Hội thi Cờ Tư lệnh khiến các bạn nhỏ thích mê vì luật chơi mới lạ
Hội thi Cờ Tư lệnh lần thứ 12 quy tụ hơn 60 người tham gia thi đấu, trong đó có các bạn nhỏ tới từ các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn Hà Nội.
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Hội thi Cờ Tư lệnh lần thứ 12 đã chính thức diễn ra, do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp cùng Liên đoàn cờ Việt Nam, tác giả trò chơi - đại tá Nguyễn Quý Hải cùng 2 đơn vị đồng hành Everjoy Publishing và Comicola tổ chức.
Đây là sự kiện mang nét đặc trưng và biểu tượng của thể thao quân sự Việt Nam được tổ chức thường niên từ năm 2014. Hội thi năm nay thu hút hơn 60 kỳ thủ tham gia, trong đó có học sinh tới từ các trường Tiểu học, THCS tại Hà Nội.
Các kỳ thủ được chia thành các bảng đấu theo trình độ, thi đấu vòng tròn cho tới khi tìm thấy người chiến thắng. Chỉ khoảng 1 phút sau khi trận đấu bắt đầu, đã có tiếng hô chiến thắng. Tuy nhiên, cũng có những hiểu lầm do "kỳ thủ nhí" chỉ mới tập chơi Cờ Tư lệnh nên chưa nắm rõ luật.
Ở khu vực của các "tân binh", trọng tài luôn có mặt, hỗ trợ ngay lập tức cho các bạn nhỏ trong việc giải thích luật chơi, đảm bảo trận đấu diễn ra hợp lệ, công bằng.
Cờ Tư Lệnh là môn thể thao trí tuệ, được sáng tạo bởi Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Quý Hải (92 tuổi), người từng tham gia chiến đấu tại Mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954 và Quảng Trị năm 1972, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Quân đội. Theo ông, Cờ Tư lệnh mang nét đặc trưng và biểu tượng của thể thao quân sự Việt Nam, được chỉ huy bởi tư lệnh và các quân, binh chủng sát với thực tiễn chiến đấu của Quân đội ta. Do vậy, đòi hỏi các kỳ thủ thi đấu trên cương vị tư lệnh, chỉ huy chiến đấu phải giỏi cả về quân sự, chính trị.
Bàn cờ của Cờ tư lệnh có biển cả, bầu trời gắn với địa lý thiên nhiên của đất nước. Mỗi bàn cờ có 38 quân, chia đều cho hai bên gồm 19 quân xanh và 19 quân đỏ. Trong đó, mỗi bên có 11 loại quân thuộc các binh chủng bộ binh, xe tăng, máy bay, tàu chiến, dân quân... Trong số 19 quân, có hai quân tượng trưng cho sở chỉ huy, chỉ đứng tại chỗ, không được đi và "ăn" quân của đối phương”.