Hội thảo khoa học 'Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Những phát triển mới, cơ hội và thách thức'

Hội thảo khoa học 'Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Những phát triển mới, cơ hội và thách thức', do Học viện Ngoại giao tổ chức ngày 6/4, nằm trong khuôn khổ Đề tài độc lập cấp Bộ 'Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sự tham gia của Việt Nam', do NCS. Trần Thị Khánh Trà, giảng viên Khoa Chính trị quốc tế và ngoại giao, Học viện Ngoại giao làm Chủ nhiệm.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Những phát triển mới, cơ hội và thách thức”, ngày 6/4.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Những phát triển mới, cơ hội và thách thức”, ngày 6/4.

Hội thảo có dự tham dự của TS. Nguyễn Hùng Sơn, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao; Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng SOM ASEAN Việt Nam; Đại sứ Nguyễn Trung Thành, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng SOM ASEAN Việt Nam; Đại sứ Tôn Sinh Thành, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ; Đại sứ Trịnh Minh Mạnh, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao; Phó Vụ trưởng Dương Trí Hiển, Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao; PGS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS Hà Anh Tuấn, Quyền Trưởng khoa Chính trị quốc tế và ngoại giao, Học viện Ngoại giao; cùng nhiều học giả, chuyên gia tới từ các đơn vị, viện nghiên cứu của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và đông đảo các giảng viên, học viên, nghiên cứu viên, sinh viên của Học viện Ngoại giao.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các Đại sứ, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế và nhóm tác giả đã tập trung đánh giá thực tiễn triển khai Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP) từ năm 2019 đến nay, phân tích vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cùng các cơ hội và thách thức trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược gia tăng, và đề xuất các khuyến nghị chính sách cụ thể cho Việt Nam.

 TS. Nguyễn Hùng Sơn, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao phát biểu khai mạc Hội thảo.

TS. Nguyễn Hùng Sơn, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Hùng Sơn cho rằng nên xác định rõ thuật ngữ ‘khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương’ – một cấu trúc mới hình thành, một hiện tượng địa chính trị nổi bật trong những năm gần đây. Thực tế trong những năm gần đây, có một ‘làn sóng’ trên thế giới đang xoay trục về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khi có 15 nước đã ban hành các chính sách (dưới các tên gọi khác nhau như Tầm nhìn, Chiến lược…) để ứng phó, tận dụng cũng như tương tác với khu vực này theo các mức độ, cách thức khác nhau. Hiện tượng này thú vị ở chỗ, các chính sách này đã đặt khu vực Đông Nam Á ở trung tâm, đặc biệt là Biển Đông với vai trò kết nối hai đại dương. TS. Nguyễn Hùng Sơn nhất mạnh, việc ASEAN có quan điểm chung về khu vực (AOIP) đã trở thành cơ sở quan trọng cho Việt Nam sử dụng thuật ngữ tương đối thoải mái, có cơ sở, tránh nhạy cảm chính trị.

Với 4 tham luận được trình bày trực tiếp tại Hội thảo, các chuyên gia tập trung làm rõ: (i) cách tiếp cận, vai trò của ASEAN đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; (ii) những nỗ lực của ASEAN nhằm cụ thể hóa quan điểm của mình trong khu vực đang định hình trong bối cảnh thách thức và cơ hội đan xen từ năm 2019 đến nay; (iii) tương lai của AOIP và các hàm ý chính sách đối với Việt Nam. Trong tham luận dẫn đề, NCS. Trần Thị Khánh Trà đã lý giải sự khác biệt trong cách tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của giới chuyên gia và hoạch định chính sách từ góc độ 3 trường phái lý thuyết QHQT chính (chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa kiến tạo). Từ sự khác biệt trong cách nhìn nhận về khu vực, giới học giả và chuyên gia sẽ có cách đánh giá, nhìn nhận khác nhau về sự ra đời, bản chất của AOIP. Một số cho rằng AOIP là phản ứng của các nước Đông Nam Á trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn, một số khác lại nhấn mạnh đến yếu tố kinh tế biển, kết nối trong AOIP, và nhu cầu thể chế hóa khu vực theo ‘phương cách ASEAN’, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang định hình.

