Hội thảo về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững

Sáng 1/11, tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo khu vực đồng bằng sông Hồng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Dự hội thảo có ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh; đại diện các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng; chuyên gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Quảng Ninh.

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận nội dung về: Chỉ số xanh cấp tỉnh; nâng cao chất lượng quản trị môi trường hướng tới phát triển bền vững; môi trường kinh doanh khu vực đồng bằng sông Hồng và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường khu vực; thực tiễn dịch chuyển kinh tế ở địa phương vùng đồng bằng sông Hồng; thúc đẩy kinh doanh thân thiện với môi trường và gợi ý cho khu vực đồng bằng sông Hồng; bảo đảm hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường trong duy trì và phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế; thu hút đầu tư có chọn lọc, kinh nghiệm và bài học thực tiễn; giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng đến nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Theo đánh giá của lãnh đạo VCCI: Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, động lực phát triển hàng đầu, có vai trò dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước để tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững. Theo kết quả đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) những năm gần đây, chất lượng điều hành kinh tế có xu hướng cải thiện, được doanh nghiệp đánh giá cao về sự năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền. Một số chỉ tiêu về tính năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền và chất lượng lao động đứng đầu cả nước. Cải cách hành chính liên tục đứng đầu các vùng trong 3 năm gần đây. Cùng với đó, điểm số Chỉ số xanh (PGI) của khu vực Đồng bằng sông Hồng đứng thứ 2/6 khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số những tồn tại nhất định, như: Thời gian giải quyết hồ sơ đất đai còn dài hơn thời hạn văn bản được niêm yết hoặc văn bản quy định; quy trình thủ tục giải quyết hồ sơ đất đai không đúng với nội dung được niêm yết; cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ; giá đất không đúng với nội dung được niêm yết hoặc văn bản quy định; các thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất mất rất nhiều thời gian; thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện vẫn đang là rào cản. Tình trạng doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường tại địa phương là phổ biến: 61%...

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 4/5/2024) nêu rõ: Mục tiêu phát triển đến năm 2030 trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; có nền công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hiện đại, thân thiện với môi trường; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước. Đồng thời là trung tâm giáo dục, đào tạo nhân[T1] lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng, hội nhập quốc tế hiệu quả; phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng có công nghiệp hiện đại, tiệm cận mức thu nhập cao...

Phát biểu kết luận tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Để đạt mục tiêu trên, đề nghị các địa phương tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Tiếp tục nỗ lực xây dựng chính quyền địa phương thân thiện với người dân và doanh nghiệp, cải thiện hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực phản ứng và chất lượng thực thi chính sách, pháp luật, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh thuộc thẩm quyền.

Đoàn đại biểu tỉnh Hà Nam dự hội thảo.

Đoàn đại biểu tỉnh Hà Nam dự hội thảo.

Thực hiện Luật Đất đai 2024 và các nghị định hướng dẫn một cách hiệu quả, theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện công khai cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình phê duyệt giá đất, tạo tiền đề thực hiện các thủ tục hành chính liên quan, giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung giải quyết những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, đó là tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường… Chú trọng đào tạo lao động có kỹ năng chuyên môn kỹ thuật cao, để từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động trong nước; chuyển từ lợi thế cạnh tranh nguồn nhân công giá rẻ sang lực lượng lao động có trình độ cao trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào Việt Nam. Đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực, thực hiện thủ tục hành chính, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp …, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Phát huy vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp trong việc xây dựng, triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Minh Thu- Hà Trang

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/hoi-thao-ve-cai-thien-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-huong-toi-nen-kinh-te-xanh-va-phat-trien-ben-vung-139936.html
Zalo