Hội thảo giới thiệu tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực lâm nghiệp

Ngày 29/5, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Viện Nghiên cứu Lâm sinh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) tổ chức Hội thảo 'Giới thiệu tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực lâm nghiệp' để ứng dụng vào sản xuất.

Tham dự có các đồng chí: Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Hoàng Văn Thắng, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh; lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ; Sở NN - PTNT Cao Bằng và Quảng Ninh; hơn 150 đại biểu là lãnh đạo, chuyên viên Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục Lâm nghiệp; một số nông dân tiêu biểu các tỉnh: Cao Bằng, Thái Nguyên, Lào Cai, Lai Châu, Hòa Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tính đến tháng 12/2022, diện tích rừng của nước ta đạt hơn 14 triệu 860 nghìn ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 42% diện tích đất nước. Tốc độ gia tăng giá trị ngành lâm nghiệp đạt bình quân trên 5%/năm. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tập trung giai đoạn 2021 - 2023 bình quân đạt 20 triệu m3/năm; giai đoạn 2021 - 2023 cả nước thu tiền dịch vụ môi trường rừng được 6.856 tỷ đồng.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 15,7 tỷ USD. Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ hai châu Á và thứ nhất Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Đạt được các kết quả trên là nhờ có chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ về phát triển lâm nghiệp; trong đó, đòn bẩy phát triển lâm nghiệp là phát triển nghiên cứu khoa học và chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, trồng rừng.

Giai đoạn 2021 - 2023, Cục Lâm nghiệp thẩm định và công nhận theo thẩm quyền 24 tiến bộ kỹ thuật thuộc lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó, có 16 tiến bộ kỹ thuật về giống; 2 tiến bộ kỹ thuật về nuôi dưỡng rừng; 6 tiến bộ kỹ thuật về chế biến và công nghiệp rừng. Những năm qua, hệ thống khuyến nông đã xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình lâm nghiệp tiêu biểu, giúp người nông dân làm chủ khoa học - kỹ thuật.

Các mô hình khuyến lâm được tổ chức thực hiện thành công tại các địa phương trên cả nước, góp phần giúp người dân các tỉnh miền núi mạnh dạn sản xuất, kinh doanh trên đất rừng theo phương thức thâm canh, tạo công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo; nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng, phát triển rừng bền vững.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai 18 dự án khuyến nông lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó, vùng Trung du miền núi phía Bắc triển khai 9 dự án, tiêu biểu là các dự án: “Xây dựng mô hình trồng cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm ở một số tỉnh phía Bắc”; “Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống bạch đàn lai mô được công nhận”; Mô hình trồng thâm canh Giổi ăn hạt bằng cây ghép thuộc dự án “Xây dựng mô hình trồng thâm canh giổi ăn hạt bằng cây ghép”; “Xây dựng mô hình trồng một số cây lâm sản ngoài gỗ gắn với tiêu thụ sản phẩm”… đạt hiệu quả cao.

Tại hội thảo, các đại biểu tham luận với nội dung: Giới thiệu một số giống và tiến bộ kỹ thuật về lâm nghiệp phù hợp với phát triển lâm nghiệp khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; một số tiến bộ mới được công nhận về lâm sinh phù hợp với phát triển sản xuất lâm nghiệp khu vực trung du và miền núi phía Bắc; công tác bảo vệ rừng và phát triến sản xuất lâm nghiệp; kết quả thực hiện các dự án khuyến nông Trung ương của Viện Nghiên cứu lâm sinh giai đoạn 2014 - 2024; công tác xây dựng một số mô hình khuyến lâm; thực trạng, định hướng và giải pháp thực hiện cây giống chất lượng cao trong xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn... Đồng thời, thảo luận, phân tích thực trạng, tiềm năng, khó khăn, cơ hội, thách thức đối với lĩnh vực lâm nghiệp.

Hội thảo góp phần giới thiệu, chuyển giao, ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực lâm nghiệp, nhằm phát triển kinh tế rừng hiệu quả cao, bền vững.

Tiến Mạnh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/hoi-thao-gioi-thieu-tien-bo-ky-thuat-linh-vuc-lam-nghiep-3169551.html
Zalo