Hồi ức thiêng liêng ngày Quốc khánh 2/9/1945 của các chiến sĩ thành Hoàng Diệu
Gần 80 năm trôi qua, những ký ức về tháng Tám lịch sử và Quốc khánh 2/9/1945 vẫn mãi chói lọi trong tâm trí những người chiến sỹ thành Hoàng Diệu năm nào.
Lá cờ “Hồn nước”
Đồng chí Lê Đức Vân nay đã ngoài tuổi 90, là chứng nhân đã giương cao ngọn cờ cách mạng trong những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945. Những năm 1941-1942 ở trường Bưởi – Chu Văn An có hội Tu thân, anh thanh niên Đức Vân khi ấy là thành viên của hội và được người bạn học Vũ Oanh giác ngộ cách mạng (đồng chí Vũ Oanh sau trở thành Ủy viên Bộ Chính trị). Sau đó, ông được kết nạp vào đội Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu.
Từ những đóng góp tích cực của mình cho hoạt động cách mạng, ông Vân được cử đi học lớp dành cho Đảng viên mới do đồng chí Lê Quang Đạo trực tiếp đứng lớp ở quê nhà đồng chí Vũ Oanh (Cẩm Giàng, Hải Dương). Khi đó, ông được học nhiều nội dung, tư tưởng, công tác tuyên truyền, đấu tranh, trong đó có việc làm báo.
Khi học xong, ông Vân được giao nhiệm vụ phụ trách một tờ báo của thanh niên thành Hoàng Diệu lấy tên là Hồn Nước. 'Tòa soạn' khi đó, gồm 5 người, trong đó các đồng chí Lều Văn Hoán (tức Mai Luân), Nguyễn Kim Chi (tức Chi Hiền), Nguyễn Văn Cung (tức Trần Thư) và Nguyễn Hải Hùng.
Ông Vân phụ trách phần nội dung, tổ chức in ấn và phát hành, bao gồm giấy in, mực in và cả việc cơm nước cho anh em. Ngoài ông, các đồng chí khác hầu như không được rời khỏi nơi in báo để đảm bảo an toàn. Người đàn ông đã ở tuổi cửu thập này từng là người người mang lý tưởng cách mạng ra khỏi 'tòa soạn' đến rộng hơn với đồng bào.
Ông Vân cho biết: “Hồn Nước ra mỗi số 2 trang, mỗi số in khoảng 1 - 2 trăm tờ, có các bài xã luận, tin tức thời sự, thơ văn cách mạng tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Việt Minh, phản ánh hoạt động của Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu... Truyền rải đơn rồi người này truyền tay người kia chứ cũng không in được nhiều…”. Tuy vậy, truyền đơn, áp-phích và báo tiếp tục ra được các số tiếp theo và được chuyển đến các tổ Thanh niên cứu quốc.
Với năm số báo ra đời và được phát hành bí mật, báo Hồn Nước của Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu đã góp phần tuyên truyền chủ trương của Đảng và Mặt trận Việt Minh đến thanh niên; động viên, khích lệ đoàn viên xung kích trong các cuộc mít-tinh, diễn thuyết, trấn áp bọn phản động… Cách mạng thành công không thể không nhắc đến vai trò của tờ báo và công sức của những cán bộ như ông Vân.
Lấy đó làm niềm tự hào, sau ngày giành độc lập, ông Vân là một trong ba thanh niên danh dự được gặp Bác Hồ đúng dịp chuẩn bị cho ngày Quốc Khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Ký ức không phai
Giống như ông Vân, khi nhắc đến những ngày tháng 8 lịch sử ấy, nhạc sĩ Doãn Nho vẫn thổn thức như mới ngày hôm qua. Bởi khi đó, nhà của ông (làng Cót, nay là phố Hạ Yên Quyết, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội; xưa kia là ngoại thành Hà Nội) là cơ sở hoạt động cách mạng, nơi sinh hoạt bí mật của Đảng bộ ngoại thành mà chủ trì là đồng chí Vũ Oanh và là nơi qua lại họp bàn của nhiều cán bộ Việt Minh, trong đó có chính anh trai ông. Do đó, ông “nghiễm nhiên” trở thành một thành viên của Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu.
Là thành viên nhỏ tuổi nhất của đoàn nhưng cậu bé Doãn Nho khi ấy được sự tín nhiệm cao của đoàn. Ông được phân làm người liên lạc, bảo vệ cho cơ sở cách mạng. Thậm chí nhờ biết một chút về âm nhạc nên ông được đặc cách giao nhiệm vụ hướng dẫn các đội viên học hát, tuyên truyền, phổ biến những bài hát về cách mạng.
Ngày 2/9/1945 lịch sử, nhạc sĩ Doãn Nho dậy sớm cùng người làng và các bạn đi bộ vào nội thành. Trên đường, nhóm thiếu nhi cứu quốc của làng Cót còn đánh trống ếch và hát vang các bài hát “Tiến quân ca”, “Du kích ca”...
Nhạc sĩ Doãn Nho cho biết, giữa biển người tham dự cuộc mít-tinh, hai chiếc máy bay của Mỹ bay là là xung quanh Quảng trường Ba Đình. Người nhạc sĩ già nhớ lại, lúc ấy đồng bào ta mỗi người đều có một lá cờ trên tay, ngẩng cao đầu vẫy chào máy bay Mỹ với tâm thế là người dân của một đất nước độc lập.
