Hội thảo Biển Đông lần 14: Hướng tới giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp

Trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông đang có xu hướng gia tăng, Hội thảo Biển Đông vừa tổ chức tại Thủ đô Washington D.C. đã nhấn mạnh đến sự cần thiết hợp tác hướng tới giải pháp hòa bình giải quyết các tranh chấp đối với tất cả các quốc gia có liên quan cũng như có lợi ích trong khu vực.

Đây là hội thảo về Biển Đông lần thứ 14 do Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ tổ chức với sự tham dự của nhiều học giả, các nhà ngoại giao và nhà nghiên cứu trên khắp thế giới.

Trong hội thảo, đa số các chuyên gia đều nhận định, mặc dù căng thẳng trên Biển Đông trong thời gian qua không quá nổi bật khi thế giới đang có quá nhiều điểm nóng, đặc biệt là hai cuộc xung đột tại châu Âu và Trung Đông. Tuy nhiên, các sự cố trên Biển Đông trong thời gian qua, ví dụ như giữa Trung Quốc và Phillipines cho thấy nguy cơ rủi ro trong khu vực là rất cao, khả năng các bên bị kéo vào đối đầu không mong muốn là thực tế. Ngoài ra, nguy cơ va chạm Mỹ-Trung xuất phát từ các hành vi không an toàn trên không và trên biển đang có xu hướng gia tăng trở lại, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ-Trung đang cạnh tranh toàn diện.

Đảo Trường Sa Lớn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: baochinhphu)

Đảo Trường Sa Lớn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: baochinhphu)

Các ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, các nước cần hợp tác để nhận diện được những đe dọa tiềm ẩn trên biển, các thách thức mới nổi và cùng hành động để ngăn chặn. Việc giảm leo thang căng thẳng mang lại lợi ích cho tất cả các nước, do đó cần xử lý và quản lý các điểm nóng một cách hiệu quả.

“Rất nhiều nước đề cao việc các nước, đặc biệt là các nước lớn phải quay lại tuân thủ một cách chặt chẽ luật pháp quốc tế ở biển Đông, phải gương mẫu trong việc ứng xử một cách có trách nhiệm, bảo đảm duy trì hòa bình và ổn định. Và đặc biệt là các nước cũng đề cao việc các nước lớn phải hợp tác với nhau để cùng duy trì và ổn định chung, bởi vì không có bên nào dù là anh là nước lớn hay nước nhỏ, muốn một khu vực châu Á Thái Bình Dương lại rơi vào tình trạng khủng hoảng giống như là các khu vực khác ở trên thế giới”, Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, Việt Nam, cho biết.

Cùng quan điểm, Phó Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) Harrison Pretat, Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ đánh giá cao sự cần thiết của việc hợp tác và hướng tới giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp của các bên liên quan để tránh nguy cơ xảy ra xung đột không mong muốn.

“Những yêu cầu, đòi hỏi của các nước cần được giải quyết trên bằng các cuộc thảo luận trên bàn làm việc, chứ không phải bằng tàu thuyền và vòi rồng, không phải bằng sự hiện diện của hải quân được trang bị vũ khí. Vì vậy, nếu chúng ta có thể chuyển từ những căng thẳng thành các vấn đề ngoại giao, dựa trên luật pháp quốc tế, chứ không phải là những rủi ro về an ninh, tôi cho rằng đó phải là ưu tiên số 1 của tất cả các bên”, ông Harrison Pretat nhấn mạnh.

Trong hội thảo, các nội dung phát biểu cũng cho thấy các nước đều nhận thức rất rõ tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở Biển Đông đối với hòa bình và ổn định của khu vực nói chung cũng như chỉ ra nguy cơ tiềm ẩn đối với hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Việc giải quyết được những thách thức tại Biển Đông sẽ giúp khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, thực sự trở thành trung tâm tăng trưởng của toàn cầu trong thế kỷ 21.

Vũ Hợp/VOV-Washington

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/hoi-thao-bien-dong-lan-14-huong-toi-giai-phap-hoa-binh-giai-quyet-tranh-chap-post1107576.vov
Zalo