Hội thảo 'Vua lửa Huyền thoại và hiện thực giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích Plei Ơi'

Ngày 28/3 tại huyện Phú Thiện, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội tổ chức Hội thảo Khoa học về di tích lịch sử Quốc gia Plei Ơi với chủ đề 'Vua lửa Huyền thoại và hiện thực giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích Plei Ơi'

Chủ trì hội thảo Phó giáo sư, Tiến sĩ Chu Văn Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch.

Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo tỉnh Gia Lai cùng 40 học giả, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, Bảo tàng Việt Nam; ông Siu Phơ - phụ tá đời của Vua Lửa cuối cùng (đời thứ 14) và đại diện cho cộng đồng người Gia Rai sinh sống ở Plei Ơi.

Quang cảnh Hội thảo “Vua lửa Huyền thoại và hiện thực giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích Plei Ơi”.

Quang cảnh Hội thảo “Vua lửa Huyền thoại và hiện thực giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích Plei Ơi”.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch gủi lời cảm ơn các nhà khoa học đến từ nhiều nơi trên đất nước đã quan tâm về dự và thông qua 39 bài viết, công trình nghiên cứu tham gia để làm sáng tỏ thêm về hiện tượng Vua Lửa - huyền thoại và hiện thực. Đồng thời mong muốn các nhà khoa học sẽ giới thiệu kết quả nghiên cứu, đưa ra những nhận định, đánh giá mới về vai trò, vị trí của Vua Lửa và việc thực hành nghi lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui. Từ đó, nêu bật những giá trị của di tích, của nghi lễ trong quá khứ và hiện tại; đề xuất giải pháp nhằm tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích lịch sử quốc gia Plei Ơi trong thời gian tới, góp phần phát triển du lịch cho địa phương.

Đại biểu tham quan Triển lãm một số hình ảnh về các nghi thức trong Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui Phụ tá đời Vua Lửa thứ 14 thực hiện Nghi Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui.

Đại biểu tham quan Triển lãm một số hình ảnh về các nghi thức trong Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui Phụ tá đời Vua Lửa thứ 14 thực hiện Nghi Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui.

Cũng tại hội thảo, để làm rõ hiện tượng “Vua Lửa - huyền thoại và hiện thực”, PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử - Hội Khảo cổ học đã trình bày tham luận công phu, tiếp cận vấn đề dưới góc nhìn khảo cổ học về “Cơ tầng địa - khảo cổ của hiện tượng văn hóa - tín ngưỡng Pơtao Apui ở Gia Lai”. TS Phạm Thị Thủy Chung - Viện Nghiên cứu Tôn giáo lãm rõ hiện tượng Vua Lửa qua tham luận “Thần lửa trong các tôn giáo châu Á và huyền thoại Vua lửa ở Tây Nguyên”. PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sử học Việt Nam “Thủy xá, Hỏa xá - lịch sử hình thành và quan hệ với các triều đại phong kiến Việt Nam”.

Về các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích, TS. Bùi Minh Đạo - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Kim Vân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Gia Lai góp bàn một số đóng góp lịch sử văn hóa của Vua lửa Pơtao Apui và kiến nghị bảo tồn, phát huy di tích làng Plei Ơi ở huyện Phú Thiện. Ngoài ra, ở góc độ địa phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai Trần Ngọc Nhung tham gia một số ý kiến về “Di tích Plei Ơi - Mấy vấn đề về quản lý” điều chỉnh diện tích, kinh phí bố trí để tôn tạo, nghiên cứu, nâng cấp địa điểm này thành di tích lịch sử-văn hóa quốc gia đặc biệt …

Quang cảnh Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui.

Quang cảnh Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui.

Bên cạnh đó, các đại biểu có nhiều ý kiến trao đổi để làm rõ hiện tượng Vua Lửa, giá trị và ý nghĩa của hiện tượng này, việc thực hành nghi lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui, hướng tiếp cận và nghiên cứu sâu trong thời gian tới, đồng thời tham vấn cho địa phương một số hướng đi để nâng tầm và phát huy giá trị của di tích Plei Ơi.

Phụ tá đời Vua Lửa thứ 14 thực hiện Nghi Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui.

Phụ tá đời Vua Lửa thứ 14 thực hiện Nghi Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui.

Trong khuôn khổ hội thảo, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển lãm những hình ảnh thú vị về các nghi thức trong lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui; chân dung một số đời Vua Lửa, ông Rơlan Hieo - phụ tá đời Vua Lửa cuối cùng. Ngoài ra, triển lãm cũng giới thiệu toàn cảnh khu di tịch lịch sử - văn hóa quốc gia Plei Ơi, khu nhà mồ Plei Ơi, cảnh quan thiên nhiên Phú Thiện…

Giới thiệu các mặt hàng OCOP và sản vật địa phương.

Giới thiệu các mặt hàng OCOP và sản vật địa phương.

Trước đó, ngày 27/3 tại Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) UBND huyện Phú Thiện đã tổ chức Lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui. Nghi lễ được ông Siu Phơ (phụ tá đời Vua Lửa thứ 14) cùng hội đồng già làng, nghệ nhân phụ trợ thực hiện với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mong cho dân làng có khỏe mạnh, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc…Sự kiện gồm nhiều hoạt động hấp dẫn và đặc sắc thu hút du khách như: trình diễn cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, chế tác nhạc cụ dân tộc,phiên chợ nông sản đi cà kheo, bắn nỏ, đẩy gậy...Đặc biệt còn có giải chạy bộ “Theo bước chân Vua Lửa”.

Các sự kiện trên góp phần thu hút đầu tư hợp tác, liên kết giữa huyện Phú Thiện với các địa phương khác, tạo tiền đề xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng. Đây cũng là cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui, tôn vinh bản sắc văn hóa của các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Phú Thiện. Ngoài ra, sự kiện này còn là hoạt động chào mừng 18 năm Ngày thành lập huyện Phú Thiện (30/3/2007-30/3/2025).

Phương Trần

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/hoi-thao-vua-lua-huyen-thoai-va-hien-thuc-giai-phap-bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-tich-plei-oi-97481.html
Zalo