Tham luận do Phó Vụ trưởng Dương Trí Hiển chia sẻ góc nhìn tổng quan về AOIP từ nền tảng hình thành AOIP là tư duy khu vực rộng mở của ASEAN, đến nội dung, nguyên tắc và những hoạt động triển khai AOIP của ASEAN từ năm 2019 tới nay. ASEAN có nhiều nỗ lực lồng ghép, triển khai nội dung AOIP trong các cơ chế sẵn có của mình; tiếp tục khẳng định cam kết chính trị ở cấp cao nhất, điển hình như tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44-45 vào tháng 10/2024, cũng như triển khai ở cấp chuyên ngành; các sáng kiến hợp tác cụ thể như Diễn đàn ASEAN - Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương 2023. Hiện nay đã có 7 đối tác của ASEAN có những tuyên bố ủng hộ AOIP và công bố các khoản hỗ trợ cho ASEAN để triển khai AOIP. Có thể nói, AOIP từ văn kiện được coi là phản ứng ban đầu của ASEAN trước tập hợp lực lượng của nước lớn, dần trở thành tiêu chí bắt buộc trong quan hệ giữa ASEAN và các đối tác. Với những kết quả đã đạt được như hiện nay, AOIP được đánh giá là tương đối thành công, tiếp tục khẳng định vai trò và giá trị của mình; với ASEAN, AOIP tiếp tục là ‘cẩm nang’ để can dự với các đối tác; với các đối tác, AOIP là con đường để lồng ghép, hợp tác với ASEAN.

Các tham luận của PGS.TS. Hà Anh Tuấn và PGS.TS. Võ Xuân Vinh trình bày tại Hội thảo đã làm sâu sắc thêm các khía cạnh quan trọng về vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, những thách thức ASEAN đối mặt trong việc thúc đẩy AOIP và một số khuyến nghị cho Việt Nam.

Hội thảo diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến phát biểu, tham gia tranh luận của các Đại sứ và các nhà nghiên cứu. Đại sứ Phạm Quang Vinh đặt ra nhiều câu hỏi mang tính chiến lược và gợi mở về bản chất, ý nghĩa và tính bền vững của thuật ngữ ‘Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương’ cũng như vai trò của ASEAN trong cấu trúc khu vực; đồng thời nhấn mạnh các thiết chế khu vực do ASEAN dẫn dắt dù còn nhiều hạn chế, song vẫn chưa có gì thay thế được. Tài liệu AOIP vừa là phản ứng của ASEAN trước những chuyển động địa chính trị, địa kinh tế khó lường tại khu vực; vừa là cách ASEAN chủ động tham gia với các đối tác chủ chốt, liên kết khu vực, đặc biệt phải gắn kết chặt chẽ với mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN đến năm 2045, đặt liên kết kinh tế ở vị trí ưu tiên. Chia sẻ ý kiến với các đại biểu tham dự Hội thảo, Đại sứ Nguyễn Trung Thành đặt ra vấn đề tự chủ chiến lược của ASEAN thông qua việc tham gia chủ động, tích cực vào khu vực cũng như cần thích ứng, thích nghi với những biến động khu vực. ASEAN cần phải biến định hướng tư duy thành định hướng hành động, xây dựng tính tự chủ chiến lược hơn trong cuộc chơi mới.

Những ý kiến, trao đổi của các đại biểu tại Hội thảo sẽ là những đóng góp thiết thực và quan trọng trong việc nghiên cứu, hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam nói riêng và chiến lược phát triển của ASEAN nói chung trong tình hình mới. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, khẳng định vị thế và vai trò tích cực trong khu vực và trên thế giới, việc đóng góp vào các sáng kiến khu vực như AOIP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. AOIP thể hiện cam kết của ASEAN về một khu vực rộng mở, bao trùm, hợp tác và tôn trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam, với tinh thần chủ động và trách nhiệm, sẽ có thể đưa ra những sáng kiến, chương trình hành động góp phần triển khai AOIP, tạo dựng một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

NCS. Trần Thị Khánh Trà, Chủ nhiệm đề tài phát biểu đề dẫn.

NCS. Trần Thị Khánh Trà, Chủ nhiệm đề tài phát biểu đề dẫn.

Phó Vụ trưởng Dương Trí Hiển – Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao trình bày tham luận.

Phó Vụ trưởng Dương Trí Hiển – Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao trình bày tham luận.

 PGS.TS Võ Xuân Vinh – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biểu tham luận.

PGS.TS Võ Xuân Vinh – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biểu tham luận.

Đại sứ Phạm Quang Vinh phát biểu tại Hội thảo.

Đại sứ Phạm Quang Vinh phát biểu tại Hội thảo.

Đại sứ Nguyễn Trung Thành phát biểu tại Hội thảo.

Đại sứ Nguyễn Trung Thành phát biểu tại Hội thảo.

Chu An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-thao-khoa-hoc-tam-nhin-cua-asean-ve-an-do-duong-thai-binh-duong-nhung-phat-trien-moi-co-hoi-va-thach-thuc-310287.html
Zalo