Hội thảo khoa học Không gian Văn hóa Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử)
Sáng 31-10, Hội thảo Không gian Văn hóa Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử) đã được diễn ra tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, do Viện Trần Nhân Tông (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức.
Tham gia hội thảo có Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Thượng tọa Thích Thanh Phong, đồng Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Thượng tọa Thích Phước Đạt, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Giáo dục Phật giáo T.Ư, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM; Thượng tọa Thích Nhật Từ, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM; GS.TS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, các phó giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử.
Đại diện tông môn Thiền phái Trúc Lâm có Thượng tọa Thích Tâm Hạnh; Thượng tọa Thích Đạt Ma Phổ Hóa, Phó ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông nhấn mạnh hội thảo được tổ chức với mong muốn nhận thức và đánh giá hệ thống văn hóa Phật giáo, bao gồm các phát hiện mới về văn hóa Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử). Hội thảo cũng kỳ vọng làm sáng tỏ giá trị mang tính di sản quốc gia của Phật giáo Bắc Giang; nhận diện và đưa đến những giải pháp để bảo tồn, phát huy các di sản của địa phương.
Được biết có hơn 110 bài tham luận gởi về Ban Tổ chức, trong đó có 74 bài được chọn đăng vào kỷ yếu hội thảo.
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thông tin sơ lược về diện mạo tỉnh Bắc Giang trong các lĩnh vực. Ông nhấn mạnh, Phật giáo là một trong hai tôn giáo chính tại Bắc Giang, trong đó có chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, H.Yên Dũng), chốn Tổ của Thiền phái Trúc Lâm và chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, H.Việt Yên), chốn Tổ của phái Lâm Tế được xếp vào hạng di tích quốc gia đặc biệt. Cùng với đó, khu di tích Côn Sơn Kiếp Bạc đang được đề xuất Unesco công nhận là di sản thế giới.
Hội thảo diễn ra 3 ngày, từ ngày 31-10 đến 1-11-2023 tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Quảng trường 3/2, TP.Bắc Giang với các phiên thảo luận, báo cáo khoa học và chương trình tìm hiểu thực tế tại chùa Vĩnh Nghiêm, thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng.
Hội thảo sẽ tập trung nghiên cứu và thảo luận những nội dung chính: Nhận diện và cách tiếp cận văn hóa Phật giáo và không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang; Lịch sử văn hóa Phật giáo Bắc Giang, đặc sắc của Thiền phái Trúc Lâm và dòng phái Lâm tế trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam; Giá trị đặc sắc của văn hóa Phật giáo Bắc Giang và những phát hiện mới về di sản văn hóa Phật giáo; Vai trò, đóng góp của văn hóa Phật giáo đối với phát triển và giao lưu văn hóa, kinh tế, xã hội; Nhận diện các thách thức, triển vọng và giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Bắc Giang...