Hồi ức lắm vinh quang, nhiều thách thức của Hồng Sơn 'Công Chúa'

Hồi ký 'Hồng Sơn 'Công Chúa' - Quái kiệt sân cỏ trong màu áo lính' kể chuyện đời, chuyện nghề của cầu thủ vàng làng bóng đá Việt Nam.

Tại sự kiện ra mắt sách chiều ngày 9/10, Hồng Sơn cho biết hồi ký này đã được anh và nhà báo Bảo Thắng - người chấp bút cuốn sách - ấp ủ từ 7 năm trước. Ban đầu hồi ký dự kiến xuất bản vào năm 2020 nhân cột mốc tuổi 50 của Hồng Sơn, nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều kế hoạch thay đổi.

Năm nay, đúng ngày sinh nhật thứ 54 của Hồng Sơn, bạn bè quân ngũ, sân cỏ lẫn những anh tài trong show Anh trai vượt ngàn chông gai đã đến chúc mừng danh thủ nhân dịp ra mắt cuốn sách mà theo lời anh là "thuật lại cuộc đời, chặng đường sự nghiệp của tôi lúc 10 tuổi đến nay".

 Cầu thủ Hồng Sơn.

Cầu thủ Hồng Sơn.

Quái kiệt mang màu áo lính

Nhà báo Bảo Thắng kể để có được những mẩu chuyện chân thực, sinh động trong cuốn sách là vô kể dịp... ngồi trên bàn nhậu, đi cà phê với Hồng Sơn. "Nhiều chuyện tôi không tự nhiên nhớ, mà có người hỏi, nhắc lại thì ký ức mới ùa về", Hồng Sơn trả lời báo chí.

Trong sách, anh tâm tình về tuổi thơ mê thích bóng đá nhưng ban đầu chịu sự phản đối của gia đình, vốn có truyền thống làm công chức và nghệ thuật. Nhưng dường như anh biết đá bóng từ trong bụng mẹ: "Ở những tháng cuối thai kỳ, tôi quẫy đạp ghê lắm" - Hồng Sơn nói trong hồi ký.

10 tuổi, vượt qua kì thi tuyển gay gắt chọn lứa năng khiếu nghiệp dư, Hồng Sơn bắt đầu bén duyên với Thể Công. Phần 1 Thuở ấu thơ và Những bước chập chững vào nghề và Phần 2 Những năm tháng vinh quang và cay đắng trong hồi ký tập trung khai thác hình ảnh của Hồng Sơn trong màu áo Thể Công. Thời kỳ tham gia đội bóng áo lính cũng chính là giai đoạn hoàng kim trong sự nghiệp của anh.

Với lối chơi kỹ thuật, sáng tạo và đầy bản lĩnh, Hồng Sơn đã góp phần đưa Thể Công lên đỉnh cao của bóng đá Việt Nam. Những lần khoác áo đội tuyển Việt Nam, Hồng Sơn cũng ghi được nhiều thành tích ấn tượng, tiêu biểu là danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất châu Á vào tháng 8/1998.

 Hồi ký "Hồng Sơn "Công Chúa" - Quái kiệt sân cỏ trong màu áo lính". Ảnh: THB.

Hồi ký "Hồng Sơn "Công Chúa" - Quái kiệt sân cỏ trong màu áo lính". Ảnh: THB.

Nhưng sau những hào quang ấy cũng là không ít thách thức, khó khăn. Hồng Sơn nhiều lần dính chấn thương mức độ nặng, nhẹ khác nhau, trong đó 4 lần phải mổ ở trong lẫn ngoài nước. Điều ấy đã không làm danh thủ gục ngã, mà sau những chấn thương kinh hoàng nhất, ngay trong trận trở lại, Hồng Sơn lại lập tức tỏa sáng.

Danh thủ vẫn còn nhớ rõ bàn thắng đầu tiên trong sự nghiệp, ngay trong trận ra sân với Thể Công gặp Công An Thanh Hóa, và cũng đường hoàng tự tin trả lời trước câu hỏi về "thẻ đỏ đầu tiên": "Tôi chưa từng nhận thẻ đỏ nào".

Trong hồi ký, danh thủ cũng hồi tưởng lại những ký ức không vui với truyền thông, với những chuyện hậu trường sân cỏ. Song hôm nay nhìn lại, Hồng Sơn chọn nhớ nhiều hơn đến những phóng viên, cơ quan báo đài đã đồng hành cùng anh nhiều năm nay.

Có nhà báo, bình luận viên đã gọi lứa cầu thủ của Hồng Sơn, Huỳnh Đức là "thế hệ cầu thủ vàng nhưng không có huy chương vàng", từ đó khẳng định: có danh hiệu được tính bằng thành tích, nhưng có những danh hiệu chỉ có thể đo bằng sự yêu mến của người hâm mộ.

Biệt danh "công chúa" của danh thủ chỉn chu

Có mặt tại buổi ra mắt hồi ký, mẹ Hồng Sơn kể "Con trai tôi điệu lắm". Danh thủ cũng thừa nhận mình là người chỉn chu đầu tóc, quần áo, do đó mà biệt danh "công chúa" theo anh mãi về sau kể từ một lần mặc thử váy con gái ngày bé.

Hồi ký khắc họa mối quan hệ của Hồng Sơn với gia đình mình, trong đó anh nhắc đến mẹ như người "có ảnh hưởng nhất trong cuộc đời mình", và người vợ kém 11 tuổi "đã hy sinh quá nhiều" cho anh và các con.

"Cá tính là một phần nhưng môi trường cũng rất quan trọng", Hồng Sơn chia sẻ tại buổi ra mắt sách khi nói về gia đình phố cổ gia giáo của mình và kỷ cương quân đội đã hun đúc anh trở thành cầu thủ tài ba, kiên cường, thần tượng của biết bao thế hệ người hâm mộ.

Sách gồm một phần ghi chép lại tâm sự của mẹ Hồng Sơn, người đã ở bên đồng hành cùng anh trong suốt chặng đường sự nghiệp thăng trầm. Với tấm lòng của một người mẹ, bà không khỏi xót xa cho những thiệt thòi, ấm ức mà con trai phải chịu.

Nói về cuốn sách, Hồng Sơn cho hay: "Tôi thế nào, thì cuốn sách đúng như thế ấy". Anh không đưa vào những chi tiết giật gân, không tham vọng cuốn sách có được thành tích mà chỉ mong ghi lại những kỷ niệm vui buồn trong suốt cuộc đời gắn liền với trái bóng của mình. Những câu chuyện gần gũi trong sách ghép lại thành hồi ức kéo dài hàng chục năm và phản ánh một thời đoạn đặc biệt của lịch sử bóng đá Việt Nam.

Phong Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/hoi-uc-lam-vinh-quang-nhieu-thach-thuc-cua-hong-son-cong-chua-post1503063.html
Zalo