Hội thi 'Ngân hàng xanh cho cuộc sống xanh': Khởi động một phong trào chung rộng khắp toàn ngành Ngân hàng
Trong hai ngày 13-14/11/2024, Hội thi 'Ngân hàng xanh cho cuộc sống xanh' sẽ được Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô, Hà Nội. Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam Đào Minh Tú kỳ vọng tiếp nối những thành quả triển khai tín dụng xanh, ngân hàng xanh những năm qua, Hội thi sẽ tạo nên một phong trào chung rộng khắp trong toàn ngành Ngân hàng và từ đó mỗi đơn vị sẽ có chương trình hành động đột phá riêng trong việc phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh, đóng góp mạnh mẽ hơn vào hành trình phát triển kinh tế xanh của Việt Nam.
Chủ động đi đầu thúc đẩy tăng trưởng xanh
Những năm gần đây, thuật ngữ về tăng trưởng xanh, ngân hàng xanh, kinh tế xanh đang là những vấn đề rất được xã hội và mỗi người quan tâm. Đây cũng là trọng tâm được Đảng, Chính phủ và các cấp, các ngành tập trung triển khai bằng những chiến lược, chương trình hành động và kế hoạch cụ thể.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, nhận thức rõ vai trò rất quan trọng của nguồn vốn tín dụng ngân hàng trong việc định hướng hoạt động sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh, NHNN đã sớm có biện pháp, chương trình cụ thể, từ việc định hướng hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh thông qua các Chiến lược phát triển của Ngành, Đề án phát triển ngân hàng xanh Việt Nam, Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD, Kế hoạch hành động vì sự phát triển bền vững… cho đến việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng những nội dung quy trình cụ thể để cho các NHTM triển khai các nội dung đặc biệt trong việc tài trợ vốn cho các dự án chương trình xanh của nền kinh tế phù hợp với mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh và các cam kết của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế.
Đặc biệt, NHNN chú trọng nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, nhân viên trong Ngành, nhất là những bộ phận trực tiếp liên quan đến các hoạt động tín dụng xanh; tăng cường nhận thức, trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, giúp các TCTD xây dựng và triển khai chiến lược, kế hoạch kinh doanh theo hướng bền vững.
NHNN đã phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng danh mục các ngành, lĩnh vực xanh, sổ tay hướng dẫn để TCTD cho vay, thực hành ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị); tích cực tham gia làm thành viên của nhiều diễn đàn tài chính quốc tế, đóng góp nhiều sáng kiến về ngân hàng xanh trên cơ sở thực tế triển khai của Việt Nam…
Với những nỗ lực đó, NHNN được đánh giá là một trong những bộ, ngành chủ động và có nhiều giải pháp tích cực để thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Hoạt động tín dụng xanh của ngành Ngân hàng trong thời gian qua ghi nhận rất nhiều tích cực, từ con số 15 TCTD cấp tín dụng xanh năm 2017, đến nay đã có 50 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh. Dư nợ tín dụng xanh đến nay đạt trên 665.000 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2023; tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân giai đoạn 2017-2024 là 22%/năm; dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội chiếm khoảng 23% tổng dư nợ nền kinh tế. Nhiều TCTD đã xây dựng các gói, chương trình tín dụng xanh, huy động nguồn lực xanh (trái phiếu xanh); đã chủ động hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế để nhận các hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ tài chính tài trợ cho các dự án mang lại lợi ích về môi trường.
“Những kết quả này cho thấy việc nhận thức, hành động và quá trình triển khai thực hiện của ngành Ngân hàng là rất tích cực, đáp ứng được mục tiêu và yêu cầu đặt ra một cách hết sức cấp bách, trước hết là của Chính phủ, sau là của ngành Ngân hàng về tập trung nguồn lực cho kinh tế xanh. Và cũng có thể thấy được các TCTD đang rất tích cực, chủ động triển khai tín dụng xanh, ngân hàng xanh, bởi đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để chúng ta theo kịp, đáp ứng những yêu cầu, mục tiêu đã cam kết với quốc tế trong vấn đề bảo vệ môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính cũng như đảm bảo được những chỉ tiêu của một nền kinh tế xanh”, Phó Thống đốc cho biết.
Hội thi “Ngân hàng xanh cho cuộc sống xanh” là hoạt động thiết thực chào mừng 95 năm thành lập Công đoàn Việt Nam và những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước trong năm 2025. Đây cũng là hoạt động đầu tiên trong Chương trình hành động toàn khóa của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028, hiện thực hóa chủ trương gắn hoạt động công đoàn với nhiệm vụ chuyên môn.
