Hội thảo về đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Sáng 27.11, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 22 Hùng Vương, Hà Nội, Ban Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp Bộ 'Tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật' phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo 'Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Một số vấn đề lý luận và kiến nghị'.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành - Chủ nhiệm Đề tài và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành phát biểu

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nêu rõ, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống pháp luật Việt Nam không ngừng được hoàn thiện, cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020 là cơ sở pháp lý quan trọng tạo sự chuyển biến trong hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính khả thi, phúc đáp yêu cầu của thực tiễn.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng chỉ rõ, so với yêu cầu phát triển đất nước, hệ thống pháp luật vẫn còn một số quy định chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi; tính ổn định và khả năng dự báo chưa cao; chưa thích ứng và theo kịp sự thay đổi nhanh chóng dưới tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu

Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng thể hiện mạnh mẽ tinh thần chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, trong đó thẳng thắn chỉ ra trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Từ đó, đặt ra yêu cầu cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó cần đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật.

Tại Kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội cũng đã có chỉ đạo về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, trong đó, đề nghị các cơ quan được giao trách nhiệm soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cần triển khai thực hiện ngay các giải pháp đổi mới, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội,

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi 3 hội thảo nhằm triển khai hoạt động nghiên cứu của Đề tài. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao nhất.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những vấn đề lý luận chung về văn bản quy phạm pháp luật; các yêu cầu đặt ra nhằm đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở Trung ương và địa phương; các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật. Từ đó, đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo các đại biểu, xây dựng pháp luật là một hoạt động cơ bản của Nhà nước nhằm thực thi quyền lực Nhà nước, phản ánh ý chí và bảo vệ lợi ích của Nhân dân. Chất lượng xây dựng pháp luật ảnh hưởng sâu sắc đến hiệu lực và hiệu quả thực thi pháp luật, cũng như đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Các đại biểu dự hội thảo

Các đại biểu dự hội thảo

Để nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật nhằm phòng, chống lãng phí, các đại biểu cho rằng, cần xác định “bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng pháp luật” là một nguyên tắc quyết định. Bên cạnh đó, đổi mới nhận thức về bản chất, vai trò, chức năng của pháp luật, xác định mục đích xây dựng luật chủ yếu là kiến tạo phát triển. Quy trình xây dựng pháp luật cần được hoàn thiện theo hướng tăng cường trách nhiệm của từng cơ quan và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan; phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học tham gia xây dựng pháp luật.

Cũng có ý kiến đề xuất, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia xây dựng pháp luật; xác định lại tên gọi của một số văn bản và xác định thứ bậc hiệu lực của văn bản làm căn cứ áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hoi-thao-ve-doi-moi-quy-trinh-xay-dung-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-post397590.html
Zalo