà máy điện Nam Định, hãng xe hơi Đà Nẵng, xưởng nhuộm nhà máy dệt Nam Định, đồn điền cao su Phú Riềng (nay thuộc tỉnh Bình Phước), hãng dầu Hải Phòng, các nhà in ở Chợ Lớn... Các cuộc bãi công đó không chỉ bó hẹp trong phạm vi một xưởng, một địa phương, một ngành mà đã bắt đầu có sự liên kết thành phong trào chung. Ngoài bãi công của công nhân, còn có các cuộc đấu tranh của nông dân, tiểu thương, tiểu chủ, học sinh cũng diễn ra ở một số nơi…
Nhờ vậy, số lượng công nhân được kết nạp tăng lên rất nhanh. Năm 1927, thành phần công nhân mới chiếm tỷ lệ 5% trong tổng số hội viên của Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ, nhưng đến năm 1929, tỷ lệ này tăng lên 10%... Đến giữa năm 1929, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã bước đến giai đoạn hoàn thành sứ mệnh lịch sử: Truyền bá một cách rộng rãi chủ nghĩa Mác - Lênin và các luận điểm cách mạng giải phóng dân tộc của đồng chí Nguyễn Ái Quốc vào Việt Nam, tập hợp và đào tạo được một đội ngũ cán bộ cách mạng tạo nên bước nhảy vọt và sự chuyển hóa của phong trào công nhân và phong trào yêu nước, hướng vào quỹ đạo cách mạng vô sản.
Cuối tháng 3-1929, một số hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Kỳ họp tại số nhà 5D, phố Hàm Long (Hà Nội) đã lập ra Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, gồm 7 đảng viên (Trịnh Đình Cửu, Ngô Gia Tự, Trần Văn Cung, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Đức Cảnh, Dương Hạc Đính và Kim Tôn còn gọi là Nguyễn Tuân).
Tại Đại hội lần thứ nhất (đầu tháng 5-1929) của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên họp tại Hương Cảng (Trung Quốc), đoàn đại biểu Bắc Kỳ đặt vấn đề phải thành lập ngay Đảng Cộng sản để thay thế Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, song không được chấp nhận nên đoàn đã bỏ Đại hội về nước. Đến ngày 17-6-1929, đại biểu các tổ chức cơ sở cộng sản ở Bắc Kỳ họp Đại hội tại nhà số 312, phố Khâm Thiên (Hà Nội) quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng.
Tháng 8-1929, An Nam Cộng sản Đảng được thành lập.
Tháng 9 - 1929, những yếu nhân giác ngộ Cộng sản trong Đảng Tân Việt đã đứng ra thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
Như vậy, sự ra đời của 3 tổ chức Cộng sản là một xu thế khách quan của cuộc vận động giải phóng dân tộc ở Việt Nam theo con đường Cách mạng vô sản. Nhưng các tổ chức đó đều hoạt động riêng rẽ, tranh giành ảnh hưởng với nhau, làm cho phong trào cách mạng trong nước có nguy cơ dẫn đến sự chia rẽ lớn. Giữa lúc đó, Nguyễn Ái Quốc được tin Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phân liệt thành hai nhóm, mỗi nhóm tổ chức thành một tổ chức Đảng Cộng sản riêng. Người liền rời khỏi Xiêm sang Trung Quốc để thống nhất các tổ chức cộng sản.
NGUYỄN VĂN BIỂU, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
1.Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Nghệ An, 2004, tr.67.
Từ tháng 11-1926, bảy hội viên (Trần Phú, Nguyễn Ngọc Ba, Phan Trọng Quảng, Nguyễn Công Thu, Nguyễn Danh Thọ, Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Lợi) được Tổng bộ phái về nưốc xây dựng cơ sở.
2. Tuyên ngôn của Đại hội toàn quốc lần thứ nhất Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, dẫn theo: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 1, Nxn Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.98.
3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.279, 288, 289.