Xây dựng phong trào toàn Ngành để tăng tốc
“Phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh vẫn là một nhiệm vụ rất trọng tâm của ngành Ngân hàng trong thời gian tới”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định và cho biết, Thống đốc và Ban lãnh đạo NHNN đã chỉ đạo một cách rất toàn diện, xây dựng một chiến lược, chương trình hành động riêng cho ngành Ngân hàng; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý; chỉ đạo các NHTM xác định rõ các phạm vi đối tượng danh mục để đầu tư tín dụng xanh cho trúng, hiệu quả, đáp ứng được những chỉ tiêu mà Chiến lược, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh của Chính phủ đã đặt ra.
“Trong đó, có một nhiệm vụ rất quan trọng chính là làm cho cán bộ ngân hàng, nhất là những người đang trực tiếp cho vay, nghiên cứu và đánh giá các dự án xanh hiểu được một cách đầy đủ về nội hàm, vai trò của tín dụng xanh, ngân hàng xanh cũng như tính cấp bách trong việc nâng cao chất lượng tín dụng đầu tư cho các dự án, các chương trình kinh tế xanh hiện nay”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Cũng từ việc xác định rõ phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh là một nhiệm vụ quan trọng, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã lấy nội dung “Ngân hàng xanh cho cuộc sống xanh” là một trong những chủ đề sinh hoạt, hoạt động công đoàn. Đây cũng là lần đầu tiên Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức một hội thi chuyên môn trên phạm vi toàn Ngành. Đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thi, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, Hội thi đã thể hiện được sự quyết tâm của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam trong việc thực hiện chủ trương gắn bó chặt chẽ hoạt động công đoàn với hoạt động chuyên môn, lấy các nội hàm, nội dung của chuyên môn làm các chủ đề sinh hoạt của tổ chức công đoàn.
Theo Phó Thống đốc, tín dụng xanh, ngân hàng xanh đều là nội dung rất thời sự, rất cần được hiểu biết một cách đầy đủ hơn, nhận thức một cách rõ ràng hơn, có tính chất nội hàm hơn những thuật ngữ về ngân hàng xanh và tín dụng xanh, những nhiệm vụ cần phải triển khai thời gian tới trong ngành Ngân hàng nói chung cũng như trong các đơn vị của NHNN và NHTM nói riêng.
“Chính vì thế, tôi cho rằng chủ đề và phương thức tổ chức cuộc thi này là hết sức thiết thực và có ý nghĩa. Hội thi là diễn đàn cho tất cả cán bộ, người lao động của ngành Ngân hàng, bao gồm các NHTM chưa tham gia Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, cùng tham gia nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức, hiểu biết về tín dụng xanh cũng như gắn thêm trách nhiệm của các cấp lãnh đạo NHTM và các đơn vị của NHNN trong việc thực hiện các chiến lược về ngân hàng xanh, tín dụng xanh trong ngành Ngân hàng thời gian tới”, Phó Thống đốc cho biết.
Mặc dù đây là lần thứ nhất Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức một sân chơi chung cho toàn hệ thống về hoạt động chuyên môn, nhưng với việc giao cho BIDV là một đơn vị có kinh nghiệm tổ chức những cuộc thi tương đồng đăng cai, cùng với sự cố gắng của Ban tổ chức và sự nhiệt tình của 22 đơn vị tham gia và việc tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ và có trách nhiệm, Phó Thống đốc tin chắc rằng, Hội thi sẽ đem đến những hiệu quả tích cực, đạt được những mục tiêu đặt ra cũng như trở thành một sân chơi chung, vừa giao lưu, bổ ích, vừa trang bị thêm những kiến thức cho cán bộ, nhất là các cán bộ nghiệp vụ, các bạn trẻ trong ngành Ngân hàng. Đồng thời, đây cũng là môi trường để các NHTM, các công đoàn ngân hàng trong toàn Ngành có điều kiện giao lưu, học hỏi, chia sẻ, gắn bó cùng với nhau để có thêm nhiều thông tin, điều kiện hiểu biết hơn về tăng trưởng xanh, tín dụng xanh.
Phó Thống đốc cũng đặt niềm tin thông qua Hội thi sẽ tạo ra phong trào thi đua phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh chung trong toàn ngành Ngân hàng, từ đó mỗi đơn vị sẽ có chương trình hành động riêng của mình để nỗ lực cống hiến cho đất nước, cho ngành Ngân hàng trên con đường phát triển xanh.