Hội thảo về khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm không dám làm

Ngày 14-9, Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo khoa học cấp cơ sở với chủ đề 'Cán bộ, đảng viên tiếp tục thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm không dám làm'.

Tiến sĩ Chu Văn Hưởng - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang phát biểu tại hội thảo.

Tiến sĩ Chu Văn Hưởng - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang phát biểu tại hội thảo.

Tiến sĩ Chu Văn Hưởng - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang cho biết hội thảo có khoảng 150 đại biểu là lãnh đạo, giảng viên, học viên Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang tham dự. Hội thảo nhận được 12 bài tham luận và nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp, thảo luận về các khía cạnh khác nhau của chủ đề hội thảo “Cán bộ, đảng viên tiếp tục thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm không dám làm”.

Các tham luận tại hội thảo xoay quanh 3 nội dung: Quan điểm, chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, Nhà nước về trách nhiệm nêu gương; cán bộ phát huy tính nêu gương trong nói và làm; nêu gương giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Tham luận tại hội thảo cho biết nêu gương hay làm gương là làm mẫu, là tạo ra một chuẩn mực cho người khác học và làm theo. Làm gương và nêu gương là cách mà con người xã hội hóa nhân cách cá nhân theo một chuẩn mực nhất định, để người khác học tập, thực hành và làm theo… Vì vậy, làm gương và nêu gương, trước hết là một phạm trù của giáo dục, của lãnh đạo. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đề cao sự cần thiết và vai trò của việc nêu gương đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Nêu gương được coi là một trong những cách thức quan trọng để cán bộ, đảng viên phát huy trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân.

Hội thảo thu hút giảng viên, học viên tham dự.

Hội thảo thu hút giảng viên, học viên tham dự.

Tham luận cũng nêu nếu quy định pháp luật về khuyến khích, bảo vệ cán bộ là “yếu tố bên ngoài”, thì “yếu tố bên trong” thúc đẩy cán bộ dám làm là những phẩm chất cá nhân của bản thân họ; trong đó dũng cảm và chí công vô tư là những phẩm chất đặc biệt quan trọng thúc đẩy họ vượt ra khỏi “vùng an toàn”, dám đột phá vì lợi ích chung. Chính vì vậy, cần quan tâm các biện pháp rèn luyện, nâng cao đạo đức công vụ ở cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu…

Tin và ảnh: THU OANH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/xay-dung-dang/hoi-thao-ve-khac-phuc-tinh-trang-so-trach-nhiem-khong-dam-lam-22234.html
Zalo