Hội thảo về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Đồng Nai
Sáng ngày 24/12/2024, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Hội thảo về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai.
Hội thảo có sự góp mặt của đông đảo đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, luật sư, luật gia và cán bộ tham mưu thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai; đại diện một số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; đại diện Ban giám hiệu, sinh viên của các trường Đại học và một số cơ quan báo, đài trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, ở Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98% trong tổng số gần 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế trong đó, tại Đồng Nai có 53.747 doanh nghiệp, hơn 60% là doanh nghiệp siêu nhỏ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.
Tuy nhiên quy mô bé, nguồn lực hạn chế, chưa quan tâm đến vấn đề pháp lý và cán bộ pháp chế dẫn đến thường gặp những rủi ro pháp lý. Đảng và Nhà nước đã có thể chế hành lang pháp lý bảo vệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó Nghị quyết số 41-NQ/TW; Nghị quyết 66/NQ-CP; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nghị số 55/2019/NĐ-CP. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, từ đó công tác hỗ trợ pháp lý đạt được hiểu quả, phát triển bền vững.
Với sự định hướng của bà Ngô Quỳnh Hoa, Hội thảo đã trao đổi, thảo luận và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; vi phạm trên môi trường mạng và xử lý vi phạm hành chính; vai trò của doanh nghiệp tronh góp ý, phản biện chính sách.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Hương, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai cho biết, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được thực hiện đầy đủ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Các doanh nghiệp được giới thiệu, tập huấn kịp thời các chế độ, chính sách pháp luật, góp phần hỗ trợ pháp lý, hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Về phía đại diện Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai, Ông Nguyễn Duy Khương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đã trình bày về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thường gặp phải trong xử phạt vi phạm hành chính, khó khăn trong việc xác định vi phạm và áp dụng hình phạt, các thủ tục và quy trình thực thi chưa được hướng dẫn chi tiết và đồng bộ, dẫn đến sự lúng túng trong việc thực hiện.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã trao đổi về các quy định pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trên môi trường mạng. Từ đó đưa ra những tình huống cụ thể để trao đổi, thảo luận, giải đáp từ thực tế của các doanh nghiệp.
Kết luận tại Hội thảo, bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã tiếp thu những ý kiến thảo luận, chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn của các đại biểu tham dự, từ đó thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước, các tổ chức đại diện doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân liên quan khác đều có trách nhiệm đồng hành cùng nhau, thực hiện đúng, đủ các trách nhiệm nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức đã được giao trong Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 26/4/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cuối cùng, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp hy vọng rằng những Nghị quyết của Đảng về phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong thời kỳ mới sẽ được hiện thực hóa trong cuộc sống và góp phần tạo điều kiện, hành lang pháp lý cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.