Chi tiết hai máy bay Mỹ bay xung quanh Quảng trường Ba Đình cũng được thiếu tá Jean Sainteny (sau này trở thành đại diện cho Chính phủ Pháp tại Việt Nam) ghi lại trong cuốn hồi ký "Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ", xuất bản năm 1954 (NXB CAND, 2005, Lê Kim dịch): "Phái đoàn đại diện Mỹ cũng có mặt. Hai chiếc máy bay tiêm kích Mỹ Lightning bay lượn rất lâu trên đoàn người dự mít tinh ở độ thấp. Sự kiện này được cơ quan tuyên truyền của chính phủ mới cho rằng đây là biểu hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với Việt Minh".
Khi đó, cậu bé Doãn Nho và nhiều đồng bào khác mới biết chủ tịch Hồ Chí Minh chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Cả biển người lặng phắc ngay tại giây phút giọng Bác Hồ cất lên, cả biển người lặng phắc. Sau đó là sự vỡ òa khi Bác hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. "Hai chữ “đồng bào” khi ấy nghe thật gần gũi và thiêng liêng", nhạc sĩ Doãn Nho nói thêm. Trên đường về, cậu bé Nho mải mê xem những đoàn quân nhạc thổi kèn, đánh trống các bài hát mừng độc lập, mà va đầu vào cột điện, “đau nhớ đời”.
“Tôi luôn biết ơn vì lịch sử đã cho tôi trải qua cả những giây phút gian khổ lẫn vinh quang của đất nước. Từ nạn đói năm 1945 đến khi giành lại chính quyền, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay vào ngày 19/8 và đặc biệt là ngày 2/9/1945; hình ảnh Bác Hồ gần gũi, giản dị khi tuyên bố độc lập trên Quảng trường Ba Đình… Những hình ảnh ấy luôn sáng mãi trong tôi và mãi là những chất liệu quý cho những sáng tác của tôi”, nhạc sĩ Doãn Nho xúc động nói.
Về sau, ca khúc Ba Đình lịch sử được nhạc sĩ Doãn Nho hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 10 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Biển người, rừng cờ
Trong trí nhớ của ông Nguyễn Tiến Hà (tên thật là Nguyễn Hữu Tự, Phó Trưởng ban thường trực Ban liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu) những dòng người khi ấy tưởng như dòng nước chảy về quảng trường Ba Đình. Một khung cảnh hoành tráng mà ông chưa từng được nhìn thấy trước đó: biển người, rừng cờ. Bất ngờ hơn “biển người” được sắp xếp một cách có tổ chức thành từng hàng: Phụ lão, thanh niên, phụ nữ… hay hàng của các tỉnh khác. Phần vì ai cũng nóng lòng đi dự xem đất nước sẽ chuyển biến ra sao, phần vì muốn được tận mắt chứng kiến vị lãnh tụ của nhân dân bằng xương bằng thịt.
"Tôi ngỡ ngàng khi người bước lên kỳ đài là một ông cụ gầy gò, giản dị mặc bộ quần áo kaki đã cũ. Tôi nghĩ mà thương Bác – người suốt đời mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân…”, ông Hà cho biết.
Theo ông Hà, khi ấy Bác nói bằng giọng Nghệ Tĩnh nhưng rõ ràng, từng chữ một nên đồng bào rất dễ nghe. Đang đọc Bản Tuyên ngôn độc lập thì lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cất tiếng 'Tôi nói đồng bào nghe rõ không?'. Hàng triệu người đồng thanh hô “Có ạ, có ạ”, “Rõ ạ, rõ ạ…”.
“Giây phút ấy, mọi người xúc động lắm, bởi từ xưa đến nay, chưa bao giờ bọn thực dân hỏi người dân như vậy. Chúng luôn ra lệnh, quát tháo. Còn khi nhìn thấy vua quan thời phong kiến là phải cúi đầu, không được nhìn. Nếu không sẽ bị coi là khi quân, phạm thượng. Còn hiện tại chúng tôi được nhìn tận mắt vị lãnh tụ của mình. Sự gần gũi ấy khiến tôi ngỡ chủ tịch Hồ Chí Minh là người trong gia đình…”.
Buổi chiều đó còn vang mãi những lời thề độc lập. Những lời ấy còn lắng đọng mãi trong tâm trí người chiến sĩ thành Hoàng Diệu năm ấy. Chúng là hành trang cho đồng bào bước vào hai cuộc kháng chiến gian nan sắp tới.
Sau thời khắc lịch sử ấy, người dân được sống trong tâm thế của một công dân nước độc lập. “Sau 2/9, nhân dân rất tự hào, đặc biệt là thanh niên. Vì đây là một cuộc đổi đời của dân tộc, đất nước sang một trang mới không còn là một nước nô lệ nữa mà là một nước tự do, dân chủ. Người dân tự hào lắm…”.
Sau 79 năm, những bài học từ Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 vẫn vẹn nguyên giá trị. Đó là tinh thần yêu nước và ý chí quyết tâm sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Ý chí kiên cường ấy vẫn tiếp tục được thế hệ trẻ Thủ đô gìn giữ và phát huy.