Hội thảo chính sách pháp luật về nhà giáo

Sáng 18/10, Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Lập pháp tổ chức hội thảo với chủ đề 'Chính sách, pháp luật về nhà giáo: Tiếp cận từ thực tiễn các cơ sở giáo dục đại học công lập ở Việt Nam hiện nay'.

Ý kiến tại hội thảo cho thấy những thách thức pháp lý trong quản lý và sử dụng nhà giáo như: Chưa có một khung chính sách đồng bộ để tạo sự nhất quán trong tuyển sinh, đào tạo cùng các chương trình hỗ trợ liên quan đến mọi khía cạnh trong quá trình công tác của nhà giáo. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đầy đủ nhưng còn phức tạp.

Ngành giáo dục vừa phải đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng viên chức, vừa có các quy định về bồi dưỡng của ngành dẫn đến chồng chéo, quá tải văn bằng, chứng chỉ. Viên chức ngành giáo dục nói chung đa phần tham gia bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp phải tự túc kinh phí. Pháp luật quy định rõ ràng về chế độ bảo vệ quyền lợi cho viên chức, nhưng thực tiễn cho thấy vẫn còn bất cập trong việc triển khai.

Về khả năng tự chủ của các trường đại học, theo Luật Giáo dục đại học 2018, các cơ sở giáo dục đại học công lập được trao quyền tự chủ về tuyển dụng và sử dụng nhân lực. Tuy nhiên, nhiều trường đại học chưa tận dụng tốt quyền tự chủ này do vướng mắc trong cơ chế pháp lý và thiếu nguồn lực tài chính.

Phan Hằng - Hồng Dũng

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/hoi-thao-chinh-sach-phap-luat-ve-nha-giao-239968.htm
Zalo